(Tổ Quốc) - Đại biểu bức xúc: “Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng…Thế giới khó tìm ra loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư mà lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi như vậy!”.
Chiều 28/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung cổ phần hóa DNNN. Đề cập tới hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” của các dự án đầu tư, ông Nguyễn Anh Trí đã dẫn chứng dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) có vốn dự kiến ban đầu là 72 tỷ đồng nhưng sau đó vượt lên tới gần 2.600 tỷ đồng.
Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (tỉnh Ninh Bình) điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ đồng. (Nguồn: Lao động) |
Ông cho rằng, “thế giới khó tìm ra loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư mà lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy! Việt Nam có không ít những dự án như vậy, toàn là trăm tỷ, nghìn tỷ. Tôi lo lắng không biết Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào?”, ĐB Nguyễn Anh Trí băn khoăn.
ĐB Nguyễn Anh Trí nhận định, nền kinh tế Việt Nam thời gian qua dù khởi sắc nhưng vẫn còn tình trạng bội chi nhiều năm.
“Tình hình chung còn nhiều khó khăn, vẫn còn tình trạng gia đình 5 thành viên phải ăn những bữa cơm 15.000 đồng, sao vẫn có những dự án lãng phí như vậy? Chính phủ cần xem thật thấu đáo vấn đề này, ĐB Nguyễn Anh Trí nói đầy tâm trạng.
Về vấn đề này, ĐB Bùi Văn Phương (đoàn Ninh Bình) tranh luận, không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là "có mờ ám".
Về dự án tăng gấp 36 lần này, ông Phương cho hay, dự án này bắt đầu từ năm 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Sau đó, vì lý do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại so với ban đầu.
Và vì 4 mục tiêu sau điều chỉnh nên số vốn làm dự án tăng từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ. Trong số này, vốn Nhà nước bỏ ra làm dự án này chỉ hơn 1.400 tỷ, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hoá.
Trước đó, bên lề Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa từng chia sẻ về dự án này. ĐB này phân tích, việc đội vốn lớn như dự án nạo vét, kè sông Sào Khê ở Ninh Bình sẽ tạo ra sự đảo lộn về nguồn vốn, ngân sách, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Nguyên nhân của sự đội vốn này, ĐB Nghĩa cho rằng, ngay từ khi ký kết hợp đồng triển khai các dự án, người có trách nhiệm đã không được tư vấn đầy đủ, dẫn tới có nhiều cái "hớ" trong hợp đồng. Khi đó, bên đơn vị đấu thầu triển khai chậm trễ, sẽ không có sự ràng buộc và chế tài xử lý.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, cần phải điều chỉnh vai trò quản lý, giám sát của nhà quản lý. Ví như chủ đầu tư thuê người tư vấn giám sát nhưng người tư vấn phải là người của mình để không thể bị mua chuộc bởi nhà thầu. Nếu tư vấn giám sát kém hoặc giám sát bị mua chuộc, chắc chắn công trình kém đi. Như thế ngân sách Nhà nước sẽ bị ảnh hưởng.
ĐB đoàn TPHCM cho rằng, để các dự án xảy ra đội vốn chính là do năng lực quản lý của cán bộ. Do đó, nếu cấp trực tiếp có vấn đề, cấp trên đủ năng lực quản lý phải chấn chỉnh và kỷ luật ngay lập tức, lựa chọn người có năng lực vào vị trí này./.
Hà Giang