• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia đình - cái nôi của văn hóa và nhân cách

Văn hoá 18/08/2023 09:40

(Tổ Quốc) - Xã hội ngày nay đang trải qua những thay đổi đáng kể, và trong cuộc sống hiện đại đầy hối hả, vai trò của gia đình và dòng họ vẫn luôn là điểm tựa quan trọng, là nền tảng định hình tính cách và xây dựng phẩm chất của con người Việt Nam.

Con người Việt Nam từ xưa đã coi trọng gia đình và dòng họ là nền tảng quan trọng của đạo đức và phẩm chất tốt đẹp. Những giá trị về lòng trung thành, tôn kính người lớn tuổi, lòng biết ơn và trân trọng truyền thống gia đình đã được thấm nhuần trong tâm hồn người Việt.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Dũng, gia đình là nơi con người Việt tìm thấy sự ấm áp, an toàn và yêu thương. Tình cảm gia đình đậm đà giúp họ có sự tự tin, sự ủng hộ tinh thần để đối mặt với khó khăn trong học tập và vượt qua thử thách trong cuộc sống. Gia đình và dòng họ hỗ trợ con người Việt Nam phát triển tính tự lập và trách nhiệm. Những phẩm chất này giúp họ biết quản lý thời gian, chủ động học hỏi và đối diện với trách nhiệm cá nhân và cộng đồng.

Bên cạnh đó, gia đình và dòng họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và truyền dạy bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Sự tự hào về nguồn gốc và danh dự gia đình giúp con người Việt Nam khắc phục khó khăn, tìm kiếm ước mơ và thành công trong học tập. Đồng thời, đây cũng là nguồn gốc hình thành đạo đức và phẩm chất của con người Việt Nam. Những giá trị về lòng kiên nhẫn, lòng kiên trì, lòng nhân ái và tình người là những phẩm chất tốt đẹp được xây dựng thông qua tình yêu thương và giáo dục của gia đình.

Gia đình và dòng họ còn có vai trò quan trọng trong việc truyền thụ tri thức, kinh nghiệm và bài học từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này giúp con người Việt Nam nhận thức và tiếp thu kiến thức mới, đồng thời kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp từ quá khứ. Chính vì thế, gia đình và dòng họ cần tiếp tục tôn trọng và duy trì những giá trị truyền thống và văn hóa đặc trưng của con người Việt Nam. Việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị này giúp duy trì bản sắc văn hóa và định hình tính cách của con người Việt trong xã hội học tập.

Đồng quan điểm trên, đại diện cho Ban Phong trào Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Thị Thu Hiền chia sẻ: Ở thời đại nào, văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Văn hóa gia đình giàu tính nhân văn, nhân bản, đề cao giá trị đạo đức, xây dựng nếp sống văn hóa trật tự, kỷ cương, hun đúc tâm hồn, bản lĩnh cho con người trong từng tế bào của xã hội. Bởi vậy, gia đình tốt là đảm bảo cho dân giàu, nước mạnh, xã hội lành mạnh và văn minh.

Không môi trường nào có ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người. Gia đình rất cần có những quy tắc, chuẩn mực để hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp. Giá trị gia đình có thể hình thành từ các sinh hoạt thông thường qua thói quen ứng xử, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội khác...

Chính những giá trị này có tác dụng sâu sắc đến nhận thức, hành vi của mỗi thành viên. Cha mẹ là những người đầu tiên có ảnh hưởng đến quá trình hình thành niềm tin và hành vi đạo đức của con trẻ. Cha mẹ là tấm gương phản chiếu để nuôi dạy con trở thành những con người mẫu mực và hình thành nên văn hóa gia đình.

Gia đình - cái nôi của văn hóa và nhân cách - Ảnh 1.

ảnh minh họa

"Gia đình có vai trò quan trọng để duy trì và phát triển văn hóa và truyền thống hiếu học của dân tộc; đặc biệt trong việc khuyến khích tạo điều kiện cho mọi thành viên gia đình có ý thức tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, rèn luyện phẩm chất, năng lực của mỗi cá nhân để trở thành người công dân tốt, luôn tận tâm trong công việc và có đạo đức, biết chăm lo hạnh phúc gia đình và những người xung quanh, đóng góp vào phát triển cộng đồng và xã hội" – bà Phạm Thị Thu Hiền nói.

Bởi vậy, xây dựng một gia đình đúng nghĩa là phương châm của thời đại ngày nay. Gia đình là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con người. Gia đình có tình yêu của mẹ, có sự bao dung của cha, sự hiếu thảo của người con và sự bình đẳng biết yêu thương chia sẻ của các thành viên trong gia đình. Tất cả sẽ tạo nên văn hóa gia đình ngày nay, từ đó sẽ là một nền tảng xây dựng đất nước bình yên giàu mạnh.

Cho dù hiện nay Việt Nam đã mở cửa hòa nhập với thế giới giữa muôn vàn các giá trị nhân văn thì giá trị của văn hóa gia đình vẫn là truyền thống đẹp nhất mà trong xã hội chúng ta mỗi một con người cần trân trọng và gìn giữ./.

Thương Nguyễn


* Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ