• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Nghĩ về Văn hóa trong Thể thao và Du lịch

Văn hoá 26/07/2021 07:45

(Tổ Quốc) - Nhà văn Ngô Thảo là người có nhiều tác phẩm văn chương có giá trị được trao giải thưởng. Bên cạnh đó ông cũng là người tâm huyết với nhiều lĩnh vực khác như: sân khấu, điện ảnh… Nhân dịp góp ý cho Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ, nhà văn Ngô Thảo có bài viết bàn về văn hóa trong Thể thao và Du lịch khá thẳng thắn với một số ý kiến rất đáng quan tâm. Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông tới độc giả.

Về Du lịch

Trước hết, phải thấy, ngay trong bản chất, ba hoạt động này (Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã khác nhau về mục đích, biện pháp tiến hành, và quan trọng là tư duy chiến lược. Mỗi hoạt động đều có vai trò quan trọng của nó. Cái chính là trong hoạt động, mỗi ngành đều cần những cách thức thực hiện, liên quan đến đó là Tư duy chiến lược rất khác nhau.

Trước hết hãy nói đến Du lịch. Phải xác định, đây là một dịch vụ nhằm mục đích kiếm lợi. Nó sử dụng những lợi thế và đặc sắc của tự nhiên và nhân tạo của mỗi vùng miền, để chiêu dụ du khách. Bản thân ngành du lịch không có nghĩa vụ xây dựng hay sáng tạo nên các công trình đó. Việc tạo nên cảnh quan, đường sá đi lại, cơ sở nghỉ dưỡng hay lễ hội, nơi ăn chốn ở, tiện nghi sinh hoạt các đẳng cấp là của các địa phương, các ngành khác.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Nghĩ về Văn hóa trong Thể thao và Du lịch - Ảnh 1.

Nhà văn Ngô Thảo - Nguyên Phó chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam

Là một đất nước có địa hình kỳ thú, có lịch sử dựng và giữ nước lâu đời, mấy cuộc chiến tranh lớn vừa đi qua, việc xây dựng một đất nước hiện đại chỉ mới bắt đầu, dấu tích địa hình nguyên sơ còn phong phú là những lợi thế cho sự phát triển của ngành du lịch. Nhưng sau mấy năm phát triển, ngành này đang đứng trước những đòi hỏi mới từ cách thức tổ chức, chất lượng nhân lực, đến triết lý cơ bản của một hoạt động mang bản chất văn hóa. Nhân danh quảng bá hình ảnh đất nước, nhưng nếu sau nhiều năm, số du khách quốc tế một đi không trở lại chiếm số đông, thì không thể coi việc quảng bá đã thành công. Du khách quốc tế đa phần chỉ đi một lần cho biết, chứ chưa thực sự có ấn tượng sâu nặng với xứ sở này. Để chiều khách, không ít nơi, đã biến những nơi vốn để thờ tự thiêng liêng, các lễ hội vốn chỉ cho một cộng đồng giới hạn thành một sàn diễn sân khấu cho đông đảo người xem.

Sự giải thiêng do mở cửa tự do cho du khách đồng nghĩa với việc hạ thấp các giá trị của văn hóa tâm linh, vốn là một nét đặc sắc trong tâm thế người Việt. Nương theo tâm thế đó, khá nhiều cơ sở thờ tự hoành tráng, đặc biệt là chùa chiền mới được dựng lên ở khá nhiều nơi, mà thực chất là những cỗ máy kiếm tiền, kinh doanh không che dấu dựa trên sự mê tín mới, không chỉ của người dân. Khai thác, sử dụng, tận dụng các giá trị văn hóa vốn có mà không có phương sách bảo tồn, gìn giữ, và xây dựng những giá trị văn hóa của NGÀY HÔM NAY thì tính tích cực về mặt lịch sử của ngành du lịch là điều cần được đặt ra trong quá trình phát triển.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Nghĩ về Văn hóa trong Thể thao và Du lịch - Ảnh 2.

Ảnh minh họa/Minh Khánh

Nhất là hiện nay, một số địa phương, đang tách Du lịch thành một tổ chức độc lập. Những hòn đảo đẹp và giàu giá trị lịch sử như Côn Đảo, Phú Quốc, nơi nổi tiếng vì đã lưu đày nhiều thế hệ người tù yêu nước đang tích cực đầu tư xây dựng thành thiên đường nghỉ dưỡng cho các tỉ phú và người giàu có trên thế giới. Với diện tích mỗi đảo xấp xỉ quốc đảo Singapor, lại có nhiều thuận lợi hơn về môi trường địa lý, sao không nghĩ đến phương án xây dựng một xứ sở tuyệt vời theo lý tưởng?. Nếu xây dựng được hai hòn đảo đó theo mô hình xã hội tương lai, nơi người yêu người sống để yêu nhau thì chắc cả thế giới sẽ đổ về đó đi du lịch, tìm hiểu, học tập.

Một khi nếu lấy lợi nhuận và đồng tiền làm mục đích tối thượng, làm mọi cách vừa lòng người có tiền thì những giá trị căn bản về thuần phong mỹ tục, về đạo lý và văn học dân tộc làm sao không bị xói mòn?. Mà lúc đó liệu yêu cầu quảng bá văn hóa dân tộc và hình ảnh đất nước như là một mục đích của du lịch có đạt được?

Cơn dịch Covid hai năm qua, một khi không có khách ngoại, mà trong nước cũng khó đi lại, toàn bộ ngành Du lịch định hướng làm kinh tế bằng túi tiền của khách ngoại, có thể rút ra những bài học gì cho chiến lược lâu và bền vững là nên đặt ra?.

Về Thể thao

Hoạt động thể thao những năm qua của nước ta phát triển sôi nổi, phong phú và đạt nhiều thành tích nổi bật. Cứ như các báo đưa tin và quan tâm, thì chủ yếu là thể thao đỉnh cao, và quần chúng tham gia với tư cách người xem, chứ chưa phải người trực tiếp tham gia hoạt động. Tất cả các cơ sở vật chất được xây dựng với một nguồn kinh phí cực lớn ở khắp mọi miền đất nước, chủ yếu là để phục vụ các hoạt động thi đấu, chứ không phải là nơi ngày thường người dân có thể vào đó luyện tập. Sự lãng phí cơ sở vật chất thể thao chắc không ai không thấy.

Nhờ có một đường hướng đào tạo rõ ràng, nên thể thao Việt Nam tham gia thi đấu các đấu trường quốc tế thường xuyên, và thành tích ngày càng cao. Điều đó đã khuyến khích sự lựa chọn của đông đảo tuổi trẻ nhiều lứa tuổi tham gia luyện tập. Những thành tích và vinh quang thể thao đỉnh cao mang lại được trả bằng giá nào, liệu có ai tính toán không? Tiền bạc là thứ rất khó nói. Nhưng tôi muốn nói đến khía cạnh NHÂN VĂN của thể thao đỉnh cao. Về nguyên tắc, đây là lĩnh vực của những sự PHI THƯỜNG. Nhanh hơn, cao hơn, xa hơn, ở đây chỉ có chỗ cho sự hơn người. Tính cạnh tranh quyết liệt tạo nên tâm lý thi đấu thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ khi trở lại đời thường. Không phải vận động viên nào cũng dễ hòa nhập sau thời gian tham gia thi đấu.

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Nghĩ về Văn hóa trong Thể thao và Du lịch - Ảnh 3.

Ảnh minh họa/ Đăng Huy

Những năm thi đấu đỉnh cao thường là rất có hạn, nhưng lấy đi rất nhiều thể lực và ý chí của người tham gia thi đấu. Sức khỏe là vấn đề phổ biến phải lo lắng. Không biết có con số thống kê nào về thương tật và di hại chấn thương cũng như tuổi thọ của các vận động viên từng đoạt các huy chương ở các cuộc thi đấu lớn, những di chấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời?. Một chế độ lương thưởng cho người đang luyện tập, và hệ thống bảo hiểm suốt đời cho họ luôn là vấn đề nóng ở mọi bộ môn và ở nhiều địa phương. Lại còn nghề nghiệp để ổn định cuộc sống lâu dài cho các vận động viên khi kết thúc thời gian thi đấu. Nếu không làm tốt các chế độ chính sách cho những người tham gia thi đấu thể thao đỉnh cao, mà không phải ai cũng đều đạt đến đỉnh, tính nhân văn của hoạt động thể thao đã không đạt được, mà mặt trái của nó sẽ ảnh hưởng đến tính cách của cả một lớp người đông đảo ít nhiều đều có tài năng về một mặt nào đó.

Nhìn nền bóng đá nước nhà, với bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư và sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo công chúng, chúng ta thấy bên cạnh thành tích đáng tự hào đạt được trong vài năm gần đây (đội tuyển bóng đá Việt Nam lần đầu tiên lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022) thì bóng đá Việt Nam vẫn vướng phải những lùm xùm không đáng có của các lớp cầu thủ, ngoài hạn chế về thể lực và trình độ kỹ thuật chuyên môn, vẫn nổi bật vấn đề căn bản văn hóa và đạo đức của cả vận động viên và huấn luyện viên.

Về kinh phí, dù rất tốn kém, nhưng các nhà quản lý luôn tìm ra nguồn để đầu tư, và thực tế đã đầu tư rất hào phóng. Nhưng trong một thời gian ngắn, mọi kỷ lục luôn bị vượt qua, tai nạn nghề nghiệp thì càng đỉnh cao mật độ càng lớn, nếu không được đào tạo văn hóa cơ bản ngay khi con trẻ tuổi, liệu các vận động viên sau thời gian thi đấu đỉnh cao, trở lại đời sống bình thường có đủ điều kiện, bằng cấp, trình độ để tự xây dựng cuộc sống tốt đẹp, yên ấm cho gia đình mình khi chặng đường đời phía trước còn rất dài và gian khó?

Thể thao, một hoạt động mang tính nhân văn, nhằm đào luyện con người toàn diện, và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, nếu tổ chức không tốt, chạy theo thành tích nhất thời, luôn có nguy cơ mang lại những hậu quả trái ngược. Không ít vận động viên có thể lấy cuộc đời họ chứng minh cho nhận định này. Thể thao phong trào, để nâng cao thể lực, tính kỷ luật và cả tầm vóc cho toàn dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nên là một định hướng lâu dài và thường xuyên.

Hoạt động du lịch và thể thao, do thế, nếu không lấy văn hóa - nhân văn làm căn bản sẽ luôn có khả năng đi chệch hướng. Làm tiền bằng mọi giá, hay chạy theo thành tích, bất chấp số phận con người đã luôn được dư luận báo động. Nhưng để tránh khỏi nguy cơ đó, thì phải thường xuyên trở lại định hướng: Văn hóa soi đường cho Quốc dân đi. Trong thực tế, đã có hiện tượng, tư duy của du lịch và thể thao có nơi có lúc chi phối cả các hoạt động văn hóa.

Có một thực tế, hình như việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho văn hóa kém xa đầu tư cho thể thao. Như trên đã nói, các nhà thi đấu các loại hình thể thao được xây dựng hoành tráng và rộng khắp ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng mấy chục năm qua, ngay ở các thành phố lớn, việc xây một vài cơ sở biểu diễn và hoạt động cho nghệ thuật vẫn là của hiếm. Chưa nói đến hiệu quả hoạt động của các cơ sở đó.

Song điều đáng nói hơn chính là nhân lực trong các ngành văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật. Đây là lĩnh vực của những người có tài năng và năng khiếu, nên cần một chiến lược phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho họ hoạt động có hiệu quả. Về khâu này, như trên đã nói, thể thao đỉnh cao đã và đang làm việc này khá thành công. Các tài năng được phát hiện và đào tạo từ khi còn nhỏ tuổi. Việc học tập và tập huấn ở các trường và trung tâm tốt nhất của quốc tế là bình thường. Trong văn hóa điều này hình như còn quá ít. Một số tài năng trẻ đó đây đều đi du học bằng con đường tự túc.

Mấy suy nghĩ về những điểm khác nhau của văn hóa - thể thao - du lịch rất mong được trao đổi, để trong những năm tới, Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam có thêm sức tự vệ, thêm những tác phẩm và sản phẩm có thể là niềm tự hào của thời chúng ta đang sống, chứ không phải sống dựa vào vốn liếng của quá khứ, quyết không làm những kẻ ăn mày dĩ vãng.

NỔI BẬT TRANG CHỦ