• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Duy trì giao tiếp hàng ngày để gắn kết tình cảm gia đình

Văn hoá 06/08/2024 17:08

(Tổ Quốc) - Theo các chuyên gia, gia đình là điểm tựa không gì thay thế được trong hành trình sinh ra, lớn lên và đi đến tương lai. Gia đình là tài sản vô giá, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi thành công cũng như thất bại... nơi trở về đều là gia đình.

Đó chính là những chia sẻ của các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong cuộc tọa đàm "Điểm tựa gia đình giữa những biến động của thời đại 4.0" do Báo Người Lao động tổ chức vừa qua.

Theo nguyên Trưởng Khoa Tâm lý Giáo dục, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh TS Võ Văn Nam, gia đình là cái nôi mỗi cá nhân sinh ra, nuôi dưỡng, được dạy đỗ để trưởng thành trong suốt cuộc đời. Gia đình có sự ảnh hưởng rất sâu sắc đến phát triển nhân cách của mỗi con người.  

Ngay từ tấm bé, qua lời ru của mẹ đã gửi gắm thông điệp trong cuộc sống, đó là chất liệu để chúng ta trưởng thành hơn. Và đó cũng chính là sự nuôi dưỡng về mặt thể chất, tình cảm để con người lớn lên, trưởng thành. 

Duy trì giao tiếp hàng ngày để gắn kết tình cảm gia đình - Ảnh 1.

Quang cảnh tọa đàm

Bên cạnh đó, gia đình còn là điểm tựa suốt đời của mỗi con người. Những lúc gặp áp lực trong cuộc sống, chúng ta sẽ mong muốn được trở về gia đình. Bởi gia đình là nơi an ủi, vỗ về giúp chúng ta thấy nhẹ lòng nhất. Trong giáo dục Việt Nam cũng đặt rõ gia đình – nhà trường – xã hội là ba nền tảng để hình thành một con người tốt, có ích cho xã hội.

Đồng thời gia đình cũng là nơi thể hiện tình yêu thương vô điều kiện, là nơi hun đúc tình cảm để mỗi khi vào đời, các cá nhân sẽ thể hiện được được tình cảm, tình yêu thương với người khác. Và gia đình cũng là nơi để con người có thể bộc lộ, thể hiện mình một cách tự nhiên, thoải mái nhất. Nếu ra đường chúng ta phải hóa trang, đeo mặt nạ để tránh mọi người không đánh giá thì khi về nhà mọi sự hóa trang, đối phó đó chúng ta không cần nữa. Nhờ đó, cha mẹ thấy được mặt tích cực, tiêu cực của con cái để uốn nắn, khuyên ngăn, dạy bảo trước khi quá muộn.

"Đặc biệt, gia đình cũng chính là trường học đầu đời của mỗi con người. Ở đó cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy dỗ từng thành viên là con cái của mình. Những lời dạy của cha mẹ xuất phát từ trái tim chân thành, chính bài học đó đã nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ, để mỗi con người thật sự trưởng thành trong xã hội" – TS Võ Văn Nam nói.

Tổng Biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân cho biết: Gia đình là điểm tựa không gì thay thế được trong hành trình sinh ra, lớn lên và đi đến tương lai. Gia đình là tài sản vô giá, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi thành công cũng như thất bại... nơi trở về đều là gia đình. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số hiện nay, gia đình cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Mạng xã hội, internet và các thiết bị thông minh có thể khiến các thành viên trong gia đình dành ít thời gian cho nhau hơn, giảm đi sự kết nối, dẫn đến sự xa cách.

Đồng quan điểm trên, Phó Khoa Quản lý Kinh tế - xã hội, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh TS Phạm Thị Thúy cũng nhìn nhận xã hội hiện nay biến đổi quá nhanh, quá mạnh, thậm chí là ngoài dự đoán của nhiều người. Vì vậy, gia đình là tế bào, hạt nhân của xã hội nên sẽ chịu sự ảnh hưởng của xã hội. Xã hội càng biến động thì gia đình cũng sự biến động theo. Điển hình như, biến động về gia đình đơn thân ngày càng xuất hiện nhiều, tỉ lệ ly hôn đang gia tăng, giới trẻ kết hôn ngày càng muộn, thậm chí không kết hôn. Đây là một xu hướng làm quy mô gia đình ngày càng nhỏ hơn. Chính những điều này làm cho sự gắn kết về tình cảm gia đình ngày càng lung lay.

Gợi mở cách gìn giữ để gia đình luôn là điểm tựa của mỗi người, góp phần giúp xã hội ổn định, phát triển bền vững và hạnh phúc, giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Ths Nguyễn Thị Ngọc Vui cho rằng nên tôn trọng sự khác biệt của các thành viên trong gia đình. Các thành viên trong gia đình cần có những buổi nói chuyện thẳng thắn, chân thành dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Từ đó sẽ hiểu nhau hơn, cảm thông cho nhau, gắn kết với nhau hơn. Một phương pháp khác là thiết lập các thứ tự ưu tiên cho gia đình. Mỗi cá nhân trong gia đình phải tự cân bằng được bản thân. Ưu tiên về thời gian, nguồn lực, tài chính… để dành cho gia đình.

"Thực tế hiện nay, giới trẻ càng ngày càng thiếu sự ưu tiên cho gia đình. Do đó, người trẻ cần chủ động dành thời gian cho gia đình, cho cha mẹ. Bên cạnh đó, người lớn cũng cần chủ động quan tâm, thấu hiểu với người trẻ. Người trẻ có thể hiểu biết nhiều nhưng lại rất cần sự am hiểu sâu sắc của người lớn dành cho mình. Vì vậy, hãy dành sự yêu thương, chủ động, tôn trọng lẫn nhau để xây dựng một gia đình an toàn, hạnh phúc" - Ths Nguyễn Thị Ngọc Vui nhấn mạnh.

Còn theo TS Võ Văn Nam, để duy trì giao tiếp hàng ngày giúp các thành viên trong gia đình gắn kết tình cảm, hiểu biết và chia sẻ với nhau những khó khăn, niềm vui và những vấn đề trong cuộc sống thì cần phải cố giữ gìn sự kết nối trực tiếp giữa cha và mẹ, cha mẹ và con cái thông qua những bữa ăn, những giây phút tâm sự với nhau. Và những bữa ăn cùng nhau là dịp rất quý để các thành viên hiểu nhau hơn, từ đó, góp phần giúp cho gia đình ngày càng trở nên gắn kết, tình cảm hơn.

Nhận định thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã xây dựng hệ thống những chính sách, quy định pháp luật nhằm hỗ trợ, xây dựng gia đình hạnh phúc, song Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ngọc Linh cho rằng, để chính sách thực thi có hiệu quả, cần coi đây là nhiệm vụ của toàn xã hội, của mỗi gia đình, mỗi cá nhân và cần có sự kết nối cộng đồng./.

Linh Linh


*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ