(Tổ Quốc) - Dự thảo đang được Bộ Nội vụ xin ý kiến hiện nay có quy định, các thí sinh dự thi công chức bắt buộc phải có Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đầu vào công chức. Đáng chú ý, Giấy chứng nhận này chỉ có thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp.
Nói về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đánh giá việc tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đã xảy ra không ít vụ tiêu cực trong tuyển dụng công chức.
“Việc kiểm định chất lượng đầu vào như thêm một "vọng gác" trong quá trình tuyển chọn công chức. Với hình thức kiểm định để có giấy chứng nhận sẽ tạo ra sự công bằng, ai có năng lực thì sẽ có cơ hội được tuyển dụng” - ông Hùng nói.
Để việc kiểm định thực chất, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị phải có quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, cài cắm người nhà, người thân.
Đặc biệt, ngân hàng câu hỏi, quy trình tổ chức kiểm định, giám sát như thế nào phải thật chặt chẽ, không nên làm hời hợt rồi sau đó rút kinh nghiệm.
Cùng trao đổi về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, chỉ khi xây dựng được quy trình chặt chẽ, kiểm soát kỹ lưỡng thì mới giúp sàng lọc, tìm được những công chức đủ năng lực, phẩm chất, có đức, có tài.
Ông Hòa cũng đặt ra nhiều băn khoăn, đó là việc tổ chức kiểm định đầu vào sẽ được tổ chức như thế nào? Có gây tốn kém thời gian, chi phí cho người dự tuyển hay không? Cùng với đó là chi phí để tổ chức thi kiểm định lấy từ nguồn nào?
Một vấn đề nữa mà ông Hòa bày tỏ băn khoăn đó là thời hạn của giấy chứng nhận vượt qua kỳ kiểm định. “Hiệu lực chỉ có 12 tháng có ngắn quá hay không, bởi một số trường hợp thi trượt công chức, phải chờ kỳ thi khác có thể sẽ quá hạn 12 tháng”
Từ đó, Vị ĐBQH này đề nghị cần cân nhắc tăng hiệu lực của giấy chứng nhận nhằm tạo thêm điều kiện cho người dự tuyển công chức.
Góp ý vào dự thảo được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Nội vụ, tài khoản mang tên Nguyễn Hồng Nhung bày tỏ, Bộ Nội vụ làm như vậy cơ bản là hợp lý, nhưng do chỉ thi tập trung ở một số nơi cố định dẫn đến đi lại khó khăn, trong khi đó thời hạn cấp chỉ 12 tháng cũng không phải là lâu. Chính vì vậy, cần thêm một số nơi có điều kiện và tăng thời hạn lên là 24 tháng.
Ngoài ra, người này cũng cho rằng, bản thân các trung tâm tổ chức kiểm định phải làm việc công tâm công khai minh bạch và quy trách nhiệm với người đứng đầu nếu để xảy ra hiện tượng tiêu cực trong việc tổ chức sát hạch.
Dự thảo Đề án mà Bộ Nội vụ đang xin ý kiến nêu rõ, việc thực hiện kỳ thi tuyển dụng với 2 vòng đã tạo ra những chuyển biến tích cực nhất định. Tuy nhiên, vòng 1 kỳ thi hiện nay được cơ quan tuyển dụng thực hiện có lúc, có nơi còn bất cập, hạn chế.
Nội dung đánh giá ở vòng 1 chưa có tính suy luận, phân tích, nặng về kiểm tra kiến thức mà thiếu sự đánh giá về khả năng vận dụng tri thức, thái độ và tinh thần trách nhiệm nên chưa kiểm định được đầy đủ năng lực, chất lượng thí sinh để giúp sàng lọc, lựa chọn được các thí sinh phù hợp với yêu cầu nền công vụ nói chung, vị trí tuyển dụng nói riêng.
Trong 2 phương án tại dự thảo đang xin ý kiến, Bộ Nội vụ đang thiên về phương án 1. Theo phương án này, quy trình kiểm định đầu vào công chức mới sẽ theo 2 bước. Bước 1 đó là, các thí sinh đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức nộp đơn đăng ký dự tuyển cho đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Bước 2, đơn vị kiểm định chất lượng đầu vào tổ chức kiểm định chất lượng đầu vào công chức và cấp giấy chứng nhận cho các thí sinh đạt điều kiện.
Kết quả thi vòng 1 được xác định theo số câu trả lời đúng cho từng phần thi, nếu trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên cho từng phần thi thì người dự tuyển cấp Giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận này là cơ sở để các cơ quan tuyển dụng công chức thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình tuyển dụng.
Đáng chú ý, Giấy chứng nhận này chỉ có giá trị sử dụng trong 12 tháng kể từ ngày cấp để thí sinh đăng ký tuyển dụng vòng hai. Giấy chứng nhận có giá trị trong phạm vi cả nước, cho tất cả các vị trí tuyển dụng.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào tập trung sẽ được tổ chức ít nhất 2 lần/1 năm. Các thí sinh không đạt yêu cầu được đăng ký thi lại sau 6 tháng kể từ khi kiểm định không đạt ở lần trước.
Được biết, thời hạn xin ý kiến nhân dân về Dự thảo Đề án này sẽ kết thúc vào ngày 28/7/2020.