(Tổ Quốc) - Chương trình tọa đàm diễn ra từ 18-21h ngày 28/11, tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội, dành cho đối tượng chính là những người đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em tuổi đầu đời; sinh viên ngành sư phạm, tâm lý giáo dục, lịch sử giáo dục và các bậc cha mẹ đang thực hành hoặc mong muốn tìm hiểu sâu sắc về các phương pháp giáo dục tiến bộ dành cho trẻ em.
Trong những năm gần đây, những làn sóng Giáo dục Mới (Progressive Education hay Education Nouvelle) của thế giới bắt đầu du nhập mạnh mẽ vào Việt Nam. Những ngôi trường treo bảng Montessori, Steiner/Waldorf, Reggio Emilia, Piaget... xuất hiện ngày một nhiều hơn, những cuốn sách nuôi dạy con theo các trường phái khác nhau tràn ngập các nhà sách. Trước làn sóng ấy, những người làm giáo dục và các bậc cha mẹ có hai tâm trạng khác nhau: vừa vui mừng hồ hởi đón nhận lại vừa hoang mang nghi ngại. Liệu những phương pháp ấy có thực sự tốt và phù hợp với bối cảnh, văn hóa Việt Nam? Những thuận lợi và rào cản khi thực hành các phương pháp ấy Việt Nam là gì? Làm sao để phân biệt, chọn lựa đúng trong bối cảnh "vàng thau lẫn lộn"?
"Giáo dục mới và những nhà tiên phong" là tên một dự án khảo cứu nhằm tìm hiểu con đường du nhập của các phương pháp này vào Việt Nam. Điều bất ngờ mà ít ai biết là: Giáo dục Mới dành cho trẻ em Việt đã từng có mặt ở đất nước chúng ta cách đây hơn 70 năm bằng tinh thần canh tân của một nhóm những nhà tiên phong xuất thân từ nhiều giai tầng, thành phần khác nhau trong xã hội, trí thức, doanh nhân, người thực hành giáo dục, giáo viên… Với tinh thần "tự lực khai hóa", họ tìm thấy ở Giáo dục Mới một phương pháp và một tinh thần mới mẻ cho sự nghiệp "trồng người". Bởi Giáo dục Mới đã đảo ngược và đổi chiều tư duy giáo dục truyền thống, ứng dụng những phương pháp tâm lý sư phạm tiến bộ, mới mẻ mà ở đó, sự phát triển toàn diện, quyền tự do và lựa chọn của trẻ thơ là trọng tâm của quá trình giáo dục.
Dự án được khởi xướng bởi tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục đầu đời The Caterpies, với sự hợp tác của Trường Đại học Geneva (Thụy Sỹ) và được tài trợ bởi Phoenix Foundation. Tham gia chương trình, mọi người sẽ có dịp tìm hiểu thêm các thông tin về Giáo dục mới tại Việt Nam và những nhà tiên phong với các hoạt động trong chương trình, cụ thể:
18h00-18h45: Triển lãm và chiếu phim "Đi tìm ngôi trường mẫu giáo đầu tiên của người Việt"
18h45-19h30: Ra mắt sách và các hoạt động của dự án "Giáo dục Mới và những nhà tiên phong" dành cho cộng đồng giáo dục.
19h30-21h00: Tọa đàm "Giáo dục Mới và Hành trình đến Việt Nam"
21h00-21h30: Ra mắt cộng đồng QUAN TÂM GIÁO DỤC MỚI TUỔI ĐẦU ĐỜI
Các diễn giả trong chương trình gồm: Giáo sư Rita Hofstetter - Giáo sư khoa Lịch sử Giáo dục Đại học Geneva (Thụy Sỹ); Giám đốc viện lưu trữ Jean Jacques Russeau; Tác giả cuốn sách "Giáo dục Mới và Khoa học Giáo dục: Khát vọng, Sự giao thoa và những Căng thẳng"; Giáo sư Bernard Schneuwly - Giáo sư danh dự Đại học Geneva. Các nghiên cứu của ông tập trung về lịch sử giảng dạy và khoa học giáo dục, đặc biệt là về Giáo dục Mới, về các phương pháp dạy ngôn ngữ và văn chương. Ông cũng là người sáng lập và giám đốc Viện đào tạo Giáo viên của Đại học; Tiến sỹ Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương - Nghiên cứu viên ĐH Paris Diderot & ĐH Genève. Giám đốc Education Network, Hội Chuyên gia & các nhà khoa học Việt Nam; Dịch giả, nhà nghiên cứu Giáo dục Nguyễn Quốc Vương - Nghiên cứu viên Đại học Kanazawa (Nhật Bản), chuyên gia Dự án giáo dục hướng nghiêp IKIGAI Vietnam.
Điều phối tọa đàm: Nguyễn Thúy Uyên Phương - Đồng sáng lập & Chủ tịch The Caterpies, Đồng chủ trì dự án "Giáo dục Mới và Những nhà tiên phong". Để tham gia thảo luận, mọi người theo dõi các nội dung thảo luận trong chương trình: Giáo dục Mới là gì và vai trò của Giáo dục Mới trong lịch sử giáo dục. Những tinh thần, tư tưởng cốt lõi của Giáo dục Mới về việc học của trẻ thơ và vai trò của giáo viên, nhà trường. Những quan điểm vẫn còn bất đồng, tranh cãi còn đến ngày nay. Nhận biết một trường học thực sự theo Giáo dục Mới. Hành trình du nhập của Giáo dục Mới vào Việt Nam. Bài học và nguồn cảm hứng từ câu chuyện về những người tiên phong và ngôi trường mẫu giáo đầu tiên của người Việt. Những rào cản, thách thức khi thực hành Giáo dục Mới tại Việt Nam. Và những hành động mà mỗi người chúng ta ở các vai trò khác nhau (cha mẹ, giáo viên, một cá nhân) có thể thực hiện để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho trẻ thơ thông qua giáo dục.