• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giới thiệu liệu pháp y học cổ truyền: Ấn Độ triển khai sức mạnh mềm

Thế giới 06/05/2022 13:14

(Tổ Quốc) - Trung tâm toàn cầu về Y học Cổ truyền của WHO ở bang Gujarat sẽ hỗ trợ Ấn Độ giới thiệu phương pháp điều trị dân gian vào chữa bệnh trên toàn thế giới.

Phương pháp điều trị dân gian

Theo trang SCMP, các chuyên gia cho rằng động thái này có thể mang lại thành công cho Ấn Độ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn chung cho y học cổ truyền.

Ấn Độ huy động sức mạnh mềm trong phương pháp điều trị y học cổ truyền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty

"Y học cổ truyền là phương pháp điều trị ra đời từ rất lâu nhằm điều trị bệnh cho hàng triệu người dân trên thế giới", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong lễ khánh thành trung tâm toàn cầu về Y học Cổ truyền của WHO ở bang Gujarat, Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự sự kiện này tại thành phố Jamnagar, bang Gujarat.

Bà Poonam Khetrapal, Giám đốc khu vực châu Á của WHO cho rằng Trung tâm toàn cầu về Y học Cổ truyền của WHO ở bang Gujarat sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc "thay đổi cuộc chơi" nhằm khai thác sức mạnh của khoa học để củng cố phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền.

"Trung tâm mới sẽ tập trung vào nghiên cứu; phân tích dữ liệu; tính bền vững và công bằng; đổi mới và phát triển công nghệ để giúp khai thác trí tuệ cổ xưa nhằm phát triển y học cổ truyền", hãng tin ANI trích dẫn lời bà Poonam Khetrapal cho biết.

Sự ủng hộ của chính quyền Thủ tướng Modi đối với chiến lược này cho thấy các nỗ lực của Ấn Độ nhằm tăng cường sức mạnh mềm sau thành công đưa môn "yoga" lan tỏa trên khắp thế giới. Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2014 đã tuyên bố ngày 21/6 là Ngày quốc tế Yoga. Chính quyền của Thủ tướng Modi đã đưa yoga lan tỏa trên khắp thế giới từ cách đây 8 năm.

Bên cạnh đó, các phương pháp y học truyền thống của Ấn Độ như Ayurveda, Yoga, Unani, Siddha và vi lượng đồng căn (AYUSH) hiện đang được thúc đẩy gần đây. Để tận dụng ngành công nghiệp sức khỏe đang phát triển, chính phủ Ấn Độ đã tuyên bố sớm triển khai "thị thực AYUSH" cho người nước ngoài đến Ấn Độ tìm kiếm phương pháp điều trị truyền thống.

Trong báo cáo của Hệ thống thông tin và nghiên cứu dành cho các nước đang phát triển, quy mô thị trường AYUSH đã tăng 17% từ năm 2014 đến năm 2020, ước đạt 18,1 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng tới 23,3 tỷ USD trong năm nay.

Kết hợp chẩn đoán hiện đại với điều trị phương pháp dân gian

Ayurveda, hệ thống y tế truyền thống của Ấn Độ, có nguồn gốc từ hơn 4000 năm trước cũng trở thành xu hướng được lựa chọn gần đây của du khách đến Ấn Độ. Ông Acharya Madan Mohan, chuyên gia Ayurveda thế hệ thứ ba cho biết, thành công của y học cổ truyền là không hề bất ngờ bởi vì trong hai năm dịch bệnh, hàng triệu người đã sử dụng các loại thảo mộc, châm cứu, yoga và các loại thực vật cũng như hỗn hợp hoa để điều trị Covid-19.

"Cho dù một số nhà khoa học nghĩ rằng phương pháp này là phi khoa học nhưng Ayurveda vẫn rất phổ biến ở Ấn Độ để chữa các bệnh từ tiểu đường đến ung thư", ông Mohan nói.

Phương pháp này tập trung chủ yếu vào phòng ngừa chữa bệnh, chủ yếu là trị liệu. Theo ông Mohan, cho dù hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại vẫn chiếm ưu thế nhưng nhiều người châu Á vẫn tin rằng y học cổ truyền nắm giữ các phương pháp chữa bệnh bí mật và kiến thức vẫn còn xa lạ với khoa học phương Tây.

Khoảng 40% thuốc sử dụng ngày nay đều được bào chế từ từ các hoạt chất của thiên nhiên. Trước đó, theo WHO, quá trình phát hiện ra thuốc aspirin dựa trên công thức sử dụng vỏ cây liễu trong khi thuốc tránh thai được phát triển từ rễ cây khoai mỡ hoang dã hay thuốc điều trị ung thư ở trẻ em được chiết xuất từ cây dừa cạn.

Cựu nhà ngoại giao Kanwal Sibal cho rằng định hướng này đang mang lại lợi thế cho chính phủ Ấn Độ để đưa Ayurveda và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác của nước này ra thị trường thế giới.

"Đây được xem như một chiến thắng cho Ấn Độ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt và thúc đẩy khả năng chấp nhận Ayurveda trên toàn cầu", nhà dịch tễ học Mandeep Singh nói."Tuy nhiên, điều này cũng không hề dễ dàng vì một số giới hạn vẫn tồn tại đối với y học cổ truyền".

"Y học cổ truyền vốn dĩ là chủ đề gây chia rẽ và những người ủng hộ mạnh mẽ cho y học hiện đại sẽ từ chối bất kỳ công thức y học nào không được kiểm nghiệm hay chứng nhận từ cơ quan quản lý dược phẩm chính thức", ông Singh nói.

Theo cơ quan du lịch bang Kerala, khoảng 35% du khách đến đây để tìm kiếm phương pháp du lịch chữa bệnh. Điều đó có nghĩa là nhiều người vẫn lựa chọn phương pháp chữa bệnh truyền thống.

Các chuyên gia cho rằng, nếu thành công thì các bác sĩ có thể đưa ra các giải pháp toàn diện bằng việc kết hợp chẩn đoán hiện đại với các loại thuốc cổ. Tuy nhiên, theo ông Singh, hiệu quả thực sự sẽ phụ thuộc vào việc y học cổ truyền Ấn Độ có thể đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu hay không./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ