(Tổ Quốc) - Hơn 40 năm trước, bà Lyn Khaw đã di chuyển hàng nghìn dặm từ quê hương Đông Nam Á của mình là Malaysia để đến học tại một trường hàng đầu của Vương quốc Anh.
Vào thời điểm 15 tuổi đó, bà đã một mình lên đường sang Anh đi học và bà thấy rằng trải nghiệm sống và học tập tự lập rất đáng giá.
Giờ đây, con trai của bà Khaw đang có cơ hội tương tự, nhưng không cần phải rời xa gia đình ở Malaysia.
Dân châu Á chi mạnh cho giáo dục
Bà Lyn Khaw là một trong số ngày càng nhiều phụ huynh khá giả ở châu Á gửi con cái đến các trường học hàng đầu của Anh hiện có chi nhánh tại khu vực này.
Chẳng hạn, các bậc cha mẹ khá giả ở các nước như Campuchia thích gửi con cái của họ đến các trường công lập hàng đầu của Anh ở châu Á vì di chuyển thuận tiện hơn và họ tin tưởng rằng chúng sẽ được dạy tiếng Anh, một ngôn ngữ được quốc tế công nhận và các môn học khác ở trình độ cao, theo Kimkong Heng, một thành viên nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phát triển Campuchia.
Ông Heng nói với BBC: "Campuchia còn kém hơn một số nước trong khu vực về tiêu chuẩn giáo dục, nghiên cứu và đổi mới. Họ đang hướng đến các tiêu chuẩn của Singapore hoặc Malaysia. Và tất nhiên mục tiêu xa là các tiêu chuẩn giáo dục của châu Âu và Mỹ."
Các chi nhánh này - được thành lập ở nhiều nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore và Thái Lan - có chỗ ở cho sinh viên ngay trong khuôn viên và phần lớn phục vụ cho các gia đình phương Tây.
Nhưng các trường này cũng nhận nhiều sinh viên địa phương đảm bảo chi trả được 36.000 bảng Anh (47.000 USD) một năm để học tập và sinh hoạt tại các ngôi trường này.
Người dân khắp Đông Nam Á đã chi 80 tỷ USD cho giáo dục tư nhân vào năm ngoái, tăng từ mức 60 tỷ USD 6 năm trước đó, theo công ty tư vấn và kế toán toàn cầu EY. EY cũng dự đoán rằng, con số này, đã bị đình trệ kể từ khi đại dịch bắt đầu, sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.
Cơ hội tiềm năng tại Đông Nam Á
"Chương trình giảng dạy của Anh được đánh giá cao, đặc biệt là ở các quốc gia có quan hệ lịch sử với Vương quốc Anh như Malaysia, Singapore và Thái Lan", Luke Pais, quản lý khu vực tư nhân Châu Á Thái Bình Dương của EY cho biết.
Ông Pais nói thêm: "Đông Nam Á có một số lợi thế đang thúc đấy sự phát triển của giáo dục tư nhân là sự giàu có ngày càng tăng, môi trường pháp lý thuận lợi và nguồn cung nhân lực chất lượng cao còn đang thiếu."
Một trường hàng đầu có sự hiện diện trong khu vực này là Marlborough, nơi Nữ công tước xứ Cambridge Catherine và diễn viên hài Jack Whitehall đã theo học.
Marlborough, có trụ sở tại hạt Wiltshire của Anh, đã mở cơ sở duy nhất ở nước ngoài tại thành phố Iskandar Puteri của Malaysia vào năm 2012.
Ở đây, cơ sở hạ tầng của Marlborough bao gồm một trang trại hữu cơ, một sân chơi golf và một hồ nước cho các môn thể thao dưới nước - những khoản đầu tư không thường thấy ở các ngôi trường địa phương.
Bà Khaw cho biết việc khuôn viên trường Marlborough ở Malaysia tương đối gần với ngôi nhà của gia đình ở Kuala Lumpur cũng là một trong những lý do họ gửi cậu con trai 16 tuổi Ren đến đó.
Chỉ mất 3 tiếng rưỡi lái xe, hoặc 50 phút bay từ thủ đô Kuala Lumpur đến Iskandar Puteri. Điều này giúp cậu bé dễ dàng về nhà trong kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, chi phí cho Ren theo học tại trường này không hề rẻ.
Gia đình phải trả 200.400 MYR (47.466 USD) một năm để Ren học tập ở đó. Theo số liệu chính thức mới nhất, con số này cao hơn gấp 5 lần mức lương trung bình hàng năm ở Malaysia.
Tuy nhiên, một phần tư sinh viên tại Marlborough College Malaysia là người dân địa phương.
Cái giá đắt đỏ của một nền giáo dục Anh dành cho con trai được bà Khaw coi là một điều xứng đáng. Bà Khaw từng có những kỷ niệm đẹp về quãng thời gian học tại một trường công lập hàng đầu của Anh, Sherborne Girls ở Dorset.
Bà nói: "Những quy định của trường học được đưa ra rõ ràng và phải tuân thủ. Nhưng tôi cũng có cảm giác tự do từ những bước đi đầu tiên để trở nên tự lập".
Trong khi đó, tại một khu vực đông dân cư của Singapore, Dulwich College có một số sân thể thao, ba hồ bơi, một trung tâm biểu diễn nghệ thuật với ba nhà hát.
Có cơ sở chính ở phía nam London, các cựu sinh viên của Dulwich bao gồm nhà thám hiểm Nam Cực quá cố Ernest Shackleton.
Trường Dulwich đã mở thêm nhiều cơ sở bên ngoài Vương quốc Anh, với 10 trường ở châu Á, trong đó trường mới nhất là ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar.
Một học viện khác cũng đang chú ý tới khu vực này là Gordonstoun, trường nội trú Scotland nổi tiếng về sự liên kết với hoàng gia Anh. Gordonstoun có kế hoạch mở trường quốc tế đầu tiên ở Trung Quốc trong năm nay và có tham vọng mở rộng ở Đông Nam Á trong những năm tới.
Phu quân quá cố của Nữ hoàng là Hoàng thân Philip, ba con trai của họ là Charles, Andrew và Edward và hai con gái của công chúa Anne đều học tại Gordonstoun.
"Việc chúng tôi đã giáo dục ba thế hệ của Hoàng gia Anh, bao gồm cả người thừa kế ngai vàng, là một điểm thu hút lớn đối với các gia đình muốn con mình có thể nhận được nền giáo dục tốt nhất", hiệu trưởng Lisa Kerr của Gordonstoun nói với BBC.
Tuy nhiên, ông Heng tin rằng việc theo học tại các cơ sở Đông Nam Á của nhiều trường đại học hàng đầu của Anh vẫn không hoàn toàn phù hợp. "Các em ước mơ được đến thăm các thành phố nổi tiếng thế giới như London và học tập tại các trường đại học nổi tiếng thế giới [ở đó]. Tiêu chuẩn giáo dục là một chuyện, nhưng trải nghiệm về văn hóa và ngôn ngữ là chuyện khác", ông nói.