• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao nói về bản quyền Quốc ca bị "nhận vơ"

Văn hoá 09/11/2021 21:06

(Tổ Quốc) - Ngày 9/11, trao đổi với báo chí, nhạc sĩ Văn Thao- con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao đã chia sẻ về việc ca khúc Tiến quân ca (Quốc ca) bị công ty BH Media khai thác bản quyền.

Theo đó, nhạc sĩ Văn Thao cho biết: Gia đình thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi, cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho Nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia chứ không còn thuộc về gia đình nữa. Nhưng khi nghe từ báo chí truyền hình về việc tác phẩm bị đánh gậy bản quyền, tôi thấy hết sức vô lý và hài hước.

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao nói về bản quyền Quốc ca bị "nhận vơ" - Ảnh 1.

Thời gian vừa qua, nhiều báo chí gọi điện thoại cho tôi hỏi về vấn đề này, tôi thay mặt gia đình trả lời, dù tác phẩm không thuộc bản quyền của gia đình nữa.

Tác phẩm Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944, theo ông nói, một cán bộ Việt Minh có tên là Vũ Quý đã động viên nhạc sĩ tham gia hoạt động cách mạng và thực hiện nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác bài hành khúc cho Mặt trận Việt Minh. Quan điểm sáng tác của ông là sáng tác bài hát cho cách mạng, sáng tác cho Mặt trận Việt Minh chuẩn bị tuyên truyền tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Cho nên, ông mới lấy tên là Tiến quân ca. Vì sáng tác để tuyên truyền, cổ động nên âm nhạc phải ngắn gọn, khúc chiết, dễ hát và ca từ phải dễ nhớ, dễ thuộc để mọi người đều có thể hát được. Và mùa đông năm 1944, "Tiến quân ca" ra đời, được đăng trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập và ngay lập tức được đón nhận rất nhanh. Được sử dụng là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân cùng đứng vào hàng ngũ "Đoàn quân Việt Nam" để cùng "Chung lòng cứu quốc" chuẩn bị Tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

Sau đó, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội tại Tân Trào đã bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch; đồng thời quyết định lựa chọn: lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh là Quốc kỳ, chọn bài "Tiến quân ca" là Quốc ca. Tiếp ngay sau đó, hưởng ứng lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa, toàn dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 19/8/1945, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), trước hàng nghìn quần chúng cách mạng, nhạc sĩ Văn Cao chỉ huy đội đồng ca thiếu nhi tiền phong hát vang bài "Tiến quân ca" trong niềm tự hào khôn tả. Từ đây, âm hưởng hào hùng của "Tiến quân ca" được dịp lan tỏa, trở thành hồi kèn xung trận, đồng hành, giục giã các tầng lớp quần chúng lao khổ khắp mọi miền đất nước cùng đứng lên giành chính quyền, góp phần làm nên thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Tiếp đó, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, dưới cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió mùa thu, hàng chục vạn người dân Thủ đô đã đồng thanh hát vang bài "Tiến quân ca" trong niềm tự hào, phấn khích tột độ. Và trong giờ phút lịch sử trọng đại, dưới ánh Quốc kỳ và âm hưởng Quốc ca thiêng liêng, hùng tráng ấy, Bác Hồ đã thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao nói về bản quyền Quốc ca bị "nhận vơ" - Ảnh 2.

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao trong buổi trao tặng ca khúc Tiến quân ca

Sau này, người ta có phỏng vấn ông là khi sáng tác Quốc ca ông có cảm nghĩ gì? Ông trả lời, khi tôi sáng tác đâu có nghĩ ca khúc được chọn làm Quốc ca. Tôi chỉ làm một bài ca cách mạng, một bài ca yêu nước như nhiều bài ca khác của tôi thôi. Còn Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca là do giá trị của bài hát đó. Nó gặp đúng thời điểm, sau này được Bác Hồ và Quốc hội lựa chọn làm Quốc ca.

Ca khúc đồng hành cùng Cách mạng Tháng Tám, đồng hành cùng đất nước cho đến bây giờ, đồng hành cùng lá cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng đi đến đâu, Quốc ca nổi lên đến đó, là sự đồng hành.

Những chuyện lùm xùm vừa rồi xung quanh công ty BH Media đòi quyền liên quan (quyền bản ghi) của Tiến quân ca theo tôi là hành động vi phạm pháp luật. Họ đã động đến quyền lợi của Nhân dân, của Nhà nước. Gia đình đã trao ca khúc này cho Nhân dân, Nhà nước mà lúc đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt đón nhận.

Bài hát này, từ ngay khi sáng tác xong cho đến lần đầu tiên công khai toàn dân hát tại Quảng trường Nhà hát Lớn ngày 19/8/1945 và đến sau này, thì nhạc sĩ Văn Cao vẫn luôn cho rằng, ca khúc này đã thuộc về Nhân dân rồi. Cho nên, nguyện vọng của ông và sau này gia đình chúng tôi thực hiện năm 2016 là trao lại toàn bộ bài hát Tiến quân ca cho Nhân dân và Nhà nước đại diện cho Nhân dân đón nhận. Chỉ có Nhân dân mới là người gìn giữ, bảo vệ bài hát này.

Từ khi ca khúc này ra đời, bản thân nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân". Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao.

Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Ca khúc này đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn đứng vững đến giờ, đã trở thành quốc hồn, quốc túy. Bất cứ đơn vị nào sử dụng vào mục đích kiếm lời cũng là xâm phạm vào quyền lợi của nhà nước, của nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này.

Gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao nói về bản quyền Quốc ca bị "nhận vơ" - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Văn Thao- con trai cả của cố nhạc sĩ Văn Cao

Trước đó, ngày 4/11 trên kênh VTV1, tiêu điểm chương trình Chuyển động 24h chủ đề "Trục lợi từ bản quyền các tác phẩm nghệ thuật trên nền tảng số" xoay quanh vụ lùm xùm bản quyền có liên quan đến công ty BH Media.

Người dẫn bản tin nói: "Không chỉ các tác phẩm bị sở hữu trái phép, một số tác phẩm dân gian hoặc của Nhà nước cũng đang bị khai thác trái phép. Điển hình như ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhân dân, Tổ quốc lại bị BH Media xác nhận sở hữu bản quyền".

Vụ việc sau đó gây bức xúc trong dư luận, bà Lâm Oanh – Đại diện Công ty BH Media có nói trên báo Lao động cho biết, với tác phẩm “Tiến Quân Ca”, nhạc sĩ Văn Cao luôn có quyền tác giả với tác phẩm. “Bất kỳ ai muốn sử dụng tác phẩm cũng phải thanh toán tiền tác quyền cho nhạc sĩ Văn Cao. Tuy nhiên, năm 2016, gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng tác phẩm “Tiến Quân Ca” cho nhân dân và Tổ quốc Việt Nam. Điều đó đồng nghĩa với việc, kể từ thời điểm hiến tặng trở đi, bất cứ một cá nhân, tổ chức nào ở Việt Nam sử dụng tác phẩm cũng sẽ không phải thanh toán tác quyền cho gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa. Tuy nhiên, nếu một cá nhân, tổ chức nào đó bỏ thời gian, công sức, kỹ thuật, tiền bạc ra làm một bản ghi “Tiến Quân Ca” thì theo Luật Sở hữu Trí tuệ, cá nhân, tổ chức đó là nhà sản xuất, là chủ sở hữu của bản ghi này (quyền liên quan)” – bà Lâm Oanh nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc đến độc giả./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ