• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gặp lại người chụp bức ảnh “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975“

Thời sự 30/04/2017 08:10

(Tổ Quốc) - Nhà báo Trần Mai Hưởng là tác giả bức ảnh lịch sử nổi tiếng kể trên. 42 năm trôi qua, nhiều câu chuyện và kỷ niệm đẹp xung quanh bức ảnh đã diễn ra. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tác giả Trần Mai Hưởng đã dành cho báo Tổ quốc cuộc phỏng vấn.

- Được biết ông là tác giả của bức ảnh lịch sử nổi tiếng: “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975”, vậy xin hỏi cơ duyên nào mà ông có được bức ảnh ấy trong khi có rất nhiều phóng viên ảnh đi cùng và ông không phải là phóng viên ảnh chuyên nghiệp?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Vâng, bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/75" đối với tôi như một cái duyên về nghề nghiệp vào một khoảnh khắc lịch sử của đất nước.



Mùa xuân 1975, tôi tham gia tổ mũi nhọn của các phóng viên chiến trường, theo cánh quân phía đông giải phóng Huế, Đà Nẵng và các thành phố dọc miền trung. Cuối tháng 4/1975, chúng tôi có mặt ở sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn 2, tham gia các trận đánh ở Nước Trong, Biên Hoà trước khi tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Ngày 29/4, chúng tôi được bố trí đi theo mũi thọc sâu, gồm lữ đoàn thiết giáp 203 và trung đoàn bộ binh 66 (sư đoàn bộ binh 304) đánh thẳng vào trung tâm thành phố.



Chúng tôi có mặt ở Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4, ngay sau tốp xe tăng đi đầu (gồm các xe 390 và 843) chiếm dinh, trong lúc các xe tăng khác tiếp tục tiến vào. Tôi vừa nhảy ra khỏi xe com măng ca thì thấy một xe tăng sắp qua cửa. Như một phản xạ tự nhiên, tôi giơ máy lên bấm đúng lúc xe qua cửa.

Bức ảnh ”Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975“ của nhà báo Trần Mai Hưởng

- Khi hoàn thành xong bức ảnh ông có dự đoán được số phận bức ảnh sẽ đi vào lịch sử không, hay chỉ nghĩ là bức ảnh cho bài viết của mình như bao bức ảnh thông thường khác?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ rằng đấy là một bức hình đẹp. Xe tăng đang qua cửa, hùng dũng, nòng pháo hiên ngang. Lá cở nửa đỏ nửa xanh trên tháp pháo tung bay. Cùng với người lính tăng trên tháp pháo, trên xe còn có cả hai chiến sĩ bộ binh cùng hành tiến...



Nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo đứng cách tôi không xa cũng chụp hình ảnh chiếc xe tăng ấy. Trong ảnh của anh xe tăng đã qua hẳn cửa, và còn có hình một phóng viên phía bên kia cũng đang chụp ảnh, cả ảnh một chiếc xe Jeep khi ấy đỗ trong sân dinh.



Khi ấy, tôi  không hình dung được số phận của bức ảnh ấy về sau này và cũng không kịp nghĩ đến điều gì khác. Tôi chụp các hình ảnh với số phim ít ỏi còn trong máy, rồi cùng nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo mượn chiếc xe của tư lệnh phó QĐ2 Hoàng Đan đến Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Toà đô chánh, cảng Sài Gòn ... để vừa chụp ảnh, vừa lấy tư liệu cho nhiệm vụ chính là viết bài.

- Bức ảnh này đã mang lại cho ông điều gì?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Đây là niềm vui của người cầm bút, cầm máy. Cùng với những hình ảnh khác của các PV TTXVN trong tổ mũi nhọn và từ các mũi tiến quân khác như Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Văn Bảo, Lâm Hồng Long, Lâm Tấn Tài... chúng tôi đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ vào một thời khắc quan trọng của lịch sử.

- Với một bức ảnh nổi tiếng như “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975” thì ông có bị phiền phức gì liên quan đến tranh chấp bản quyền hay sự nghi ngờ dàn dựng không?



Nhà báo Trần Mai Hưởng: Về bản quyền tác phẩm, trước hết đây là bức ảnh của TTXVN, sau nữa mới là những tác giả cụ thể .

Cũng có những sự hiểu nhầm: Có thời gian, bức ảnh này được coi là ảnh của xe tăng đầu tiên, và được suy luận là của phóng viên nước ngoài, rồi sau đó, khi biết tác giả là phóng viên Việt Nam thì được cho là ảnh dàn dựng lại vì lúc chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào, phóng viên Việt Nam đi theo  quân giải phóng chưa có mặt... Sau này mọi chuyện đã được TTXVN làm rõ lại

Chú thích chính thức của TTXVN cho bức ảnh này ngay từ đầu đã rất rõ ràng. Đây là bức ảnh chụp tại chỗ, vì khoảng 2h chiều 30/4/1975, xe tăng 846 và những người lính trên xe đã rời dinh Độc Lập ra làm nhiệm vụ ở Tân Cảng và cho đến mãi này cũng không quay lại Dinh nữa.

Nhà báo Trần Mai Hưởng và các chiến sĩ xe tăng 846 trong một lần gặp mặt .

- Khi giơ máy lên chụp ảnh ông có biết những người trên xe tăng không?

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Khi chụp ảnh , tôi không biết những người lính trên chiếc xe ấy. Sau đó cũng không có dịp gặp nhau... Khi bức ảnh được dùng rộng rãi như một biểu tượng cho ngày Chiến Thắng 30/4/1975, tôi cũng có ý định đi tìm các chiến sĩ  trên xe tăng nhưng chưa có cơ hội gặp được. Rồi năm tháng cứ trôi đi.

Dịp kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, tôi quyết tâm đi tìm một lần nữa. Dấu hiệu duy nhất chỉ là con số 6 trên tháp pháo, hai số đầu đã bị che khuất !

Tôi tìm mãi, người này qua người khác, rất may lại gặp đúng đại đội phó, trưởng xe Nguyễn Quang Hoà.

Tôi rất mừng khi anh trả lời rất tự tin :

- Trong ảnh đó là xe của chúng tôi đấy, xe 846 !

Hoá ra các anh đã nhận ra xe của mình rất lâu rồi, chỉ có chưa gặp mặt tác giả thôi. Lập luận của anh rất đơn giản:

Trong đội hình 7 xe tạo thành mũi đột kích đánh chiếm dinh Độc Lập, chỉ có duy nhất chiếc T54 của các anh có đuôi số 6. Còn lại là các xe khác: 843,844,380,390... Anh Hoà đã lưu giữ bức ảnh ấy từ rất lâu, ngay sau ngày chiến thắng.

Câu chuyện thứ hai khẳng định điều đó: Pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ, người đứng trên tháp pháo xe, năm 1985 cùng vợ vào thăm Dinh Độc Lập đã nhận ra mình trong bức ảnh tôi chụp được phóng to treo ở đấy. Anh rất vui và thông báo cho anh em trong xe biết điều đó !

Khi gặp nhau kể lại những câu chuyện đó, trưởng xe Nguyễn Quang Hoà nói rất giản dị:

- Chúng tôi biết điều ấy và vui với nhau thôi. Anh em đã cùng tham gia chiến dịch và có bức ảnh là kỷ niệm đẹp. Chúng tôi cũng chỉ nói với người thân trong gia đình vì nghĩ, chiến tranh qua lâu rồi, cuộc sống còn bao nhiêu công việc... Mình sống trở về là may mắn hơn bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trên chiến trường!

- Kể từ khi bức ảnh trở nên nổi tiếng, ông có gặp lại những người lính trên chiếc xe tăng ấy không?.

Nhà báo Trần Mai Hưởng: Dịp 30/4/2015, bốn mươi năm sau, lần đầu tiên, các phóng viên trong tổ mũi nhọn của TTXVN chúng tôi - Hứa  Kiểm, Đinh Quang Thành, Trần Mai Hưởng và Mạnh Hùng (báo Quân đội Nhân dân) mới có dịp gặp lại các chiến sĩ xe tăng 846. Một buổi gặp mặt rất thân mật, ấm cúng trong ngôi nhà của anh Nguyễn Quang Hòa, đại đội phó kiêm trưởng xe 846 giữa những người làm báo và những người chiến sĩ may mắn có mặt  tại Dinh Độc Lập trong một một thời  khắc lịch sử !

Sau đấy chúng tôi cùng các anh- trưởng xe Nguyễn Quang Hoà, pháo thủ số 1 Nguyễn Đức Quý, pháo thủ số 2  Nguyễn Bá Tứ, lái xe Trần Bình Yên trở nên những người thân thiết và năm nào cũng có gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm, chia sẻ, động viên nhau trong cuộc sống.

Câu chuyện về bức ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975" mãi mãi là một kỷ niệm đẹp của chúng tôi - những phóng viên chiến trường của TTXVN và những người chiến sĩ vào khoảnh khắc lịch sử trọng đại của đất nước !

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hiền Nguyễn (Thực hiện)

Nhị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ