(Tổ Quốc) - Với cảnh quan kỳ vĩ và nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa dồi dào, Khu du lịch sinh thái Na Hang (Tuyên Quang) được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn" của vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của người dân; du lịch Na Hang đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT - XH của tỉnh, tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Khu du lịch sinh thái Na Hang có tổng diện tích 15.000ha, trong đó có 8.000ha là diện tích mặt nước. Lọt thỏm giữa những vách đá hùng vĩ, bao vây xung quanh là 99 ngọn núi trùng điệp, lòng hồ Na Hang được ví như "Hạ Long trên núi". Đến đây, du khách sẽ được nghe những sự tích gắn với mỗi địa danh đã đi vào lịch sử như: thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, đền Pác Tạ, đền Pác Vãng, hang Phia Vài, hòn Cọc Vài, vách đá Nàng Tiên - Chú Khách, động Song Long...
Từ nhiều năm trước, các tour du lịch sinh thái trên lòng hồ đã sớm được xây dựng. Đi du thuyền trên lòng hồ Na Hang trong vòng 6 giờ, với chiều dài khoảng 70km, du khách sẽ được đắm chìm trong mênh mông sông nước, hòa mình cùng trùng điệp của rừng xanh, đá núi. Vãn cảnh hồ Na Hang, du khách có thể ghé thăm thác Pắc Ban (thác Mơ), thác Khuẩy Súng, Khuẩy Nhi, Khuẩy Me, Tin Tát... và khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung, với hàng nghìn loại thực vật, động vật quý hiếm. Một trải nghiệm không kém phần thú vị đối với những tín đồ của hang động đó là tìm hiểu hang Phia Vài, hang Thẩm Choóng, nơi chứa đựng nhiều dấu tích của thời sơ kỳ đá mới, cách ngày nay khoảng 7.000 - 8.000 năm.
Văn hóa bản địa vùng lân cận rất phong phú cũng chính là một trong những lý do khiến nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn. Sau khi tham quan lòng hồ Na Hang, du khách sẽ được hòa mình vào đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây, thưởng thức điệu hát then của dân tộc Tày, hát sli, lượn của đồng bào Nùng và điệu soọng cô của người Sán Dìu... Mỗi mùa trong năm tại đây đều có những lễ hội truyền thống, như: Lễ hội lồng tồng của người Tày, người Nùng; lễ cấp sắc, lễ tơ hồng của người Dao…
Không chỉ níu chân du khách bằng cảnh đẹp và văn hóa dân tộc, Na Hang và Lâm Bình- nơi sở hữu khu sinh thái kỳ vĩ này còn để lại dư vị khó quên bằng những món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc, với cá suối nướng, da trâu xào măng chua, vịt bầu, xôi ngũ sắc, những loại rau rừng hay những chén rượu ngô men lá…
Chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh,... còn đặc biệt chú trọng việc tạo ra sinh kế cho người dân từ du lịch. Những năm gần đây loại hình du lịch cộng đồng (homestay) đang được phát triển mạnh ở Na Hang nhờ sự hấp dẫn của bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân tộc nơi đây.
Nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng và làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới được hình thành trong những năm qua, nhiều người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch, từ đó chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Các làng văn hóa Khau Tràng, Nà Khá; làng nghề dệt thổ cẩm được đầu tư. Quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch huyện có lợi thế, như: du lịch lòng hồ sinh thái, mạo hiểm, khám phá tại các thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng, động Song Long, hang Khuổi Pín...; du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa Nặm Đíp, Nà Tông, Nà Đông, DL lễ hội Lồng Tồng, lễ hội nhảy lửa…
Huyện cũng chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nguồn nhân lực tại địa phương phục vụ phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong huyện./.