• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Văn hoá 06/11/2020 08:58

(Tổ Quốc) - Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ: phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hoá, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

Góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25/11/1961. (Ảnh tư liệu)

Người đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên: "Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội"([1]). Trước lúc đi xa, Người đã căn dặn trong Di chúc: "ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"([2]).

Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm. Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta xác định "Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội". Do đó phải "chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người "vừa hồng vừa chuyên" theo tư tưởng Hồ Chí Minh ", "Nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, nhất là học sinh, sinh viên. Tập trung giáo dục, định hướng, cổ vũ thanh niên thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tạo chuyển biến thực sự trong đạo đức, lối sống và hành động của thanh niên"([3]). Mới đây nhất, văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XII khẳng định: "Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ. Có cơ chế, chính sách phù hợp tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực. Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"([4]). Ðây là những định hướng quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực trẻ trong tương lai.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong những năm gần đây, các nhà trường và tổ chức Đoàn thanh niên đã có nhiều đổi mới trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ với những nội dung phong phú, đa dạng, bao gồm: Giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thông qua đó từng bước nâng cao nhận thức của các em về tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là vị trí và vai trò của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, các ngày kỷ niệm quan trọng của Đảng, Đoàn và các đoàn thể chính trị - xã hội; các thành tựu kinh tế - xã hội đạt được trong sự nghiệp đổi mới. Trên cơ sở đó hình thành niềm tin, lý tưởng của thế hệ trẻ vào đường lối đổi mới mà Đảng, nhân dân đã lựa chọn; Giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, nâng cao ý thức chính trị, tinh thần cảnh giác cách mạng cho thế hệ trẻ, qua đó phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong đấu tranh phản bác, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; Giáo dục tinh thần đoàn kết, làm cho thế hệ trẻ nhận rõ được vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế trong lịch sử dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước; Giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu lao động, phát huy truyền thống hiếu học, chuyên cần và sáng tạo thông qua đó hình thành ý thức tự giác của các em trong lao động, học tập và rèn luyện, phấn đấu trở thành những người vừa "hồng", vừa "chuyên". Trong Giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, gắn với việc thực hiện và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi cả nước đã có nhiều mô hình phong phú để giáo dục thanh thiếu nhi như viết "Nhật ký làm theo lời Bác"; "Sổ vàng học tập và làm theo lời Bác", "Sổ tay tự rèn", cuộc thi "Tôi yêu Tổ quốc tôi, tôi yêu đồng bào tôi", mô hình "Quỹ đồng đội",  khẩu hiệu "Mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân"... ; xây dựng các tiêu chí về chuẩn mực đạo đức, lối sống cho các đối tượng đoàn viên thanh niên; gắn liền với chương trình rèn luyện đoàn viên và tuyên dương, biểu dương các điển hình.

Thông qua các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước đã tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện, trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách. Nhìn chung, thế hệ trẻ Việt Nam được giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng ngày một tốt hơn; phần lớn thanh thiếu nhi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước, sống có trách nhiệm với Tổ quốc, gia đình và bản thân, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, sức khỏe tốt, tư duy năng động, sáng tạo, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm; có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều tấm gương thanh niên vượt qua khó khăn của bản thân, gia đình để vươn lên thành những người hữu ích; không ít thanh niên dám đấu tranh quyết liệt với các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tỏ thái độ lo lắng, băn khoăn trước các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; bất bình trước những sai phạm của cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trong những năm gần đây còn có những mặt hạn chế, thiếu sót, cụ thể như sau: còn không ít thanh niên không có chí hướng rõ ràng, chưa hiểu biết đầy đủ truyền thống cách mạng của Đảng và dân tộc, ít quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh niên lười lao động, lười học tập, ngại khó, ngại khổ, chưa làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ của mình ở gia đình, địa phương, đơn vị; không có ý chí vươn lên làm giàu cho bản thân và xã hội, có những thanh niên có biểu hiện giảm sút niềm tin, bản lĩnh non kém, bị lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật. Đây là một thực trạng báo động.

Xác định nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là công việc hết sức quan trọng và là quá trình liên tục, lâu dài, đồng thời là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp bách của toàn Đảng, toàn dân và trách nhiệm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Để đạt được mục tiêu và những nội dung đã đề ra, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Nhận thức đúng, đầy đủ tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ, từ đó xác định trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và toàn xã hội đối với công tác này.

- Xây dựng môi trường lành mạnh, tạo điều kiện để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành.

- Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị, đạo đức, bảo đảm thực chất, giúp thế hệ trẻ nhận thức sâu sắc, toàn diện về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sống có văn hoá, nghĩa tình, phấn đấu thực hiện mục tiêu "độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội", bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước (Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030).

Có thể khẳng định, với Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư cũng như đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, giai đoạn 2015-2020" sẽ tạo động lực thúc đẩy sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội cho thế hệ trẻ, góp phần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh việc các trường đại học, cao đẳng tiến hành giảng dạy bộ môn chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để học sinh, sinh viên hình thành thế giới quan cách mạng và phương pháp luận khoa học, nhân sinh quan đúng đắn, lối sống lành mạnh, thì những sinh hoạt chính trị ngoại khóa cũng là hoạt động mang tính giáo dục nhiều mặt cho sinh viên. Một trong những phương pháp giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh mang lại hiệu quả thiết thực, đó là việc kết hợp việc giảng dạy lý thuyết tại nhà trường và tham quan học tập thực tế tại các khu di tích, các bảo tàng và khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổ chức tham quan học tập thực tế là hình thức có mục đích rõ ràng về mặt chính trị, có dẫn chứng xác thực về mặt khoa học lịch sử. Tổ chức tham quan thực tế cho các học viên, sinh viên là công tác giáo dục khoa học của di tích và bảo tàng, đây là hình thức hữu hiệu nhất, đem lại niềm say mê, hứng thú cho các học viên, sinh viên đối với môn tư tưởng Hồ Chí Minh giúp họ tiếp nhận thông tin một cách thực tế, tự nhiên và  hiệu quả. Tham quan các di tích, bảo tàng, khu lưu niệm, trước hết, học viên, sinh viên có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp một cách trực tiếp bằng các giác quan, lấy việc quan sát tài liệu, hiện vật là cơ sở với đặc điểm nổi bật là tính vật chất và tính trực quan sinh động của nó. Cùng với việc quan sát trực tiếp các tài liệu hiện vật, các học viên, sinh viên được người hướng dẫn viên giảng giải, cung cấp những thông tin một cách rõ ràng, kể cho nghe những câu chuyện để họ lĩnh hội một cách tích cực và đầy đủ, chính xác những giá trị đích thực của bảo tàng, di tích, khu lưu niệm đó.

Để Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch góp phần tích cực vào việc tuyên truyền giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng nói riêng, thế hệ trẻ nói chung, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất:

+ Về phía Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

- Để phát huy cao nhất những giá trị của di tích và quyết định thành công, chất lượng của việc tham quan thực tế của sinh viên (và của khách tham quan) thì cán bộ thuyết minh đóng vai trò quan trọng. Vì vậy cán bộ thuyết minh muốn thực hiện tốt vai trò của mình cùng lúc vừa là thầy giáo, nhà ngoại giao, người nghệ sỹ thì không chỉ cần trang bị những kiến thức chuyên môn về lịch sử, văn hoá, nắm chắc kiến thức xã hội, mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng; phải có phương pháp sư phạm, khả năng diễn giải, truyền đạt cũng như nhạy cảm ứng xử khôn khéo, linh hoạt… mới chuyển tải được những nội dung, giá trị phi vật thể chứa đựng trong di tích đến với sinh viên nói riêng, khách tham quan nói chung. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác sưu tầm tài liệu hiện vật, công tác nghiên cứu trưng bày để tạo tiền đề nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục tại các di tích.

- Để đạt được những vấn đề nêu trên, trong việc lựa chọn cán bộ làm công tác thuyết minh, như lâu nay Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch vẫn làm, như chọn cán bộ có trình độ chuyên môn, có khả năng ngoại ngữ, giọng nói… cũng như ngoại hình của cán bộ thuyết minh để thu hút và phù hợp, gần gũi với đối tượng sinh viên (và khách tham quan).

+ Về phía các trường đại học, cao đẳng:

- Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể của nhà trường cần nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên;

- Cần tăng cường vai trò tổ chức đoàn, hội sinh viên trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên.

- Có biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận trong thi cử, đảm bảo dân chủ, công bằng, bình đẳng trong giáo dục đi đôi với đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, tu dưỡng, rèn luyện của học sinh, sinh viên; chống bạo lực học đường, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên.

- Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh trong nhà trường, khuyến khích hỗ trợ sinh viên tham gia các sinh hoạt lễ hội truyền thống, các phong trào xã hội và các sinh hoạt chính trị. Và công tác này phải được thực hiện một cách có kế hoạch, thường xuyên, liên tục. Vì chỉ khi nào huy động cả hệ thống chính trị, trường học vào cuộc thì công tác giáo dục tư tưởng, chính trị cho học sinh, sinh viên mới đạt hiệu quả thực sự, giúp các em vững vàng, có lý tưởng trong sáng để phấn đấu hoàn thiện bản thân góp phần vào xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập (xb lần thứ 3), Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, t.13, tr.89-90

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập XV, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.2011, tr.622

[3] Nghị quyết 25-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X, ngày 25/7/2008

[4] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Nguyễn Thị Xuân

NỔI BẬT TRANG CHỦ