(Tổ Quốc) - Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, bất kỳ là ai, đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục... nếu vi phạm thì thì đều phải bị xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm.
- 22.04.2019 Ngoài hàng loạt con quan chức thì con thầy cúng, lái xe ở Hòa Bình cũng được nâng điểm
- 22.04.2019 Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La có con gái được nâng điểm: Tôi đang rất buồn, chỉ biết nói thế thôi
- 20.04.2019 GS. Nguyễn Minh Thuyết: Nếu những vị quan chức đó nghiêm thì "ai dám tự ý nâng đỡ con ông ấy?
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Nguồn: Tiền phong)
Sau danh sách nhiều quan chức, cán bộ ngành Giáo dục, công an... ở Sơn La có con được nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 được đăng tải, mới đây, phụ huynh Hòa Bình có con trong diện gian lận điểm cũng được "nêu tên".
Cụ thể, hàng loạt quan chức, cán bộ, giám đốc doanh nghiệp có con, cháu được nâng điểm thi như: Giám đốc Công ty Bảo Việt Hòa Bình; Giám đốc Sở NN&PTNT; Trưởng phòng CSGT tỉnh; Phó phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh Hoà Bình); Phó Chính ủy Lữ đoàn 72; Phó Chủ tịch UNBD tỉnh Hòa Bình... Đáng nói, tại Hà Giang, trong danh sách học sinh được nâng điểm thi còn có con của Phó trưởng đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh. Mặc dù ông Vinh nói rằng không "đi xin xỏ cái gì và trong việc này cũng thế" nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi về sự việc này. Hiện tại, vụ việc nâng điểm thi "gây chấn động dư luận" vẫn đang được tiếp tục điều tra.
Theo dòng thời sự, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về vấn đề này. Ông chia sẻ, tình trạng nâng điểm thi như đã xảy ra vừa qua chắc chắn không chỉ xảy ra ở Hoà Bình, Sơn La, Hà Giang… mà còn xảy ra ở nơi khác nữa mà chúng ta chưa phát hiện ra. Về thời gian, vấn nạn này có thể đã từng xảy ra từ những năm trước, và có thể xảy ra tại những năm 2016 - 2017... "Đây là tảng băng chìm".
Hành động nâng khống điểm thi tại kỳ thi vừa qua, ông Lê Như Tiến cho rằng, đây là sự việc đáng lên án, là "ung nhọt" của ngành giáo dục trong giai đoạn hiện nay vốn dĩ đã có quá nhiều những vụ việc phản giáo dục xảy ra tại các trường học như: bạo lực học đường, vi phạm an toàn thực phẩm, thầy giáo dâm ô với học sinh...
Trong sự việc này, theo ông Lê Như Tiến thì việc công khai danh tính các em học sinh được nâng điểm là không nên, bởi các em chỉ là nạn nhân. Việc công khai danh tính sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, ảnh hưởng đến cả cuộc đời các em sau này, thay vào đó, chỉ cần công bố số báo danh của các em.
"Nhưng tôi ủng hộ việc công khai danh tính phụ huynh học sinh của các em học sinh được nâng điểm. Bố mẹ các em mới là những người trực tiếp gian lận điểm thi.
Chúng ta phải nhận diện, công khai danh tính của những người trực tiếp sửa điểm thi, công khai danh tính phụ huynh học sinh. Xem những danh sách vừa qua có thể thấy rằng, họ là những người có quyền và có tiền và thuộc các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong đó có cả phụ huynh làm trong ngành giáo dục, có cả phụ huynh là ĐBQH...Việc nâng điểm đã tước đoạt cơ hội vào đại học của những em học sinh khác học giỏi hơn. Sự việc này là "ung nhọt của ngành giáo dục cần phải cắt bỏ", ông Lê Như Tiến nói.
Theo ông Lê Như Tiến, để ngăn chặn tình trạng chạy điểm thi cho con, bất kỳ là ai, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục.... hay là ĐBQH thì cũng phải bị xử lý.
"Chúng ta đã nói là không có vùng cấm. Ai vi phạm thì người đó phải chịu hậu quả. Bất kỳ là ai, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo ngành giáo dục.... hay là ĐBQH thì cũng phải bị xử lý như nhau tuỳ theo mức độ vi phạm. Việc này còn phải căn cứ vào kết luận của cơ quan điều tra", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Một số quan điểm cho rằng, ngoài xử lý theo các quy định của pháp luật, phải công khai đích danh người tác động sửa điểm để lên án trước xã hội. Nếu điều tra xác định có căn cứ những người liên quan có vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ của những công chức ấy để điều tra, truy tố trước pháp luật.
ĐBQH Dương Trung Quốc cũng cho rằng, dù phụ huynh có con được nâng điểm là ĐBQH thì cũng phải bị xử lý bình đẳng như bao người khác vì ĐBQH không phải là "đẳng cấp có quyền nào cả". ĐBQH là công việc nhà nước giao cho nhưng ĐBQH không có quyền vi phạm luật pháp.
Nếu ĐBQH có con em được nâng điểm thì cũng như những người vi phạm khác, phải được điều tra thật kỹ xem mức độ vi phạm như thế nào.
"Không có chuyện quan chức nhà nước thì tội nhẹ hơn mà phải ngược lại, bởi "anh" ăn lộc nhà nước, được hưởng các chính sách chế độ... thì càng phải nghiêm. Nhất là lúc này Đảng, Nhà nước đang đưa ra chủ trương về gương mẫu. Người lãnh đạo càng cao thì càng phải gương mẫu. Cũng có nghĩa là nếu sai phạm thì càng phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn. Như vậy mới hợp lý, công bằng. Nghĩ ĐBQH có đặc quyền là không được!", ĐBQH Dương Trung Quốc chia sẻ quan điểm.