• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gậy bản quyền và câu chuyện bản quyền trên môi trường số

Văn hoá 28/10/2021 14:50

(Tổ Quốc) - Ngay sau khi nhạc sĩ Giáng Son bức xúc vì việc bị công ty BH Media "đánh gậy bản quyền" ca khúc "Giấc mơ trưa" do chính cô sáng tác, sản xuất nằm trong album "Giáng Son" (2007) trên trang Youtube thì công ty BH Media đã có cuộc họp báo với nội dung "Bản quyền âm nhạc trên môi trường số" và phản hồi về vụ việc này.

Hiểu nhầm về bản quyền?

Theo đó, BH Media khẳng định, vụ việc xảy ra là do Giáng Son "hiểu nhầm" về bản quyền trên Youtube. BH Media hiện là đơn vị đăng ký quyền sở hữu ca khúc "Giấc mơ trưa" do nghệ sĩ Dương Thùy Anh thể hiện trên Youtube. Khi phát hiện bài hát của Giáng Son đăng tải, cơ chế quét tự động của Youtube sẽ so sánh, đối chiếu và tự động gửi "thông báo xác nhận bản quyền" tới nhạc sĩ Giáng Son.

Gậy bản quyền và câu chuyện bản quyền trên môi trường số - Ảnh 1.

Việc nhạc sĩ chưa bán bản quyền tác phẩm nhưng bị đánh bản quyền trên Youtube do một số đơn vị "lạm dụng"

Đại diện Công ty BH Media cho biết: "Vì trên YouTube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nữa. Do đó, khi phát hiện bản ghi "Giấc mơ trưa" của Giáng Son mới được tải lên hơi giống với bản ghi "Giấc mơ trưa" của nghệ sĩ Dương Thùy Anh đã tải lên trước đó, YouTube đã so sánh, đối chiếu và tự động gửi thông báo xác nhận bản quyền tới nhạc sĩ Giáng Son.

Cũng theo BH Media, thông báo này nhằm mục đích để chủ sở hữu các bản ghi đối soát bản quyền với nhau và không làm ảnh hưởng đến quyền đăng tải bản ghi của Giáng Son. Chỉ cần nhạc sĩ Giáng Son làm thao tác phản hồi, chủ sở hữu bản ghi sẽ xác minh và gỡ xác nhận bản quyền khỏi video. Tuy nhiên, nữ nhạc sĩ không thực hiện thao tác phản hồi.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, BH Media đã "nhả" bản quyền bài hát cho nhạc sĩ Giáng Son. Bản ghi chúng tôi sở hữu là bản ghi do bên Hồ Gươm Audio Video cung cấp, không phải bản ghi của nhạc sĩ Giáng Son".

Sau khi nắm được thông tin trên truyền thông về ý kiến của BH Media, nhạc sĩ Giáng Son đã lập tức có những phản hồi.

Nhạc sĩ Giáng Son cho biết: "BH Media đổ tại Youtube quét là sai! Youtube chỉ cung cấp công cụ cho đối tác (network) tự quản lý và thực thi. Nếu network không tự ý bật Content ID (phải là nội dung độc quyền) và ra lệnh quét trùng khớp thì không có chuyện video âm nhạc của Giáng Son bị claim (đính xác nhận bản quyền từ BH Media). Người thực thi là network, họ thông qua công cụ mà Youtube cấp đó thực hiện các hành vi cần thiết. Nếu hành vi đó là hợp lệ thì Youtube cho phép. Nhưng nếu đó là hành vi lạm dụng (như BH Media không phân rõ nguồn gốc tác phẩm) thì hành vi này là không được phép".

Nhạc sĩ Giáng Son cho biết thêm, bản thân nghệ sĩ Dương Thùy Anh khi mượn tác phẩm của cô thì chỉ xin phép mà không có hợp đồng. Khi Thùy Anh làm CD với bên Hồ Gươm Audio Video cũng không ký hợp đồng nào với cô. Việc Hồ Gươm Audio Video tự ý bán bản ghi ca khúc cho BH Media mà cả Thùy Anh và Giáng Son không hay biết gì là một sự vô lý.

Nhạc sĩ Giáng Son khẳng định: "Người làm ẩu, sai đầu tiên là Dương Thùy Anh! Phía BH Media chịu trách nhiệm liên đới vì không xác minh rõ quyền tác phẩm. BH Media không được phép bật contentID (CID) nếu đó không phải là tác phẩm mà đơn vị này độc quyền sở hữu".

Câu chuyện tranh chấp chưa hồi kết

Vụ việc của nhạc sĩ Giáng Son chỉ là một trong nhiều vụ việc vi phạm bản quyền trên nền tảng số. Nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ, ông có hơn 20 ca khúc bị đánh gậy bản quyền. Ông cho rằng, đơn vị sản xuất có thể sản xuất ca khúc thành video, MV để bán nhưng phải có sự cho phép của tác giả hoặc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (đơn vị được nhạc sĩ ủy quyền). Nhiều nhạc sĩ giống tôi, ca khúc của mình nhưng bị Youtube đánh gậy bản quyền.

Có thể kể đến các nhạc sĩ như Nguyễn Vĩnh Tiến, Minh Châu, Lã Văn Cường..., các nhạc sĩ không thể đăng tải tác phẩm của mình lên Youtube do có đơn vị khác đăng ký bản quyền mà không hay biết.

Về phía BH Media, trong cuộc họp báo sáng 27/10, đơn vị này cho biết, họ chỉ ký kết với Hồ Gươm Audio Video để khai thác các bản ghi trên môi trường nhạc số, không liên quan đến việc tranh chấp bản quyền: "Chúng tôi làm việc có đầy đủ hợp đồng, giấy phép khai thác ký giữa BH Media và Hồ Gươm. Còn nếu giữa Hồ Gươm và các nhạc sĩ, nghệ sĩ có sự vướng mắc về bản quyền thì chúng tôi không biết".

Ban Pháp chế Trung tâm Bảo vệ Quyền Tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cũng thông tin thêm để làm rõ vụ việc. Theo đó, nhạc sĩ Giáng Son vừa là tác giả sáng tác bài hát, vừa là chủ sở hữu bản phối, bản ghi âm mà nhạc sĩ đăng tải trên kênh của mình; trong trường hợp này, quyền tác giả và quyền liên quan đều thuộc về nhạc sĩ Giáng Son.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ (LSHTT): "Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa". Trong mọi trường hợp, quyền liên quan chỉ được bảo hộ "với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả" (khoản 4 Điều 17 LSHTT).

Việc BH Media xác nhận mình là "chủ sở hữu bản quyền" đối với bản ghi âm ghi hình do chính tác giả gốc sản xuất là hành vi gây phương hại đến quyền tác giả, không hề có hiểu lầm trong sự việc này. Chính vì vậy nên BH Media đã lập tức phải gỡ bỏ xác nhận chủ sở hữu ngay khi nhạc sĩ Giáng Son lên tiếng trên các phương tiện truyền thông.

Việc BH Media cho rằng, trên Youtube có nhiều bản ghi "Giấc mơ trưa" của nhiều chủ sở hữu khác nữa trong khi thực tế tác giả Giáng Son chưa từng chuyển nhượng, bán độc quyền tác phẩm này cho ai cũng hoàn toàn sai so với quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài Giáng Son hoặc người được Giáng Son ủy quyền, không có bất cứ cá nhân/tổ chức nào có quyền chủ sở hữu đối với tác phẩm hoặc bản ghi âm ghi hình tác phẩm "Giấc mơ trưa".

Ngoài ra, BH Media tuyên bố có quyền sở hữu đối với bản ghi và nội dung đã cung cấp cho Youtube thì hệ thống (YouTube) mới có thể thực hiện quét tự động. Điều này đặt ra vấn đề là bản ghi mà BH Media sử dụng để Youtube tự động quét liệu có phải vẫn là bản ghi thuộc quyền sở hữu của nhạc sĩ Giáng Son không, hay bản ghi này có đang bị chiếm hữu một cách trái phép, hoặc nếu sản xuất, sao chép thì có xin phép nhạc sĩ Giáng Son chưa… Đây là vấn đề cần kiểm tra lại và làm rõ ở góc độ pháp lý, thông qua các giấy tờ, hợp đồng mà các bên liên quan đã ký kết, chuyển giao.

Theo yêu cầu và ủy quyền của nhạc sĩ Giáng Son, cũng như của một số nhạc sĩ khác đang gặp phải tình cảnh tương tự, VCPMC sẽ có văn bản đề nghị BH Media làm rõ thêm.

Bên cạnh đó, BH Media cũng là đơn vị sử dụng khi thực hiện sao chép tác phẩm để đăng tải trên Youtube mà theo quy định thì BH Media phải thực hiện xin phép và trả tiền nhuận bút cho tác giả thành viên VCPMC; tuy nhiên, nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả thuộc thành viên VCPMC lại chưa được BH Media tuân thủ nghiêm túc.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ