• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giảm nghèo ở Yên Bái: Chính sách đặc thù đem lại hiệu quả cao

Văn hoá 11/12/2023 16:46

(Tổ Quốc)- Mặc dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Yên Bái đã quan tâm ban hành các nghị quyết, chính sách đặc thù của địa phương lồng ghép với các chính sách của trung ương, dốc toàn lực cho mục tiêu giảm nghèo đa chiều.

Khuyến khích người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,28%; năm 2022 giảm 5,15% và đến năm 2023 giảm 3,76%. Tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 7,98% trong năm 2022 và 8,84% trong năm 2023. Tỷ lệ thiếu hụt về dịch vụ xã hội cơ bản của các hộ nghèo có sự chuyển biến tích cực, đời sống của các hộ nghèo, cận nghèo và người dân sinh sống tại các địa bàn khó khăn ngày càng được nâng cao.

Giảm nghèo ở Yên Bái: Chính sách đặc thù đem lại hiệu quả cao - Ảnh 1.

Cây sơn tra (táo mèo) góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Mông ở Yên Bái

Để có được kết quả này, một trong những giải pháp trọng tâm mà tỉnh triển khai là việc áp dụng các chính sách đặc thù, khuyến khích người nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Đơn cử như: chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản đã giúp hộ nghèo phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản, hữu cơ; tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển vùng rừng trồng nguyên liệu theo hướng bền vững… Riêng năm 2023, tỉnh đã phê duyệt kinh phí cho các chính sách này gần 47 tỷ đồng.

Chị Lờ Thị Ca ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải được hỗ trợ 15 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi lợn, quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đến nay gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.

Chị Ca cho biết: "Quá trình thực hiện mô hình, chúng tôi được quan tâm, hướng dẫn nhiệt tình và khó ở đâu thì cán bộ giúp gỡ ở đấy nên việc nghiệm thu khá thuận lợi. Ngoài việc được hỗ trợ tiền, tạo động lực để sản xuất, chúng tôi còn gây dựng được một mô hình từ chuồng trại cho đến con giống, kỹ thuật đạt chuẩn. Chuồng trại rộng đủ 32 mét vuông, có hố chứa chất thải được hướng dẫn ủ rơm, trấu để bón cho ngô rất tốt. Ngô phát triển lại trở lại thành nguồn thức ăn cho gia súc. Đến nay, sau gần 2 năm, tôi đã xuất bán được trên 1,5 tấn lợn hơi, thu về 130 triệu đồng mà trong chuồng hiện vẫn còn khoảng 20 con cả to lẫn bé”.

Hay Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo cũng đã giúp người nghèo ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất. Năm 2023 - 2024, tỉnh đề ra mục tiêu làm mới trên 3.000 căn nhà bằng việc lồng ghép các nguồn lực từ 2 chương trình mục tiêu quốc gia cùng nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa (2 nguồn này chiếm khoảng 44%).

Điểm mới trong cách làm của Yên Bái là tỉnh đã hỗ trợ thêm cho người dân kinh phí làm nhà từ nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa với mức hỗ trợ làm nhà của tỉnh là 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa; riêng tại 2 huyện nghèo Trạm Tấu và Mù Cang Chải mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã khởi công được gần 1.600 nhà.

Cùng với đó là chính sách về hỗ trợ cho giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, đặc biệt là giáo dục vùng cao, giáo dục dân tộc; chính sách về phát triển y tế, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế; chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, làm đường giao thông nông thôn…

Ông Vừ A Phềnh - Bí thư Chi bộ thôn Khe Kẹn, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn bày tỏ: "Năm 2021, 100% người dân ở thôn Khe Kẹn là hộ nghèo nhưng đến năm nay đã giảm còn 32%. Từ làm đường giao thông, làm nhà ở cho đến sản xuất, khám chữa bệnh, con cái đi học người dân đều được Nhà nước hỗ trợ. Mặc dù hỗ trợ không nhiều như trước kia nhưng cách hỗ trợ có điều kiện đã tạo động lực mạnh mẽ giúp chúng tôi nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản của xã hội, đẩy mạnh sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Những chính sách đặc thù này đang bám sát với nhu cầu thực tế, đáp ứng nguyện vọng của người nghèo chúng tôi”.

Hạn chế tối đa tái nghèo

Có thể thấy, các chính sách đặc thù không chỉ trợ giúp toàn diện, thiết thực đối với địa bàn nghèo, người nghèo, tạo cơ hội cho các địa phương, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo một cách bền vững mà còn góp phần thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí nỗ lực hăng hái lao động sản xuất, tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, Yên Bái cần tiếp tục triển khai hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Các sở, ngành chủ trì các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các địa phương căn cứ nguồn vốn được giao và các văn bản mới được chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung khẩn trương triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án 2 - Đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo và Tiểu dự án 1 - Dự án 3 - Phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững nhằm triển khai hiệu quả việc hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; đào tạo nâng cao trình độ, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để có việc làm và thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, trong đó cần tập trung tuyên truyền, vận động để duy trì, nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đối với người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa bàn mới được công nhận thoát khỏi danh sách các thôn, xã đặc biệt khó khăn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các hộ dân rơi vào tái nghèo, phát sinh nghèo do có thành viên ốm đau mà không có thẻ bảo hiểm y tế…

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ