• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Gìn giữ những "linh vật" của bản làng

Văn hoá 27/11/2021 18:49

(Tổ Quốc) - Với người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) ở 2 xã Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, nghề đan lát không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công truyền thống để mưu sinh mà còn ẩn chứa một kho tàng văn hóa độc đáo. Để giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 cũng như những tác động của cuộc sống hiện đại, người Khùa vẫn quyết tâm gìn giữ và trao truyền nghề đan lát truyền thống…

Vật sính lễ không thể thiếu trong đám cưới

Sống dưới chân dãy Giăng Màn hùng vĩ, người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) vẫn còn gìn giữ nghề đan lát với các sản phẩm đặc trưng như: Cu Tôốc (mâm cơm), A Chói (gùi), Cà Nhăng (gùi nhỏ), Típ (giỏ nhỏ đựng cơm), Cù Pá (giỏ đựng cá)…

Theo các già làng người Khùa, những sản phẩm đan lát thủ công này không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn ẩn chứa một kho tàng văn hóa độc đáo, là những lễ vật không thể thiếu trong các dịp quan trọng như cúng tế, đám cưới… nên được đồng bào coi như những "linh vật" của bản làng…

Giàng làng Hồ Liêu ở bản La Trọng 1 (xã Trọng Hóa) cho biết, trong lễ cưới của người Khùa, sính vật mà nhà trai đưa đến nhà gái, ngoài các lễ vật theo quy định, còn có 3 sản phẩm của nghề đan lát gồm Cu Tôốc (mâm cơm), Cà Nhăng (gùi nhỏ), Típ (giỏ đựng cơm); trong đó, Cu Tôốc là một lễ vật bắt buộc. Thế nên, theo già Liêu, ngày xưa, bất kể những chàng trai người Khùa nào lớn lên đều được cha, ông của họ truyền dạy nghề đan lát. Những chàng trai người Khùa biết đan hoàn chỉnh một chiếc Cu Tôốc là cách họ thể hiện sự tài hoa, khéo tay của mình trước các thiếu nữ trong bản.

Để chuẩn bị nguyên vật liệu đan chiếc Cu Tôốc, người Khùa phải chọn những cây tre, nứa có độ tuổi từ 3 năm trở lên. Tre, nứa già được chặt về ngâm nước ở các khe suối một thời gian cho săn chắc, chống mối mọt, sau đó vớt lên, để khô rồi đem chế tác nan đan. Ngoài tre, nứa, người Khùa cũng chọn những cây mây thẳng, tròn đều, không sâu bệnh. Bởi thế, để khai thác đủ mây tre đan một Cu Tôốc, có khi người Khùa phải mất cả tuần đi rừng.

Gìn giữ những "linh vật" của bản làng - Ảnh 1.

Những sản phẩm của nghề đan lát.

Theo các nghệ nhân đan lát người Khùa ở xã Trọng Hóa, để làm nên những chiếc Cu Tôốc đẹp mắt, quan trọng nhất là kỹ thuật vót tre, vót mây phải đẹp, mềm mại, ngâm tẩm từng loại phải tốt thì khi đan, sản phẩm mới bóng và sắc sảo. Điều quan trọng nữa là tình yêu, niềm đam mê với nghề đan lát gửi gắm vào từng nan tre, sợi mây... Mỗi chiếc Cu Tôốc của người Khùa gồm 2 phần thân và đế. Tùy theo dụng ý sử dụng mà người Khùa làm ra những chiếc Cu Tôốc to hay nhỏ, cũng như bố trí mức độ nông, sâu của bề mặt chiếc mâm cho phù hợp.

Kỹ thuật đan lát của người Khùa không khác mấy so với kiểu đan của người Kinh, nhưng về hoa văn thì có nhiều điểm khác biệt do phối hợp các cách đan và có sự nhấn nhá khác nhau. Một cụm hoa văn được trình bày, trang trí hợp lý, vừa có ý nghĩa thẩm mỹ, vừa mang dấu ấn tín ngưỡng nguyên sơ trong nghề đan lát của người Khùa. Đó là tục thờ thần linh và mong muốn các vị thần giúp cho con người yên ổn làm ăn, sinh sống, cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, mùa màng tươi tốt.

Các sản phẩm thủ công đan lát sau khi được làm xong, người Khùa thường chưa sử dụng ngay mà để lên gác bếp để hun khói. Dưới tác động của khói bếp, những sản phầm này sẽ ngả sang màu nâu đậm rất đẹp, đồng thời nâng cao khả năng chống mối, mọt. Những sản phẩm đan lát của người Khùa vì thế có tuổi thọ sử dụng rất dài, thậm chí nhiều sản phẩm được họ sử dụng làm của hồi môn cho con cái khi lập gia đình, ở riêng…

Gìn giữ những "linh vật" của bản làng - Ảnh 2.

Giới thiệu nghề đan lát với khách du lịch.

Những người tâm huyết giữ nghề

Tại bản Rôông, xã Trọng Hóa, ông Hồ Xây (SN 1943) được xem là một trong những người đan lát giỏi nhất xã Trọng Hóa. Ông Hồ Xây cho biết, năm lên 10 tuổi, ông đã được bố chỉ dạy cho nghề đan lát, tuy nhiên, mãi đến năm 20 tuổi, sau khi lập gia đình, ông mới bắt đầu làm ra những sản phẩm đầu tiên.

Theo ông Xây, ngày trước, các vật dụng trong gia đình của người Khùa đều được đan lát thủ công, từ rổ, rá cho đến nong, nia, gùi nên nhà nào cũng có người biết làm. Hàng năm, cứ hết mùa vụ, đàn ông, con trai người Khùa lại đi rừng tìm tre, nứa để đan lát.

"Không biết cái nghề này xuất hiện từ bao giờ, nhưng người Khùa đã gắn bó bao đời nay rồi. Cứ cha truyền con nối, đời trước dạy cho đời sau. Cứ như vậy, hầu hết người Khùa đều xem nghề đan lát là nghề truyền thống và là niềm tự hào của dân tộc, bản làng mình. Chính những chiếc Cu Tôốc, chiếc A Chói…, các vật dụng hàng ngày được làm từ cây tre, cây mây đã tạo nên những sản phẩm đặc trưng của người Khùa", ông Xây chia sẻ.

Gìn giữ những "linh vật" của bản làng - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Hồ Xây ở bản Rôông (xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) miệt mài giữ gìn nghề đan lát.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề đan lát, ông Hồ Bông ở bản K In, xã Trọng Hóa không thể nhớ nổi mình đã làm ra bao nhiêu chiếc Cu Tôốc, chiếc A Chói… phục vụ đời sống và lao động của bà con trong bản. Ông Bông cho biết, ngay từ những ngày thơ bé, ông đã được cha truyền dạy lại nghề đan lát. Năm 16 tuổi, ông đã đan lát thành thạo tất cả những sản phẩm như: Cu Tôốc, A Chói, Cà Nhăng, Típ, Cù Pá …

Với ông Bông, nghề đan lát là truyền thống tốt đẹp của người Khùa, giữ lại nghề là giữ lại mỹ tục, văn hóa, cội nguồn tổ tiên. Vậy nên, suốt 30 năm qua, dù nghề đan lát là một nghề tốn nhiều thời gian, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình, nhưng ông Bông vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ, vẫn miệt mài gìn giữ nghề xưa của tổ tiên.

Theo ông Bông, có một điều đáng mừng, ở các xã Trọng Hóa và Dân Hóa hiện nay, thay vì các đồ nhựa, đồ công nghiệp, đa số bà con vẫn rất ưa chuộng các sản phẩm đan lát, đặc biệt là những sản phẩm do chính tay mình làm ra. Bởi những sản phẩm này, không chỉ có giá trị sử dụng, mà còn mang tính thẩm mỹ và các giá trị về văn hóa, tâm linh của đồng bào. Vì thế, mặc dù nghề đan lát mất nhiều thời gian, thu nhập không bằng so với những hộ trồng trọt, chăn nuôi, nhưng ông Bông và nhiều người khác vẫn luôn tâm huyết và quyết tâm phát triển nghề đan lát để giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương mình.

Gìn giữ những "linh vật" của bản làng - Ảnh 4.

Cu Tôốc (Mâm cơm) một vật dụng không thể thiếu trong đời sống văn hóa người Khùa.

Bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại khiến cho nghề đan lát truyền thống của địa phương đang dần bị mai một. Thế nhưng, vẫn còn có những con người như ông Hồ Xây, Hồ Bông… bằng sự đam mê, tâm huyết với các sản phẩm đan lát đã và đang góp phần giữ gìn, bảo tồn nét tinh hoa truyền thống quê hương.

Tuy nhiên, để những người đan lát thêm gắn bó với nghề, xã Trọng Hóa rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, tìm kiếm đơn đặt hàng, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm, tạo thương hiệu cho nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát triển nghề đan lát…

Đồng thời, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền, qua đó, vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống của dân tộc, đồng thời, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

"Xã hội phát triển, công nghệ hiện đại, máy móc cùng lúc có thể sản xuất ra hàng loạt sản phẩm, đa dạng về mẫu mã, loại hình, nhưng xét ở một khía cạnh khác nó không thể so sánh bằng những mặt hàng thủ công truyền thống, mộc mạc, bởi cái cốt, cái hồn của dân tộc, bản làng luôn tồn tại trong từng sản phẩm đó. Vậy nên, xã Trọng Hóa luôn ý thức và quyết tâm giữ gìn nghề đan lát truyền thống của người Khùa", bà Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa chia sẻ.

Hoài Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ