(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng xã hội, Nhật Bản đang góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại nhiều quốc gia đang có nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.
Điển hình, Việt Nam - một trong những nước có GDP tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ năm 1990.
Đường cao tốc Bắc - Nam ở Việt Nam đang trong quá trình thi công, có tổng chiều dài 1.811km. Trong đó, đoạn đường cao tốc dài 55km ở phía Đông Tp.Hồ Chí Minh kết nối Tp.HCM với thành phố công nghiệp trọng điểm thuộc tỉnh Đồng Nai, sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 vùng, từ 3 giờ xuống còn 1 giờ. Điểm nhấn của đoạn đường cao tốc này sẽ là hệ thống giao thông thông minh (ITS) do một liên danh Nhật Bản thiết kế và lắp đặt.
Hệ thống ITS được cung cấp cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là thành quả đạt được của liên danh do Toshiba đứng đầu - giải pháp ITS trọn gói đầu tiên được các công ty Nhật Bản cung cấp cho khách hàng nước ngoài. Hầu hết các thiết bị đã được thử nghiệm và lắp đặt xong, và được khánh thành chính thức vào tháng 3/2017.
Các giải pháp tích hợp
Xe máy, phương tiện giao thông hàng ngày, từ lâu đã trở thành phương tiện di chuyển cá nhân chủ yếu tại Việt Nam. Theo đà tăng trưởng kinh tế, xe máy đang phải chia sẻ diện tích giao thông hạn chế với số xe ô tô con, xe thể thao đa dụng và nhiều phương tiện khác đang ngày càng tăng. Với hệ thống đường bộ đã trở nên chật chội, tắc nghẽn và kẹt xe đang xảy ra hàng ngày, gây phiền nhiễu cho người tham gia giao thông ở một đất nước đang hối hả phát triển.
Do đó, ưu tiên cấp bách mang tầm Quốc gia hiện nay: cải thiện tốc độ của hệ thống giao thông, qua việc xây dựng thêm nhiều tuyến đường tốt hơn, bao gồm đường cao tốc, tàu điện ngầm, cũng như các hạ tầng giao thông khác.
“Toshiba đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong các dự án đường bộ. Các nghiên cứu thị trường của chúng tôi cho thấy, tiềm năng to lớn từ thị trường Việt Nam, nơi có các dự án giao thông đường bộ quy mô lớn đang được đẩy mạnh”, ông Atsushi Kawami, Phòng Kỹ thuật Giải pháp giao thông và cao tốc, bộ phận Hệ thống xã hội, Công ty Giải pháp và hệ thống hạ tầng, Toshiba nói.
Theo ông Kawami, quy hoạch tổng thể phát triển giao thông của Việt Nam là cơ hội để Toshiba cung cấp các giải pháp toàn diện kết hợp quản lý giao thông và hệ thống thu phí.
“Trái tim của hệ thống ITS là công nghệ xử lý thông tin hiện đại, giúp tích hợp xử lý thông tin về con người, đường sá, phương tiện…, nhằm hạn chế gián đoạn mạng lưới đường bộ và giảm thiểu sự bất tiện cho người tham gia giao thông, cũng như giảm dồn nén giao thông, tai nạn và các vấn đề khác. Hệ thống ITS có nhiều hệ thống con, bao gồm cả hệ thống điều khiển giao thông và thu phí đường bộ. Trong dự án này, liên danh chịu trách nhiệm cung cấp tất cả thành phần, bao gồm cả phần thiết bị trung tâm và thiết bị phía đường của hệ thống trên suốt tuyến đường cao tốc dài 55km này”, ông Kawami nhấn mạnh thêm.
Dự án có cả hệ thống thu phí kể cả thu phí theo công nghệ ETC, có lắp đặt các thiết bị dò tìm phương tiện để đo lưu lượng giao thông và tự động thu thập dữ liệu tại 52 vị trí. Ngoài ra còn có các camera giám sát được lắp đặt tại 16 khu vực, cảm biến quan trắc thời tiết và các thiết bị liên lạc vô tuyến giúp cho nhân viên kỹ thuật có thể giám sát đường cao tốc một cách thuận lợi hơn.
Vượt qua khác biệt
Hệ thống quản lý giao thông hiện đã phổ biến ở Nhật Bản. Tuy nhiên, nhiều thị trường nước ngoài vẫn chưa triển khai sử dụng hệ thống này, đơn cử như Việt Nam. Mặc dù có những trở ngại nhất định và nhiều khó khăn không lường trước được, các thành viên liên danh đều đã có thái độ tích cực về dự án này.
“Tôi nghĩ rằng thế mạnh của các công ty Nhật Bản nằm ở quy trình chất lượng nghiêm ngặt. Chúng tôi đều có tầm nhìn xa và đưa ra đánh giá toàn diện. Hơn nữa, Toshiba còn có nhiều bí quyết công nghệ liên quan được tích lũy qua hơn 50 năm thực hiện các dự án đường bộ. Mặt khác, các công ty Việt Nam có thế mạnh ở năng lực mạnh mẽ và sức bật lớn. Với lực lượng lao động trẻ, đầy năng động, các đối tác Việt Nam đã đưa ra nhiều ý tưởng mà chúng tôi không nghĩ đến. Ví dụ như họ đã sử dụng thiết bị bay để tiến hành khảo sát các vị trí lắp đặt camera giám sát trên tuyến đường”, ông Kawami nói.
Để phát huy tối đa thế mạnh của cả hai nước, mọi thành viên của dự án đã nỗ lực tối ưu hóa phạm vi đảm nhiệm. Ví dụ, phía công ty Nhật Bản nhận thực hiện thiết kế phần mềm hệ thống điều khiển trung tâm - trái tim của hệ thống ITS, và phía các công ty Việt Nam chủ động trong thiết kế, mua sắm cho các thiết bị phần cứng và các thiết bị ngoại vi. Điều này giúp liên danh xây dựng được một hệ thống toàn diện chất lượng cao phù hợp với Việt Nam theo đúng tiến độ và có hiệu quả về mặt đầu tư. Hệ thống cũng thuận tiện cho việc bảo trì - yếu tố then chốt giúp hệ thống vận hành lâu dài.
Ông Kawami bày tỏ sự lạc quan về tương lai: "Trong thời gian tới, công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm cho hệ thống GPS có khả năng định vị chính xác cao hơn và thông tin sẽ được trao đổi nhanh hơn. Tôi hy vọng sẽ có bước tiến lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng đường bộ nhờ vào dự báo nhu cầu chính xác thông qua kỹ thuật phân tích dữ liệu quy mô lớn cũng như những kỹ thuật nhảy vọt khác”.