• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

GDP 6 tháng 2023 ước tăng 3,72%

Kinh tế 29/06/2023 12:09

(Tổ Quốc) - Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 2/2023 ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý 2/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,25%, đóng góp 8,53% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,50%, đóng góp 23,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,11%, đóng góp 67,84%.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,27 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,43% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,77%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm.

GDP 6 tháng 2023 ước tăng 3,72% - Ảnh 1.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023. Ảnh minh họa.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng 0,44% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,37%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 1,79%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 1,43%, làm giảm 0,05 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 4,74%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,07%, 2,54% và 4,19% của cùng kỳ các năm 2011, 2012, 2022 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.

Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,18% và 4,53% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,88 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,18%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,62%; khu vực dịch vụ chiếm 43,25%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,81% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,21%; 38,00%; 41,85%; 8,94%).

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 2,68% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 30,27% vào tốc độ tăng chung của toàn nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 1,15%, đóng góp 6,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,0%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 13,20%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 63,45%.

Trước đó, trong bài trả lời trên báo Financial Times (Anh), Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Việt Nam cần thực hiện các bước quyết liệt để đạt được các mục tiêu kinh tế trong năm nay, đồng thời cảnh báo rằng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của chúng ta phải cố gắng để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh đơn hàng giảm mạnh.

Ông cho biết chính phủ đang nhắm mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6 đến 6,5%, sau mức tăng trưởng nửa đầu năm được dự đoán là khoảng 4%.

Dy Khoa

NỔI BẬT TRANG CHỦ