• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Tại sao văn hóa chưa được quan tâm đúng mức?

Văn hoá 05/08/2021 21:27

(Tổ Quốc) - Thạc sĩ, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông hiện đang là Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã gửi đến báo Điện tử Tổ Quốc góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 do Bộ VHTTDL khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ, với một câu hỏi khá sắc sảo xoay quanh việc vì sao văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Chúng tôi xin đăng tải ý kiến của nghệ sĩ Trần Thị Thu Đông.

Dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 do Bộ VHTTDL khởi thảo, trình Thủ tướng Chính phủ đã được chuẩn bị chặt chẽ, thể hiện khá đầy đủ khi đề cập toàn diện và chi tiết từ quan điểm, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển và nhiệm vụ, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, khung pháp lý; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động văn hóa; bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và công nghệ về văn hóa, nghệ thuật đồng thời gắn liền với giải pháp tài chính...

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Tại sao văn hóa chưa được quan tâm đúng mức? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Tuy nhiên, tôi xin được đóng góp thêm về vấn đề đầu tư cho văn hóa:

Trong các báo cáo của Đảng, Quốc Hội, Chính phủ đều có đề cập đến lĩnh vực văn hóa. Báo cáo nhận định rằng: "Phát triển văn hóa, xây dựng con người chưa tương xứng với phát triển kinh tế".

Nếu tôi nhớ không nhầm, thì trong nhiều nhiệm kỳ gần đây đều có đánh giá tương tự như vậy. Do đó, phải chăng "không quan tâm đúng mức đối với văn hóa" đã trở thành căn bệnh "trầm kha" của chúng ta. Mà đã là căn bệnh trầm kha thì rất khó chữa.

Nhưng văn hóa có vai trò rất lớn đối với một quốc gia, cả lịch sử, hiện tại và tương lai. Nghị quyết Trung ương 9, khóa 11 về phát triển văn hóa, con người Việt Nam, cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vừa qua đã khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước", "Phát triển văn hóa phải tương xứng với phát triển kinh tế". Vậy tại sao văn hóa chưa được quan tâm đúng mức, chưa được lãnh đạo, chỉ đạo, phát triển tương xứng với kinh tế?

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, một trong những giải pháp mà Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh là về tài chính. Theo đó, ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá văn hóa nghệ thuật, thương hiệu văn hóa quốc gia, phát triển công nghiệp văn hóa…

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Tại sao văn hóa chưa được quan tâm đúng mức? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Minh Khánh)

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Tuy nhiên, trong khi tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, nhận thức về vị trí, vai trò của nhiều cấp, nhiều ngành, trong một bộ phận lãnh đạo chưa đúng trọng tâm; chưa nhận thấy rõ mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị; chưa quan tâm gắn phát triển kinh tế, phát triển các ngành, các lĩnh vực đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa; nhiều địa phương do chạy theo mục tiêu kinh tế, tăng trưởng nóng mà lãng quên, xem nhẹ vai trò của văn hóa, dẫn đến ít mặn mà, thiếu sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực văn hóa.

Để phát triển văn hóa, xây dựng con người tương xứng với phát triển kinh tế, thiết nghĩ Chính phủ và các cơ quan chức năng trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng về vấn đề này cần mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm (bốc thuốc) để căn bệnh này được chữa khỏi. Vì nếu văn hóa không được chú trọng ngang bằng kinh tế, thì kinh tế sẽ phát triển không bền vững, xã hội sẽ không ổn định, đến lúc nào đó sẽ bất ổn./.

NỔI BẬT TRANG CHỦ