• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Giữa “ma trận” của các cơ sở thẩm mỹ, khách hàng buộc phải trở thành người tiêu dùng thông thái

Thời sự 28/10/2019 08:52

(Tổ Quốc) – Giữa “ma trận” của các cơ sở thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa hiện nay, mọi người nếu có nhu cầu làm đẹp phải hết sức thận trọng và tỉnh táo để tránh “tiền mất, tật mang”.

Người người thẩm mỹ, nhà nhà làm đẹp

Có lẽ, chưa khi nào "phong trào" làm đẹp ở nước ta lại phát triển rầm rộ như hiện nay, không quá khi nói hiện nay "người người thẩm mỹ, nhà nhà làm đẹp". Chỉ cần gõ cụm từ "thẩm mỹ" trên Google, sau 0,62 giây cho ra gần 64 triệu kết quả, tương tự với cụm từ "phẫu thuật thẩm mỹ" cũng có tới gần 14 triệu kết quả sau 0,35 giây.

Sở dĩ lại dùng từ "người" ở đây vì hiện nay, việc phẫu thuật thẩm mỹ hay nói cách khác là nhu cầu làm đẹp không chỉ dành cho phụ nữ mà cả nam giới cũng có nhu cầu và ngày càng tìm đến với dịch vụ này nhiều hơn.

Giữa “ma trận” của các cơ sở thẩm mỹ, khách hàng buộc phải trở thành người tiêu dùng thông thái - Ảnh 1.

Một buổi hội thảo về làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ thu hút đông đảo chị em, các bạn nữ tham dự .

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các cơ sở thẩm mỹ (làm đẹp) hiện nay đang mọc lên ồ ạt, không chỉ có mặt nhan nhản ở các thành phố lớn mà ngay cả các vùng quê cũng đã xuất hiện không ít những địa chỉ làm đẹp cho mọi người lựa chọn.

Mặc dù đã có không ít những vụ tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ hay phẫu thuật thẩm mỹ hỏng, những biến chứng, biến dạng…xảy ra với khách hàng (đa phần là chị em phụ nữ). Vậy nhưng, nhiều người, nhất là chị em phụ nữ vẫn rất "nhẹ dạ, cả tin" khi giao phó sức khỏe, tính mạng của bản thân cho cơ sở thẩm mỹ mà không rõ liệu họ đã được cấp phép hoạt động hay chưa.

Theo luật sư Nguyễn Ánh Tuyết – Công ty TNHH Lưu Đại Nghĩa "Các chị em nhiều khi chỉ xem quảng cáo chứ không tìm hiểu kỹ là họ có đủ điều kiện làm thẩm mỹ hay không. Cứ đến rồi đặt dịch vụ thôi".

Luật sư Nguyễn Ánh Tuyết cũng cho biết, hiện nay, người tiêu dùng (chị em - PV) thông thường không có khả năng phân biệt giữa hai cơ sở dịch vụ thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc các cơ sở làm đẹp không có đăng ký kinh doanh, không thực hiện bất cứ thủ tục pháp lý nào… vì vậy dễ bị nhầm rằng cơ sở thẩm mỹ nào cũng được phép dùng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể …. "Điều này rất nguy hiểm cho người sử dụng dịch vụ", Luật sư Nguyễn Ánh Tuyết nói.

Quy định liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ

Luật sư Nguyễn Ánh Tuyết cho hay, theo quy định về các hình thức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quy định của Luật Khám, chữa bệnh 2009, Nghị định 109/2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì có 2 hình thức của cơ sở khám bệnh, chữa bênh liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ được chia làm 2 hình thức là Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.

Giữa “ma trận” của các cơ sở thẩm mỹ, khách hàng buộc phải trở thành người tiêu dùng thông thái - Ảnh 2.

Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam TP.Hồ Chí Minh, nơi vừa xảy ra vụ một bệnh nhân tử vong khi thực hiện phẫu thuật căng da mặt.

Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ - CP hướng dẫn Luật Khám chữa bệnh 2009. Điều kiện để hoạt động cơ sở dịch vụ thẩm mỹ rất đơn giản là có địa điểm cố định, bảo đảm các điều kiện vệ sinh, có đủ thiết bị, dụng cụ, vật tư phù hợp với phạm vi hoạt động của cơ sở và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhân sự thực hiện các công việc xăm, phun, thêu trên da chỉ cần có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Các cơ sở này cũng không cần thực hiện việc xin cấp phép hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ cần có văn bản thông báo đủ điều kiện đến Sở y tế nơi cơ sở đặt địa chỉ hoạt động là được.

Khác biệt hoàn toàn với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ - CP hướng dẫn luật Khám, chữa bệnh thì các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Để được hoạt động thì các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ này phải đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phải có phương án thu gom và xử lý nước thải ….

Cụ thể là về cơ sở vật chất, phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người bệnh. Có thêm buồng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 12 m2. Ngoài ra, trường hợp đăng ký thực hiện thủ thuật thì phải có phòng thủ thuật diện tích 10 m2.

Về thiết bị y tế, phải có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn, có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa.

Về nhân sự, phải có bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ; có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó.

Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tư nhân phải gửi hồ sơ xin cấp phép tới Sở y tế nơi cơ sở hoạt động. Sở y tế sẽ thẩm tra điều kiện và cấp giấy phép hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn mà phòng khám hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tư nhân đủ điều kiện.

Mặc dù quy định là như vậy, song trên thực tế, theo luật sư Nguyễn Ánh Tuyết, khách hàng (người tiêu dùng) cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin bởi trên cổng thông tin của các cơ quan nhà nước quản lý đối với bệnh viện, cơ sở thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ cũng không hề công bố danh sách các cơ sở thẩm mỹ và phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở này vì vậy cũng làm người tiêu dùng không có căn cứ để kiểm tra.

"Vì vậy, tôi nghĩ để làm đẹp một cách an toàn, các chị em nên đến các bệnh viện lớn hoặc các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có giấy phép hoạt động phòng khám do Sở y tế cấp. Giấy phép này nếu họ được cấp phép thì trên các thông tin quảng cáo, website của họ sẽ có để chị em có thể xem xét, lựa chọn kỹ hơn", luật sư Nguyễn Ánh Tuyết chia sẻ./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ