(Tổ Quốc) - Sáng 13/7, Nhà hát Cải lương Việt Nam đã Khởi công vở diễn “Ni sư Hương Tràng” (hay Công chúa Huyền Trân).
- 03.05.2017 Cải lương mở màn chuỗi chương trình chất lượng nghệ thuật cao tại Nhà hát Lớn
- 04.05.2017 Cung phi Điểm Bích vào Nhà hát Lớn: sau 10 năm vẫn nguyên vẹn cảm xúc
- 05.05.2017 9x tham gia vở cải lương lịch sử “Hừng đông”
- 05.05.2017 Ấn tượng vở cải lương “Cung phi Điểm Bích” trong ngày tái ngộ khán giả
- 06.05.2017 'Hừng đông' lời tri ân với thế hệ người cộng sản ở giai đoạn khó khăn nhất của đất nước
- 13.06.2017 Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Cố gắng để bảo tồn nghệ thuật truyền thống được nhiều hơn
TS. Bùi Hữu Dược – Tác giả kịch bản của vở diễn chia sẻ: “Gần đây cũng có rất nhiều những tác phẩm về Công chúa Huyền Trân, có thể nói nhân vật này không hề xa lạ đối với văn học nghệ thuật và sân khấu. Sở dĩ tôi lấy cái tên “Ni sư Hương Tràng” là để nói về một người công chúa đất Tràng An (Hà Nội) thời xa xưa. Hương Tràng là hương thơm của đất Tràng An, nơi đã sinh ra một con người từ nhỏ tới lớn đều xuất chúng về cả trí tuệ và danh tiết.
Tôi viết “Ni sư Hương Tràng” là muốn thông qua vở diễn này góp phần ca ngợi một người phụ nữ Việt Nam ở rất nhiều vai trò, trong đó có một vai trò hết sức quan trọng là yêu nước và vì nước. Huyền Trân muốn làm vẻ vang thêm hình ảnh của đất nước mình, mặc dù đã lấy chồng người Chiêm, đến lúc không may do biến cố của lịch sử phải xuất gia đi tu, nhưng bà vẫn thể hiện vai trò rất quan trọng của mình đó là lòng tự hào dân tộc. Qua đây tôi cũng đặc biệt giáo dục cho lớp trẻ thêm tình yêu quê hương, yêu đất nước độc lập và yêu sự tự cường của một dân tộc trước sức mạnh của các thế lực khác quanh mình”.
Tác giả kịch bản và Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Nguyễn Xuân Vinh tại Lễ khởi công vở diễn Ni sư Hương Tràng |
“Ni sư Hương Tràng” kể về cuộc đời người con gái của Đức vua Trần Nhân Tông - Công chúa Trần Huyền Trân trong bối cảnh lịch sử của nước Đại Việt và mối quan hệ đa chiều với các nước lân bang xen lẫn nhiều sự kiện lịch sử đầy chất bi tráng. Vở diễn đã cho thấy mối duyên tình Trời định giữa bậc quân vương Chiêm quốc - Chế Mân với Công chúa Đại Việt - Trần Huyền Trân.
Theo TS. Bùi Hữu Dược vở “Công chúa Huyền Trân” đã giải nỗi oan của nhân vật lịch sử Trần Khắc Trung. Trong rất nhiều vở nói về Huyền Trân Công chúa, Trần Khắc Trung luôn được xem như một tội đồ, một ông Thượng quan ngoài 50 tuổi khi đi cứu công chúa Huyền Trân từ nước Chiêm trở về nhưng mang tiếng là người “gian dâm”. Rất nhiều nhà nghiên cứu, đặc biệt là các nhà sư cho rằng, thời Trần thịnh trị của cả văn và võ, không thể nào có một ông tướng gần 60 tuổi đi cứu một cô công chúa mới đôi mươi đang trong hoàn cảnh vừa chết chồng, vừa mất con mà lại có thể làm việc vô đạo như thế.
“Ni sư Hương Tràng” (Công chúa Huyền Trân) là vở diễn thực hiện kế hoạch dàn dựng năm 2017 của Nhà hát Cải lương Việt Nam theo đơn đặt hàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vở diễn được xây dựng với tiêu chí vừa đạt chất lượng nghệ thuật cao, vừa phần nào thỏa mãn những thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp khán giả, vừa góp phần cho nghệ thuật Cải lương thực sự có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội hiện đại, đặc biệt là trong năm nay 2017, đây cũng là năm đánh dấu sự kiện kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của Nghệ thuật Sân khấu Cải lương Việt Nam nói chung.
Theo ông Nguyễn Xuân Vinh – Quyền Giám đốc Nhà hát Cải Lương Việt Nam, vở diễn được xây dựng với tiêu chí vừa đạt chất lượng nghệ thuật cao, vừa phần nào thỏa mãn những thị hiếu lành mạnh của các tầng lớp khán giả, vừa góp phần cho nghệ thuật Cải lương thực sự có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội hiện đại.
Vở diễn sẽ được ra mắt vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2017./.
Tin, ảnh: Hồng Hà