(Tổ Quốc) -Gần 30 năm khám chữa bệnh miễn phí, hơn 30 năm tận tụy giúp người. Bất kể nắng hay mưa, xa hay gần, người giàu hay người nghèo, hễ có người nhờ là ông đi. Ông hăng hái, nhiệt tình đến mức “đi suốt ngày”, ai muốn gặp ông ở nhà, đa phần đều phải... chờ may mắn.
Trong căn nhà rộng chưa đến 15 mét vuông, đồ đạc đơn sơ, người đàn ông hơn 80 tuổi niềm nở chữa bệnh miễn phí cho các bệnh nhân. Ông là bác sĩ quân y Đặng Cát (SN 1936), nhà ở phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. |
Ông chia sẻ với PV Báo điện tử Tổ Quốc rằng đã từng khám và chữa bệnh cho không biết bao người nhưng chưa từng một lần ông nhận tiền thù lao. Ông bảo: "Bệnh nhân khỏe là niềm vui lớn nhất của tôi rồi, tiền bạc khi ấy đâu có nghĩa lý gì". |
Chỉ với những dụng cụ y tế đơn giản, đã nhuộm màu thời gian. Nhưng trong tay vị "Thần y" tuổi đã tuổi bát thập luôn là những vũ khí sắc bén chiến đấu với các bệnh lý. Bác sĩ quân y Đặng Cát vẫn thầm lặng đi thăm khám miễn phí cho các bệnh nhân nghèo không những trên địa bàn quận Tây Hồ, mà ở bất cứ đâu hễ có bệnh nhân nặng, không đến khám được, có người đến gọi là ông sắm túi, đạp xe đến tận nhà bệnh nhân không kể đêm ngày, chẳng cần công sá. |
Ông kể cho chúng tôi về những kỷ niệm đáng nhớ những ngày còn làm việc trong màu áo lính quân y: "Tôi còn nhớ rất rõ hồi ấy khoảng năm 1972, tôi đã cứu một cháu bé 3 ngày tuổi tên là Nguyễn Thành Đồng. Cậu bé ấy lúc mới sinh hoàn toàn bình thường nhưng 4 ngày sau thì bụng chướng to. Gia đình đã đưa cậu bé tới bệnh viện cấp cứu nhưng đến ngày thứ 8 thì bị bệnh viện trả về. Hôm đó tôi đang ngủ say thì nghe thấy tiếng đập cửa rất mạnh, khi mở cửa thì người thân của cậu bé cầu cứu tôi giúp đỡ. Dù chỗ tôi ở chỉ cách nhà cậu bé chừng 1 cây số nhưng do địa hình là đồi núi nên đi lại rất khó khăn". |
"Phải mất khá nhiều thời gian tôi mới tới được nhà của Đồng. Lúc đó bụng cậu bé ấy phình to lắm, nhiều người thân đang khóc lóc vì tin rằng cậu bé chẳng thể qua khỏi. Tôi khám thì phát hiện Đồng bị nhiễm độc. Bằng kinh nghiệm của mình tôi đã cố gắng để cứu cậu bé, kết quả chính tôi cũng không ngờ vì đến khoảng ngày thứ 13 là bụng cậu bé xẹp xuống và chịu bú sữa mẹ". ông xúc động chia sẻ. |
Những năm sau ông Cát trở về trường Sĩ quan Biên phòng tại Sơn Tây (nay là Học viện Biên phòng) làm Chủ nhiệm quân y rồi nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Trung tá. Thông thường, khi được nghỉ hưu người ta hay nghĩ đến những giây phút thư thái, sum vầy bên con cháu, coi đó là niềm vui lớn nhất lúc về già nhưng với bác sĩ Đặng Cát thì lại khác. |
Mới đây ông được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh là " Công dân Thủ đô " tiêu biểu năm 2017 với những đóng góp to lớn cho xã hội. |
Ông chia sẻ, những ngày cận Ngày giải phóng Thủ đô, nhiều đồng nghiệp, học trò và các cán bộ Học viện Biên phòng thường hay lui tới thăm hỏi động viện. Nhiều người đến còn tặng cả bịch thuốc và dụng cụ y tế để phục vụ việc khám chữa bệnh tốt hơn. |
"Từ trước đến nay, tôi hoạt động liên tục mang tấm lòng nhân ái phục vụ mọi người nên không hề tính toàn gì. Nay được thành phố quan tâm vinh danh, tự thấy từ nay với danh hiệu này tôi lại càng phải cố gắng hơn những gì mình đã làm trước kia." Ông chia sẻ về danh hiệu Công dân thủ đô ưu tú mới được nhận. |
Trước đó, với việc làm ý nghĩa của ông, Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng về thành tích trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2009); được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt tiêu biểu" (năm 2013); là một trong 124 gương điển hình tiên tiến tại Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014)… |
Trong khi ngành y đang đối mặt với việc y đức xuống thấp, tình trạng bác sĩ nhận phong bì... thị việc một bác sĩ quân y già vẫn ngày ngày tận tâm khám, chữa cho bệnh nhân mà chưa từng nhận một đồng thù lao gần 30 năm nay khiến nhiều người cảm phục. Đã có biết bao con người từng ở trong tình trạng "thập tử nhất sinh" được ông Cát cứu sống. Đó mới chính là niềm vui của vị bác sĩ già, bởi ông quan niệm: "Những điều cho đi là còn mãi". |