• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giành lại vỉa hè tại Hà Nội: Nơi làm, nơi bỏ trống

Pháp luật 09/03/2023 17:18

(Tổ Quốc) - Chiều nay (9/3), UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2023.

Giành lại vỉa hè tại Hà Nội: Có nơi làm, có nơi bỏ trống - Ảnh 1.

Đại tá Dương Đức Hải - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin tại buổi họp báo

Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về việc Hà Nội đang quyết tâm giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, hành vi chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, trông giữ xe vẫn tái diễn. Thành phố đã có chỉ đạo, xử lý như thế nào?

Trả lời vấn đề này, Đại tá Dương Đức Hải - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, ngày 15/2, Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn năm 2023.

Theo đó, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội được yêu cầu kiểm tra toàn diện về những nội dung trên trong phạm vi toàn địa bàn; phát hiện, xử lý tất cả các hành vi vi phạm trên lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông, đô thị, công cộng để tạo tính răn đe.

Ban Chỉ đạo 197 đề nghị các đơn vị kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố với phương châm “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”.

Đại tá Dương Đức Hải cho biết, các đơn vị chức năng đã chia ra 3 giai đoạn giành lại vỉa hè.

Ở giai đoạn 1, kể từ khi triển khai kế hoạch đến hết ngày 28/2, thành phố yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định; ký cam kết tự nguyện chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng hè phố, lòng đường.

Giai đoạn 2, từ ngày 1 - 31/3, các thành viên Ban Chỉ đạo đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực phụ trách.

Giai đoạn 3, từ ngày 1/4 - 1/11, các lực lượng, đơn vị tiếp tục thực hiện, duy trì các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kiên quyết không để vi phạm tái diễn.

Bày tỏ đồng tình với việc duy trì trật tự đô thị, tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", Đại tá Dương Đức Hải cho biết, Công an thành phố đã chuẩn bị một số giải pháp tham mưu cho Ban Chỉ đạo 197.

Theo đó, ngoài việc duy trì thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân, phải hình thành các khái niệm cho người dân rằng, "vỉa hè không phải nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện.

Lãnh đạo Công an thành phố cho biết, sẽ tham mưu cho thành phố sắp xếp lại các chợ cóc, người dân phải vào chợ chính. Bởi hiện tại có thực trạng người dân ngại vào trong chợ. Ngoài ra, với những hộ kinh doanh trà đá cũng sẽ được khảo sát, xây dựng cụ thể giải pháp cho họ vào trong các ngõ (nếu có điều kiện).

Liên quan đến các phương tiện dừng đỗ, ông Hải cũng đề xuất thành phố sắp xếp lại, quy hoạch lại điểm đỗ. Đây là nội dung được làm thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh những địa phương làm tốt, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội cũng chỉ ra việc một số quận, huyện chưa vào cuộc một cách quyết liệt. "Có nơi làm, có nơi bỏ trống; có nơi quyết liệt, có nơi còn thụ động dẫn đến thực trạng vỉa hè bị chiếm dụng. Các đơn vị chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh một số quận huyện để cùng vào cuộc" - ông Hải thông tin.

Cũng theo ông Hải, trong đợt vào cuộc này, Công an thành phố là đơn vị tham mưu chính với phương châm phân công trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ chức năng, rõ nhiệm vụ và rõ cả người chịu trách nhiệm. Từ đó, các đơn vị sẽ xem xét trách nhiệm những đơn vị làm tốt, chỗ làm không tốt.

"Để không xảy ra tình trạng có quận làm, có quận lại không, UBND thành phố đã lập các đoàn kiểm tra, trực tiếp xuống tận nơi quay phim chụp ảnh để đánh giá trách nhiệm từng địa phương" - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ.

Hà Nội sẽ công khai các chủ tịch quận, huyện để xảy ra lấn chiếm vỉa hè

Ngày 9/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.

Theo đó, ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi kinh doanh, buôn bán, để vật liệu xây dựng không đúng quy định.

Tháo dỡ mái che, mái vẩy, bục bệ làm cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, xử lý nghiêm các điểm trông giữ phương tiện trái phép, không đúng quy định, gây cản trở giao thông. Rà soát, sắp xếp chỗ để xe đạp, xe máy trên hè phố của các hộ gia đình, cá nhân để không làm cản trở giao thông, dành diện tích hè phố cho người đi bộ.

Yêu cầu các chủ hộ kinh doanh, nhà hàng, doanh nghiệp trên địa bàn phải bố trí, sắp xếp khu vực dừng đỗ, trông giữ phương tiện đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng và cán bộ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị. Không lấn chiếm hè phố, lòng đường làm nơi đỗ xe, trông giữ phương tiện trái quy định.

Công an Thành phố, Sở GTVT, Sở Xây dựng căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã:

- Tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm lấn chiếm hè phố, lòng đường; các trường hợp đỗ xe, trông giữ xe ô tô, xe máy không đúng quy định, đặc biệt là trên các tuyến phố, khu vực điểm nóng về ùn tắc giao thông; có biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

- Rà soát, sắp xếp các điểm trông giữ phương tiện, chỗ để xe trên hè phố, dưới lòng đường theo đúng quy định, đảm bảo đường thông hè thoáng, không làm cản trở việc đi lại của người dân và các phương tiện tham gia giao thông.

Ông Thanh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; giám đốc, thủ trưởng các sở, ngành thành phố liên quan xây dựng Kế hoạch, phân công tổ chức thực hiện, rà soát các điều kiện chuẩn bị cho công tác sắp xếp, lập lại trật tự hè phố, lòng đường và kiểm tra, xử lý các vi phạm; hoàn thành trước ngày 20/3/2023.

Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, thường xuyên duy trì lập lại trật tự hè phố, lòng đường kể từ ngày 21/3/2023. Báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố (trước ngày 2 hàng tháng qua Công an thành phố để tổng hợp).

Kịp thời phát hiện, thông tin đến Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã những trường hợp vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường để xử lý và phối hợp xử lý theo thẩm quyền.

Thiết lập đường dây nóng, kênh thông tin (như ứng dụng Zalo) để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ảnh, kiến nghị của người dân, các cơ quan báo chí về các hành vi vi phạm; duy trì lực lượng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các quận, huyện, thị xã và kịp thời phối hợp xử lý các vi phạm khi cần thiết.

Định kỳ ngày mùng 5 hàng tháng, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Thành ủy, UBND thành phố, trong đó nêu rõ các địa bàn còn nhiều vi phạm.

Ông Trần Sỹ Thanh giao Văn phòng UBND Thành phố, Chánh Văn phòng UBND Thành phố - người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội công khai thông tin các Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND thành phố hàng tháng.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã để hướng dẫn, bố trí, sử dụng kinh phí cần thiết cho công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường và duy trì trật tự đô thị, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, tiết kiệm.

"Tập trung chỉ đạo các phòng, ban, lực lượng chức năng, UBND các phường, xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện; duy trì, tạo lập được nếp sống văn minh đô thị "dành hè phố cho người đi bộ", ông Thanh yêu cầu.


Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ