(Tổ Quốc) - Hương Canh, Vĩnh Phúc xưa nay nổi tiếng với nghề gốm, đặc biệt trong những năm 1950 – 1970 của thế kỷ trước bởi chất lượng cao và vẻ đẹp tự nhiên gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp. Tuy nhiên, cùng với thời gian, làng nghề gốm Hương Canh dần đứng trước nguy cơ mai một và biến mất.
- 10.12.2018 Lấy ý kiến chuyên gia cho việc xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm" đệ trình UNESCO
- 30.08.2018 Phối hợp tham gia xây dựng hồ sơ Nghệ thuật làm gốm của người Chăm
- 20.08.2018 Xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đáp ứng các tiêu chí UNESCO
- 13.06.2018 Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm: Hy vọng về một tương lai sáng
- 25.11.2017 Nâng tầm nghệ thuật tranh ghép gốm Đồng Nai
Gốm Hương Canh và sự khác biệt
Theo các nghệ nhân kể lại, làng nghề gốm Hương Canh có lịch sử hình thành hơn 300 năm với những sản phẩm chủ yếu là chum, vại, nồi niêu, ấm chén. Những năm 1950-1970 với sự ra đời của Hợp tác xã gốm Hương Canh, nghề gốm nơi đây phát triển mạnh mẽ, hàng sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Có thể nói đây là giai đoạn hoàng kim của làng gốm Hương Canh.
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn tạo hình cho gốm. Ảnh: Gia Linh
Nghệ nhân Giang Thị Nhạn sinh ra và lớn lên ở Hương Canh, người đã gắn bó với nghề gốm từ năm 17 tuổi, tới nay đã hơn 50 năm cho biết, sở dĩ các sản phẩm gốm Hương Canh được tin dùng và ưa thích là bởi sản phẩm có độ bền cao. "Chất đất Hương Canh rất tốt nên sản phẩm gõ kêu như chuông đồng, nếu nói về chất lượng thì nước chảy đá mòn nhưng sành Hương Canh không mòn mà chỉ riêng Hương Canh mới có đất này."
Mặt khác, do quá trình hỏa biến, màu sắc của gốm Hương Canh rất đặc trưng và phong phú. Một điểm đặc biệt là những sản phẩm của Hương Canh như lọ đựng trà thì trà để hẳn 6 tháng cũng không mốc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng, đựng rượu thì rượu không giảm nồng độ, thậm chí càng để lâu thì rượu càng ngon.
Bàn về đặc trưng của gốm Hương Canh, họa sĩ Lê Thiết Cương, một người yêu và am hiểu gốm chia sẻ sự khác biệt giữa gốm Bát Tràng, gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng, gốm Hương Canh bắt đầu từ nhiệt độ. Nếu gốm Bát Tràng được nung ở nhiệt độ khoảng 1200 độ C thì gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng, gốm Hương Canh được gọi là gốm sành và được nung ở nhiệt độ dưới 1000 độ C. Một khác biệt quan trọng khác là ở chất đất.
Gốm Hương Canh là gốm không men. Ảnh: Gia Linh
"So với các loại gốm khác gốm Hương Canh còn đặc biệt hơn nữa. Gốm Thổ Hà và gốm Phù Lãng là gốm có men nhưng gốm Hương Canh là gốm không men. Nói chính xác về mặt chuyên môn thì trong đất ruộng của làng gốm Hương Canh nếu đào sâu xuống khoảng 3 – 4m thì men đã ở trong đất. Riêng ở Hương Canh có đặc biệt là thành phần ô xít sắt nhiều hơn các vùng khác, cho nên khi nung ra tạo thành màu nâu cháy rất đặc trưng của Hương Canh, thứ hai nếu bạn nhìn nghiêng dưới ánh sáng có độ óng nhất định" – họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.
Tuy nhiên, đó cũng là lý do vì sao gốm Bát Tràng vừa có thể sản xuất trong nước, vừa có thể xuất khẩu, gốm Chu Đậu cũng xuất khẩu rất nhiều, nhưng gốm Phù Lãng, gốm Hương Canh thường chỉ được dùng trong nước. Gốm Thổ Hà, gốm Phù Lãng có thể vừa được dùng làm đồ gia dụng, vừa được dùng để làm đồ thờ (như bát hương, các linh vật trên bờ mái của đình chùa, đền miếu…) nhưng gốm Hương Canh chỉ đặc biệt là đồ gia dụng (như trõ đồ xôi, cối giã cua, chum tương, vại nước …). Đó cũng là những đồ vật điển hình gắn chặt với đời sống, với văn minh nông nghiêp ở vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng. Chính vì thế mà các sản phẩm gốm Hương Canh được xem là "Việt" nhất, dân dã nhất.
Hướng đi nào cho gốm Hương Canh?
Bỏ qua thời kỳ huy hoàng, làng gốm Hương Canh hôm nay đứng trước nhiều khó khăn. Nghề truyền thống của làng đứng trước nguy cơ mai một. Một thực tế là "làng gốm 300 tuổi từ thế kỷ 17 mà nay đi khảo sát chỉ còn độ 10 nhà làm gốm, 90% còn lại thì một là không làm nữa, hai là chuyển sang làm gạch ngói. Những gia đình còn quấn quýt với nghề chủ yếu là bởi yêu nghề, muốn gìn giữ nghề của cha ông để lại chứ không đặt nặng vấn đề làm giàu" – họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết.
Sản phẩm gốm Hương Canh do Nguyễn Hồng Quang thực hiện. Ảnh: Gia Linh
Tìm một hướng đi mới để gốm Hương Canh tiếp tục sống và phát triển là bài toán không dễ dàng. Hướng đi nào cho gốm Hương Canh cũng là trăn trở của họa sĩ Lê Thiết Cương. Anh chia sẻ, "Cái chết của tất cả các làng nghề thủ công truyền thống của người Việt chính là vấn đề thiết kế. Người ta chưa coi vấn đề thiết kế là một ngành công nghiệp sáng tạo. Muốn các làng nghề thủ công nói chung, gốm Hương Canh nói riêng sống được thì phải gắn với công nghiệp sáng tạo, phải có thiết kế, có mẫu mã, quảng bá, nhưng chưa hết phải làm sao để các đồ thủ công truyền thống sống được trong hiện đại, phải làm cho truyền thống trở thành hiện đại, và phải làm mới truyền thống, bởi ngay cả cha ông mình có sống lại cũng không muốn con cháu "copy" cha ông mà phải đổi mới, sáng tạo. Sáng tạo chính là sống còn."
Cơ duyên đưa tôi gặp gỡ với Nguyễn Hồng Quang – một họa sĩ điêu khắc, một chủ xưởng gốm nổi tiếng của làng Hương Canh, người đem lại sức sống mới cho sản phẩm gốm Hương Canh.
Không chỉ sinh ra và lớn lên ở quê hương Hương Canh, ở gia đình có 3 đời làm gốm, Nguyễn Hồng Quang còn được đào tạo bài bản trong ngành gốm hiện đại. Bản thân Quang đã gắn bó với gốm Hương Canh từ rất lâu, từ những năm 1994 Quang bắt đầu làm gốm mỹ thuật, gốm hiện đại.
Với các tác phẩm gốm mỹ thuật của Quang, gốm Hương Canh giờ không chỉ được dùng trong "bếp" mà còn được sử dụng như những tác phẩm trang trí, một tác phẩm nghệ thuật. "Trách nhiệm của tôi là phải nâng tầm gốm Hương Canh" – Nguyễn Hồng Quang khẳng định.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Quang đang khai thác mạnh mảng gốm ứng dụng. Ảnh: Gia Linh
Hiện nay bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Quang đang khai thác mạnh mảng gốm ứng dụng, tức là gốm trang trí nội ngoại thất như phù điêu, sân vườn, tiểu cảnh…
Tuy nhiên bên cạnh nền tảng thuận lợi như được đào tạo bài bản, có kiến thức, có quan hệ và thị trường cho gốm nghệ thuật, con đường nâng tầm gốm Hương Canh của Quang gặp vô vàn khó khăn.
Quang chia sẻ: "Bản thân tôi mong đợi khi tốt nghiệp đại học là gây dựng lại làng nghề truyền thống đã bị mai một của ông cha. Điều đáng tiếc là thương hiệu gốm Hương Canh có một đời lại bị mai một, muốn có trách nhiệm với nghề, bằng hành động, mình phải nâng tầm nó, không những ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Nhưng muốn sống được với nghề, muốn mọi người sống với nghề như mình thì phải có tiền, muốn có tiền thì phải bán được sản phẩm. Tôi cho rằng thị trường gốm nội địa là thị trường rất hấp dẫn. Đối với việc tiếp cận thị trường quốc tế thì vẫn còn khó khăn, tới thời điểm này tôi đã phải từ chối 2 hợp đồng của Hàn Quốc. Lý do là họ đặt số lượng sản phẩm rất lớn mà nhân lực, vật lực của tôi thì chưa đủ đáp ứng." Cũng như xưởng của Quang, các xưởng gốm tại Hương Canh hiện nay chủ yếu đang tận dụng nhân lực là những người làm gốm có kinh nghiệm trong làng, vốn là hội viên của hợp tác xã gốm Hương Canh.
Bên cạnh vấn đề nhân lực, khó khăn của làng gốm Hương Canh còn ở tốc độ phát triển công nghiệp ngày càng nhanh chóng. Anh Quang cho biết Hương Xuyên quê hương anh đang tập trung phát triển công nghiệp. Cùng với đó nguồn nguyên liệu dành cho làng nghề bị san phẳng hết. "Nếu không có cơ chế bảo tồn, tôi tin rằng hết đời của tôi làng nghề gốm Hương Canh sẽ bị xóa sổ" – anh Quang nhận định. Bên cạnh vấn đề nhân công, nguyên liệu sản xuất, thiếu vốn, việc không có mặt bằng lớn để mở xưởng, mở rộng quy mô làm nghề cũng là vấn đề lớn của Quang. Để vực dậy làng gốm Hương Canh có lẽ còn cần sự vào cuộc và sự quan tâm hơn nữa của chính quyền địa phương.
Hàng ngày, Quang vẫn đang miệt mài với công việc của mình, vừa thiết kế vừa lo thị trường đầu ra cho các sản phẩm gốm. Khó khăn còn nhiều nhưng với mong muốn giữ lửa nghề gốm Hương Canh anh vẫn đang kiên trì theo đuổi. Cùng với cửa hàng gốm Hương Canh tại Hà Nội, năm 2019 Quang dự định sẽ mở thêm cơ sở tại Hội An và TP Hồ Chí Minh để đưa gốm Hương Canh tới gần hơn người tiêu dùng, để lửa lò gốm sẽ còn cháy mãi…