(Tổ Quốc)-Tại Báo cáo về các vấn đề cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Bộ VHTTDL đã nêu tình hình thực tế lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai quy hoạch, đồng thời đề ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành Du lịch.
- 12.06.2017 Ngắm nhìn hàng cây tỏa bóng ở những con phố mát nhất Hà Nội
- 10.06.2017 Máy bay Hàn Quốc thoát hiểm “hú hồn” khi khói bốc trong khoang lái
- 11.06.2017 Tập đoàn Vicoland ra mắt chuỗi thương hiệu Risemount
- 11.06.2017 Khai trương sản phẩm du lịch “Chợ quê Tiên Phước”
- 12.06.2017 Hoảng loạn vì thủng vỏ động cơ, hàng không Trung Quốc hạ cánh khẩn
- 13.06.2017 Nhiều sự kiện hấp dẫn ở Đà Nẵng – Điểm hẹn mùa hè 2017
- 13.06.2017 Du lịch phát triển là quá giỏi
Báo cáo này nêu rõ, theo Luật Du lịch được Quốc hội thông qua năm 2005, Quy hoạch phát triển du lịch gồm các loại: Thứ nhất: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng; Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia.
Thứ hai là Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch do UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch địa phương; Quy hoạch cụ thể phát triển du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, Ngành VHTTDL hiện nay thực hiện quy hoạch vùng cho các vùng kinh tế trọng điểm về lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
11 Quy hoạch Khu du lịch quốc gia đã được phê duyệt
Về tình hình thực tế lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, Bộ VHTTDL cho biết, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch là Tổng cục Du lịch.
Hồ Tuyền Lâm (Ảnh: Sohatravel) |
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đối với 06 vùng du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong giai đoạn 2014-2016 gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông bắc, vùng Bắc Trung bộ, vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ, vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch là Tổng cục Du lịch.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Trung du miền núi phía bắc đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2009, đang được điều chỉnh tích hợp vào Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Viện Văn hoá, Nghệ thuật là đơn vị chủ trì soạn thảo).
Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng kinh tế trọng điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với 03 vùng: vùng Bắc Bộ, vùng Miền Trung và vùng phía Nam. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến triển khai trong năm 2018. Cơ quan chủ trì lập quy hoạch là Vụ Kế hoạch, Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Về Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia, trong tổng số 47 địa bàn được hoạch định phát triển thành khu du lịch quốc gia, Bộ VHTTDL chủ trì lập và uỷ quyền cho các địa phương lập quy hoạch. Đến nay, có 11 Quy hoạch Khu du lịch quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm 09 Quy hoạch tổng thể phát triển khu lịch quốc gia, 02 Quy hoạch chung (thác Bản Giốc, huyện đảo Phú Quốc). 04 do Tổng cục Du lịch chủ trì và 07 uỷ quyền cho các địa phương. 04 Quy hoạch đã lập và thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý 2/2017: 03 do Tổng cục Du lịch chủ trì và 01 uỷ quyền cho địa phương. 16 Quy hoạch đang trong quá trình lập: 01 do Tổng cục Du lịch chủ trì và 15 uỷ quyền cho các địa phương. 01 Quy hoạch đang rà soát để uỷ quyền cho địa phương lập. 01 Quy hoạch Khu du lịch quốc gia được điều chỉnh do địa phương lập (Hồ Tuyền Lâm). 14 địa bàn chưa được lập quy hoạch.
Quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch khu du lịch quốc gia đều được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn đã được đề cập: tổ chức khảo sát, xin ý kiến và xây dựng nội dung dự thảo; tổ chức xin ý kiến Bộ, ngành, địa phương về dự thảo quy hoạch; thành lập Hội đồng thẩm định gồm 11 thành viên thuộc Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực quy hoạch và liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc triển khai quy hoạch tại các địa phương có kết quả khác nhau
Báo cáo nêu rõ, đối với quy hoạch tổng thể phát triển các khu du lịch quốc gia, việc quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch do địa phương thực hiện. Vì vậy, quá trình tổ chức quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch cũng có những kết quả khác nhau. Địa phương có chủ trương mạnh mẽ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì tổ chức thực hiện bài bản, nghiêm túc; địa phương chưa thực sự coi trọng thì chỉ xem quy hoạch như tài liệu tham khảo trong quá trình quản lý.
Đối với quy hoạch tổng thể phát triển du lịch địa phương do các địa phương lập và phê duyệt thực hiện trên địa bàn được sử dụng như căn cứ trong quá trình triển khai các kế hoạch, dự án đầu tư phát triển du lịch tại địa phương. Thực tế triển khai cũng cho thấy mức độ thực hiện phụ thuộc vào nhận thức và chủ trương của mỗi địa phương cũng như năng lực đội ngũ cán bộ triển khai.
Giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch
Báo cáo về các vấn đề cử tri và Đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn của Bộ VHTTDL cũng nêu ra hai giải pháp chính nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch. Trước hết là nâng cao chất lượng lập, thẩm định quy hoạch, theo đó, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và điều chỉnh các Quy hoạch phát triển du lịch thực hiện nghiêm túc theo Luật Du lịch năm 2005 và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tại một số địa bàn là di sản được UNESCO công nhận, địa bàn có tính nhạy cảm về môi trường, có tài nguyên đặc biệt quan trọng phải bảo tồn cần mở rộng phạm vi xin ý kiến, tổ chức khảo sát nhiều lần hơn để thu thập toàn diện thông tin lập quy hoạch.
Lực lượng cán bộ, chuyên gia tư vấn lập quy hoạch cần được liên tục cập nhật thông tin, kiến thức mới trong bối cảnh ngành du lịch trong và ngoài nước có những biến chuyển liên tục. Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước là căn cứ quan trọng để xây dựng các quy hoạch khác cần được điều chỉnh, cập nhật định kỳ 5 năm, đặc biệt trong bối cảnh ngành du lịch có sự phát triển mạnh mẽ và có những chủ trương mới của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Giải pháp thứ hai là nâng cao chất lượng thực hiện, triển khai quy hoạch, theo đó, các dự án khi triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố cần phải thực hiện theo đúng quy trình về việc lấy ý kiến các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các cơ quan có liên quan, các chuyên gia, cộng đồng dân cư nhằm đảm bảo thực hiện theo quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt cũng như tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện và đảm bảo tính thực thi pháp luật.
Nguồn ngân sách Nhà nước dành cho phát triển du lịch cũng như các cơ chế, chính sách để thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch phải tương xứng với yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ngoài ra, cần kiện toàn các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, theo dõi, giám sát thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch để đảm bảo tính khả thi của quy hoạch khi được phê duyệt…/.