• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Du lịch phát triển là quá giỏi

Du lịch 13/06/2017 09:38

(Tổ Quốc)- “Ngành du lịch với một tiềm năng như thế, với kỳ vọng phát triển như thế, nhưng chỉ có nguồn lực hỗ trợ xúc tiến như vậy (khoảng 2 triệu đô/1 năm),  thì tôi cho rằng Du lịch phát triển là quá giỏi”- Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Hoàng Nhân Chính nhận định.

Thời gian qua, Du lịch nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận với nhiều vấn đề “nóng”, từ việc triển khai Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi, Quỹ hỗ trợ phát triển Du lịch,…cho đến những vấn đề liên quan đến sai sót cá nhân. Nhân dịp này, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Hoàng Nhân Chính đã có buổi chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về quan điểm đối với sự phát triển Du lịch thời gian qua.

Du lịch đã có bước phát triển ngoạn mục

-Là người gắn bó mật thiết với ngành Du lịch, ông đánh giá như thế nào về sự tăng trưởng cũng như nỗ lực của ngành Du lịch trong thời gian vừa qua?

+ Tôi gắn bó với ngành Du lịch từ năm 1991 đến bây giờ, từng trải qua những thời điểm làm du lịch rất khó khăn. Thậm chí, khách quốc tế đến Việt Nam còn phải xin giấy phép đi đường, tuyến bay không thuận tiện… Cho đến giờ, nhìn vào số lượng khách quốc tế và khách nội địa của Việt Nam trong năm 2016 đạt được cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho ngành du lịch hiện nay, có thể thấy đây là một sự phát triển ngoạn mục. So với khu vực, du lịch Việt Nam không hề kém cạnh. Tất nhiên, ngành Du lịch vẫn còn vấn đề cần phấn đấu, nhưng rõ ràng đã có sự phát triển.


Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Hoàng Nhân Chính (Ảnh: Đăng Huy)

Sự phát triển tốt cả về chất và lượng của Du lịch thời gian qua là sự nỗ lực của tất cả các đối tác tham gia vào hoạt động Du lịch, không chỉ có cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng cũng thể phủ nhận vai trò dẫn dắt của cơ quan quản lý Nhà nước để có được sự phát triển này.

Điển hình là Nghị quyết 08/NQ-TƯ của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mới đây được đánh giá rất cao. Đây là văn kiện mang tính đột phá then chốt để thúc đẩy ngành Du lịch phát triển tốt hơn, tìm ra được 8 nhóm giải pháp rất cụ thể, rất hay. Trong việc này, Bộ VHTTDL và Tổng cục Du lịch đã có sự đóng góp tích cực để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Du lịch và tham mưu cho Chính phủ để đưa ra những quyết sách quan trọng để thúc đẩy Du lịch phát triển.

-Thời gian qua, mặc dù Du lịch có sự phát triển ấn tượng ở nhiều mặt, song cũng có một vài hạn chế, sai sót khiến dư luận quan tâm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

+ Ở đây cũng phải nhìn nhận rằng, với tốc độ phát triển Du lịch đạt được như vừa rồi, nhiều người vẫn mong muốn nhiều hơn nữa, cao hơn nữa. Nhưng nhìn một cách khách quan, chúng ta cũng cần thấy rõ, sức của chúng ta đến đâu, tiềm năng đến đâu, nguồn nhân lực đến đâu… để có thể đạt được kết quả như vậy.

Thời gian qua, có một số trục trặc liên quan đến ngành Du lịch. Tôi cho rằng, trong quá trình làm việc, đã là con người khó có thể 100% là đúng và tốt được, vì lý do gì đó cũng có thể mắc sai sót. Điều quan trọng là khi xảy ra sai sót, chúng ta biết cách nhận lỗi và khắc phục. Nếu từ những lỗi lầm đó mà phủ nhận mọi thành quả, công việc của cả ngành Du lịch thì không ổn, thậm chí đánh giá cá nhân cũng không nên. Hãy nhìn mọi việc một bình tĩnh và xem xét một cách công tâm nhiều chiều. Những vấn đề chưa ổn thì cũng nên nêu ra để ngành DL biết được và khắc phục những khiếm khuyết điểm. Nếu có gì là tốt thì cũng không nên phủ nhận.

- Là đơn vị tư vấn cho cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề liên quan đến phát triển du lịch, đặc biệt là về thể chế, chính sách. Ông nhận định như thế nào về tầm quan trọng của việc ra đời Luật Du lịch sửa đổi trong thời gian tới khi Quốc hội sắp xem xét thông qua vào ngày 19/6 tới?

-Luật Du lịch năm 2005 đến thời điểm này đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế. Các nước tiến tiến như: Nhật Bản, Nga chỉ khoảng 10 năm họ đã có thể điều chỉnh Luật Du lịch cho phù hợp với cuộc sống. Dù còn nhiều vấn đề còn có ý kiến trái chiều, song tôi rất ủng hộ và cho rằng cần phải cố gắng để Luật Du lịch sửa đổi có thể trình Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt.

Thực tế, ở các nước, khi Luật Du lịch được thông qua nhưng sau 5 năm cho đến 10 năm, họ vẫn sửa đổi, bởi vì đâu có Luật hoàn chỉnh đến mức mà 5- 10 năm sau vẫn đáp ứng yêu cầu thực tế.

“Chỉ với 2 triệu đô/1 năm dành cho xúc tiến, Du lịch phát triển là quá giỏi”

-Trong Dự thảo Luật Du lịch sửa đổi lần này, nội dung về việc thành lập Quỹ hỗ trợ Phát triển Du lịch nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Thực tế, vấn đề này đã được đặt ra cách đây 10 năm, song Quỹ không thể trở thành hiện thực vì nhiều lý do khác nhau. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

+Cách đây 2 năm, Hội đồng Tư vấn Du lịch có gửi thư cho Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có đề xuất về việc thành lập Quỹ phát triển du lịch. Thực ra, đến thời điểm này mới hình thành Quỹ có khi hơi muộn rồi, vì hầu hết tất cả các nước phát triển du lịch đều có Quỹ phát triển du lịch. Ngay các nước lân cận với Việt Nam mà họ chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chúng ta như: Thái Lan, Phillippines, Singapore… đều có Quỹ phát triển du lịch từ 60 đến 80 triệu đô/1 năm, trong khi Việt Nam chỉ có khoảng 2 triệu đô/1 năm để dành cho xúc tiến quảng bá du lịch. Đó là con số quá ít. Ngành du lịch với một tiềm năng như thế, với kỳ vọng phát triển như thế, nhưng chỉ có nguồn lực hỗ trợ như vậy thì tôi cho rằng Du lịch phát triển là quá giỏi. Nhưng để phát triển tốt hơn nữa, chúng ta không thể chỉ ngồi mong chờ, “không có bột” thì làm sao “gột lên hồ”.

Lâu nay, Quỹ vẫn loay hoay chưa thể hình thành vì đang bị vướng vào một số luật và các quy định pháp lý chưa cho phép thành lập được quỹ. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị vừa qua đã đưa ra một nội dung có hướng “gỡ khó” cho việc này. Đó là: “đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”. Nhờ quy định này thì Quỹ có thể hình thành được.

-Vậy theo ông, Quỹ này cần đáp ứng những yêu cầu gì nếu được hình thành?

+ Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là Quỹ này phải có sự minh bạch, rõ ràng, để các nhà tài trợ yên tâm, tin tưởng.

Thứ hai là phải có một kế hoạch chi tiêu, sử dụng nguồn quỹ rõ ràng, đầy đủ. Bởi vì, các DN, các nhà tài trợ rất muốn biết quỹ này sẽ được chi vào những vấn đề gì và có đem lợi ích gì cho họ?

Thứ ba là vấn đề pháp lý, tôi cho rằng cũng phải đưa ra vấn đề pháp lý ràng buộc để không một ai có thể lợi dụng quỹ này để sử dụng vào những công việc khác không thuộc về quỹ.

Thứ tư, theo tôi, có hai vấn đề then chốt cần Quỹ hỗ trợ. Đó là quảng bá, xúc tiến cho ngành du lịch Việt Nam và hỗ trợ giữ được chất lượng du lịch và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Bởi vì, nếu quảng bá khách đến rồi mà chất lượng du lịch không đảm bảo thì không thể phát triển du lịch.

Vấn đề tiếp theo đó là đóng góp quỹ này sao cho hợp lý? Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng dựa trên số phòng khách sạn, có người còn bảo thu từ khách du lịch qua các công ty lữ hành… Quan điểm của tôi, có thể có 2 cách. Ban đầu có thể dùng cách đơn giản như thu tiền từ phòng khách sạn. Nhưng có một hướng thứ hai, sau này chúng cũng phải nghĩ đến. Đó là ngành nào mà được thu lợi nhuận từ khách du lịch thì đều phải đóng góp cho sự phát triển của du lịch. Ví dụ: hàng không thu hút nhiều khách du lịch sử dụng dịch vụ mà không đóng góp tiền hỗ trợ  thì không công bằng. Ngành du lịch đem lại hiệu quả cho rất nhiều ngành, đóng góp được cho rất nhiều ngành. Vậy muốn phát triển du lịch thì tất cả các ngành có liên quan cũng cần chung tay đóng góp vào cho quỹ hỗ trợ  phát triển du lịch này.

Nếu hiện nay cứ bàn mãi mà không hình thành nổi quỹ thì không biết bao giờ du lịch mới phát triển thực sự./.

-Xin cảm ơn ông!

Hội đồng Tư vấn Du lịch (Tourism Advisory Board – TAB) được thành lập vào năm 2012 nằm trong khuôn khổ dự án “Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) do Liên minh châu Âu tài trợ. Cơ quan điều hành của Hội đồng có 20 chuyên gia có ảnh hưởng lớn, sự quan tâm đặc biệt và đóng góp trong lĩnh vực du lịch ở cả hai khu vực Nhà nước và tư nhân, bao gồm đại diện của cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các hiệp hội du lịch, đại diện các công ty lữ hành, doanh nghiệp vận tải, khách sạn, nhà hàng, lãnh đạo các cơ sở đào tạo, đại diện phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, Phòng Thương Mại châu Âu…

Hội đồng Tư vấn Du lịch sẽ tư vấn cho Tổng cục Du lịch Việt Nam về mọi vấn đề liên quan đến du lịch từ xây dựng và phát triển sản phẩm; quy hoạch du lịch; xây dựng đề cương triển lãm, hội chợ; các chiến dịch quảng bá, xúc tiến; các vấn đề môi trường, giáo dục, đào tạo, văn hóa, an sinh xã hội phục vụ phát triển du lịch bền vững… Mục đích chính là tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến bền vững, có sức hấp dẫn cao cũng như có những tiến bộ lớn về “tính trách nhiệm”.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ