• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góc nhìn di sản về kiến trúc Pháp- Đông Dương

Văn hoá 25/07/2023 19:56

(Tổ Quốc) - Nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản văn hóa của riêng Thủ đô, mang tâm hồn, tính cách Hà Nội. Những nét đẹp ấy làm nên một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, và việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này cũng là một vấn đề cần quan tâm.

Đây là nội dung được đưa ra tại Tọa đàm “Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Từ góc nhìn di sản” vừa được diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 5 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội).

Góc nhìn di sản về kiến trúc Pháp- Đông Dương - Ảnh 1.

Tọa đàm “Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Từ góc nhìn di sản”

Tọa đàm do Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp cùng Omega Plus tổ chức, nhằm đánh dấu mốc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp được thiết lập, với sự tham gia của nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, tác giả cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”; Ts. KTs. Lê Phước Anh - Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ths. Bùi Thị Hệ - Phòng Phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thạc sĩ Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết, tọa đàm nhằm giúp độc giả hiểu hơn về những di sản, giá trị văn hóa, lịch sử thông qua những câu chuyện về công trình kiến trúc Pháp - Đông Dương nổi tiếng tại Hà Nội như cầu Long Biên, Bưu điện Hà Nội, Nhà hát lớn Hà Nội... qua đó, giới thiệu thêm về khối lượng tài liệu lịch sử mà Trung tâm đang lưu trữ.

Tại tọa đàm, các nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia văn hóa đã cùng thảo luận, chia sẻ về tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của các di sản kiến trúc Pháp - Đông Dương đối với lịch sử của Hà Nội và trong đời sống hôm nay. Những công trình này chính là những di sản quý báu đã chứng kiến một thời kỳ đầy biến động, làm nên nét đặc trưng văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Đến tham gia Tọa đàm, độc giả còn được lắng nghe những câu chuyện, khám phá những kiến trúc của Pháp đặt vào bối cảnh Đông Dương bấy giờ, với rất nhiều tầng bậc, lịch sử thuộc địa, lịch sử quan hệ ngoại giao… các tầng bậc khác của cư dân bản địa và kể từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương đến nay.

Góc nhìn di sản về kiến trúc Pháp- Đông Dương - Ảnh 2.

Cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”

Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, các diễn giả tập trung vào 37 trong số 60 công trình được chọn lọc để giới thiệu trong cuốn sách “Kiến trúc Pháp - Đông Dương, những viên ngọc quý tại Hà Nội”.

Cuốn sách do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức biên soạn và Nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến là chủ biên, được ví đẳng cấp như một "album nghệ thuật" về dấu ấn kiến trúc Pháp tại Hà Nội, mang đến những góc nhìn thú vị, mới mẻ.

Nét nổi trội của tác phẩm so với các ấn phẩm trước về kiến trúc Hà Nội chính là bên cạnh những bản vẽ thiết kế, còn có những bức ảnh tư liệu được sưu tầm và lựa chọn kỹ càng, đi kèm lời thuyết minh bằng 3 thứ tiếng: Việt - Pháp - Anh.

Đặc biệt, cuốn sách còn xuất hiện những công trình mà ngay cả nhiều người tự cho là biết nhiều về Hà Nội, đến nay mới lần đầu được tiếp cận. Ví dụ: Ngôi nhà số 6 Hoàng Diệu hay tòa biệt thự 18 Tông Đản, đều vừa tròn trăm tuổi.

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Trần Hữu Phúc Tiến cho biết: cuốn sách điểm lại những công trình còn tồn tại dựa trên tài liệu lưu trữ. Có những công trình do không tìm được tài liệu lưu trữ nên không đề cập đến. “Qua những kiến trúc này chúng ta nhìn thấy lịch sử, đầu tiên là thời kì trước 1945 khi người Pháp đến Việt Nam thì họ tạo ra những công trình mới. Những công trình mới này không chỉ thể hiện cách người Pháp cai trị Việt Nam lúc đó mà phải thấy rằng, nó còn có sự đóng góp của người Việt Nam, những đóng góp vô hình cũng như hữu hình. Thậm chí một số vật liệu xây dựng được lấy từ tường thành Hà Nội, họ sử dụng những vật liệu xây dựng tại chỗ, nhân công tại chỗ. Đặc biệt là họ tiếp thu những kinh nghiệm về xây dựng nhà cửa ở xứ nhiệt đới vào trong công trình của Pháp”.

Góc nhìn di sản về kiến trúc Pháp- Đông Dương - Ảnh 3.

Nhà hát Lớn Hà Nội- một công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Thủ đô

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, "Sách đề cập đến những công trình kiến trúc được ví như "những viên ngọc quý" ở Hà Nội. Có thể đối tượng khảo tả không mới, vẫn là Nhà Hát Lớn, Cầu Doumer, Viện Pasteur, Bảo tàng Louis Finot… nhưng cách khảo tả, lựa chọn ảnh và tư liệu cũng có phần tinh tế hơn… Lại có cả những công trình, mà ngay đến người tự cho là biết nhiều về Hà Nội, đến nay mới lần đầu được tiếp cận”.

Trong nhịp sống thời nay, khi mà nhiều câu chuyện về giữ gìn giá trị văn hóa trở thành điểm nóng thì nét đẹp của kiến trúc Pháp tại Hà Nội như một di sản văn hóa của riêng thủ đô, mang tâm hồn, tính cách Hà Nội. Những nét đẹp ấy làm nên một Hà Nội vừa cổ kính, vừa hiện đại, mà đối với người Hà Nội thì những điều đó là một phần của sự nên thơ, lãng mạn rất riêng trong cuộc sống.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ