• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giá bản quyền, cách đàm phán- bài học đắt giá cho các đài truyền hình

Thời sự 22/08/2018 08:24

(Tổ Quốc) -Câu chuyện về việc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) giành được bản quyền ASIAD 2018 đã cho thấy, vấn đề bản quyền các giải thể thao lớn và kinh nghiệm đàm phán giờ đây đang đặt ra cho các đài truyền hình một thách thức không nhỏ.

Con số không quá cao

Ngày 21/8/2018, được sự ủy quyền của Tổng Giám đốc VOV, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC (đơn vị thành viên của VOV) đã ký hợp đồng với công ty KJSM World Corp để mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018.

Về số tiền của bản quyền lần này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc chiều 21/8, ông Nguyễn Kim Trung, Giám đốc Đài truyền hình VTC khẳng định, không phải là con số tiền như các báo thông tin. “Nó không phải là con số cao tới 3-4 triệu đô la như các báo thông tin ban đầu nhưng cũng không phải là con số quá thấp như một số trang mạng xã hội đã thông tin: 700-800.000 đô la”- ông Nguyễn Kim Trung nói.

 Đội tuyển bóng chuyền Việt Nam gây choáng váng khi thắng đội tuyển bóng chuyền Trung Quốc tại ASIAD 2018. Ảnh minh họa: Nam Khánh

Thông cáo báo chí của Đài VOV đã không tiết lộ con số cụ thể để có được bản quyền ASIAD 2018.

Đại diện truyền thông của các Tập đoàn tài trợ cho bản quyền ASIAD cũng không tiết lộ con số chính thức.

Giải thích về số tiền trên, ông Nguyễn Kim Trung cho hay, đêm hôm qua, 20/8, đại diện Đài VTC vẫn đang tiếp tục quá trình đàm phán về bản quyền trong khi, giải thể thao này đã bắt đầu được vài ngày.

Trả lời câu hỏi, liệu mức giá bản quyền đã hạ xuống có phải do giá của đơn vị bán đã giảm xuống hay không, ông Nguyễn Kim Trung cho hay: “vì nhiều lý do không hẳn lý do như vừa nêu mà là cách tiếp cận đàm phán, phương pháp đàm phán và thời điểm đàm phán”.

Ông Nguyễn Kim Trung cho biết, việc đàm phán quá gấp, trước đó một đơn vị truyền hình được chào hàng nhưng không mua. Do vậy, khi VTC đàm phán thì gặp nhiều khó khăn.

Thông tin thêm về vấn đề này, báo Tuổi trẻ ngày 21/8 cho hay, giá bản quyền truyền hình ASIAD 2018 thời điểm năm 2017 chỉ khoảng 500.000 đô la và đến ngày 21/8, KJSMWorld Corp chào giá là 1,7 triệu đô la.

Trên trang Vtv.vn, dù không đưa ra mức giá chào của đối tác là bao nhiêu, nhưng VTV ngày 30/7 thông tin: ngay khi biết KJSM là đơn vị giữ bản quyền, với khả năng tài chính của mình, VTV đã trao đổi mua gói không độc quyền để phát trên truyền hình miễn phí nhưng đối tác không đồng ý và chỉ chào bán gói độc quyền với giá rất cao.

Mạng xã hội đang đặt các đài truyền hình vào thách thức lớn

Theo ông Nguyễn Kim Trung, VTC có nhiều kinh nghiệm làm sự kiện thể thao lớn, các điều kiện về kỹ thuật, hạ tầng có thể đáp ứng được nên tất cả việc đàm phán diễn ra nhanh và công tác đàm phán kết thúc sớm.

Trả lời về câu hỏi, tại sao các đài không mua bản quyền từ sớm hơn tránh cảnh “bị làm giá”, ông Nguyễn Kim Trung cho hay, có nhiều lý do các đài quyết định mua hay không mua bản quyền. Trong đó cả 2 yếu tố đều quan trọng: yếu tố phục vụ nhân dân và đảm bảo cân đối tài chính, nguồn kinh phí chi trả cho tiền bản quyền.

“Thông thường không có nhiều Đài truyền hình ở Việt Nam có thể đủ điều kiện mua bản quyền và thực hiện bản quyền. Trong số đó điều kiện tốt nhất thuộc về VTV. Do đó các đài còn lại cũng có ý là: thôi, vì VTV có tiềm lực về tài chính nhất thì nên đứng ra mua để phục vụ nhân dân. Nhưng do VTV với các lý do khác nhau và quyết định không mua thì Đài Tiếng nói Việt Nam, trong đó Đài VTC trực thuộc VOV đã quyết định mua”- ông Nguyễn Kim Trung chia sẻ.

“Chúng tôi không loại trừ bất kể cơ hội nào để có các bản quyền chương trình truyền hình phục vụ nhu cầu người dân”- ông Nguyễn Kim Trung nói.

Với câu hỏi về những lo ngại của các mạng xã hội lấn sân sang lĩnh vực truyền hình trong việc cung cấp các sự kiện thể thao quốc tế lớn, ông Nguyễn Kim Trung cho hay, bằng thế mạnh nền tảng công nghệ của họ (mạng xã hội - PV) đã đặt các đài truyền hình vào thách thức rất lớn.

“Đương nhiên, không phải riêng VTC mà các Đài truyền hình cũng cần điều chỉnh chiến lược của mình để phù hợp với truyền thông đa phương tiện hiện nay”- ông Kim Trung nêu.

Đồng thời ông cũng cho rằng, việc điều chỉnh nếu chỉ có các đài thực hiện thì khó có kết quả mà còn phụ thuộc vào công tác hoạch định chính sách của cơ quan nhà nước, có biện pháp lành mạnh để đảm bảo cho các đài phát triển.

“Chúng ta đã thấy, khi Facebook, Youtube hay các kênh mạng xã hội khác phát triển ở Việt Nam bên cạnh những gì họ mang lại thì cũng tồn tại các vấn đề vi phạm bản quyền. Vấn đề này chưa được xử lý rốt ráo cũng là thách thức và ảnh hưởng đến cân đối của các đài khi mà bản quyền có thể bị vi phạm”- ông Nguyễn Kim Trung nêu.

Với việc mua bản quyền lần này, Đài VOV trong thông cáo của mình cũng đã nhắn nhủ: rất mong các cơ quan báo chí, các tổ chức cá nhân tôn trọng, thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định về bản quyền để không làm ảnh hưởng tới quyền lợi của công chúng; bảo vệ hình ảnh quốc gia.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ