• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hạ Long sẽ thành “thung lũng silicon” về du lịch?

Kinh tế 28/04/2017 10:04

(Tổ Quốc) -Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Trịnh Đăng Thanh đã chia sẻ như vậy tại buổi khởi động dự án nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp thị và kinh doanh cho các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Ninh sáng 27/4.

CNTT phải đi vào từng ngõ ngách thế giới, mang lại tăng trưởng cao cho du lịch

Theo bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, năm 2016, Quảng Ninh đón trên 8 triệu khách du lịch trong nước và 3 triệu khách quốc tế với cơ sở hạ tầng đang được chú trọng phát triển. Tỉnh cũng thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược.

Về cơ sở vật chất, Quảng Ninh có 5 khách sạn 5 sao, 15 khách sạn 4 sao, 13 khách sạn 3 sao và gần 140 khách sạn khác. Tại khu vực Hạ Long, có nhiều khách sạn mới đang xây dựng. Một điểm đặc thù của Quảng Ninh là có sản phẩm phòng ngủ trên trên vịnh Hạ Long với hơn 1.000 phòng.

Đóng góp vào thị trường du lịch sôi động của Quảng Ninh còn có hơn 60 đơn vị lữ hành quốc tế tới và nhiều hãng lữ hành lớn của Việt Nam thường xuyên đưa khách tới.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh.

Tuy nhiên, một trong những hoạt động mà các doanh nghiệp du lịch Quảng Ninh rất coi trọng là xúc tiến quảng bá du lịch, ứng dụng CNTT vào hoạt động kinh doanh còn đơn lẻ và Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng mong mỏi xây dựng một website để cho các doanh nghiệp du lịch kết nối, tương tác với khách hàng trên đó.

Cùng quan điểm với bà Nguyễn Thị Bảo, ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh đã đánh giá cao vai trò của CNTT trong quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh.

“Hiện tỉnh đang lập dự án TP thông minh tại Hạ Long. Từng doanh nghiệp du lịch tích hợp với CNTT để có thể đi vào chiều sâu, vào từng ngõ ngách của cuộc sống trên toàn thế giới mang lại tăng trưởng cao, chất lượng cho du lịch. Tôi mong Hạ Long có thể trở thành thung lũng silicon của Việt Nam về du lịch”- ông Trịnh Đăng Thanh cho hay.

Và tham vọng này của Quảng Ninh không phải là không có cơ sở.

Ông Trần Thành Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Chủ tịch Tập đoàn du thuyền Bhaya tại buổi khởi động đã chia sẻ về kinh nghiệm marketing các sản phẩm du lịch của mình dựa vào ứng dụng thương mại điện tử.

Tập đoàn du thuyền Bhaya tại Hạ Long có thể bán được 75 tỷ đồng/năm nhờ internet.

Theo đó, với 18 du thuyền và 180 phòng, các nhân viên của Bhaya đã đưa sản phẩm của mình lên internet để bán. Trong tổng doanh số bán và các dịch vụ kèm thêm của Bhaya là 250 tỷ đồng một năm thì riêng doanh thu từ internet chiếm khoảng 25%, tức hơn 75 tỷ/năm, tương đương gần 200 triệu đồng/ngày.

Đáng lưu ý, trong số đó có 70% là các khách tự đặt phòng và Bhaya cũng ưu tiên bán cho khách lạ để có thể bán các sản phẩm du lịch tiếp theo.

Thành lập một “chợ quê” trên mạng cho các doanh nghiệp Quảng Ninh

“Chúng tôi đang số hóa, để con người bớt phải động chạm. Riêng tại Hà Nội, Bhaya có một đội khoảng 10 người từ làm công nghệ, truyền thông xã hội, kỹ thuật viên viết code để thay đổi hàng ngày phục vụ khách hàng, nhân viên viết nội dung quảng bá…”- ông Trần Thành Nam cho hay.

Một điều đáng lưu ý nữa mà ông Trần Thành Nam chia sẻ, sự kết nối của các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ hiện nay hầu như không có sự kết nối. Doanh nghiệp đầu tư làm một website mà chưa có một sự kết nối các chuỗi giá trị.

Ông Trần Thành Nam: "Chợ quê" của Quảng Ninh phải cung cấp những sản phẩm du lịch mang tính bản địa, độc đáo.

“Chúng tôi phối hợp với Công ty công nghệ du lịch Bayo.vn để xây dựng một nội dung có thể gọi là “chợ quê” của Quảng Ninh với tên miền discoverhalong.com để quy hoạch lại các sản phẩm du lịch, chất lượng sản phẩm tốt với những sản phẩm độc đáo, mang tính bản địa cao, khách biệt hóa để đem lại lợi ích rõ ràng khi cạnh tranh trong chợ quê này” – ông Trần Thành Nam cho hay.

Về mặt công nghệ, discoverhalong.com đã sẵn sàng, các thiết kế tổng thể cho dự án đã thực hiện xong với hy vọng website sẽ mang lại doanh thu lớn, tiết kiệm và có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp du lịch lớn.

“Hiệp hội sẽ thành lập ban điều hành để vận hành website, các doanh nghiệp thành viên sẽ “trang trí” gian hàng, sau đó vào quảng bá để tháng 6 tới sẽ khai trương”- ông Trần Thành Nam cho hay.

Là đơn vị thực hiện công nghệ cho dự án này, ông Nguyễn Long An, CEO Bayo.vn cho biết thêm, với hơn 10 năm làm công nghệ du lịch, nếu làm một website thì ai cũng có thể làm được nhưng khả năng năng tự bán sản phẩm thường thấp, phụ thuộc nhiều vào các công ty tour, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA), thiếu kênh xây dựng thương hiệu, phụ thuộc nhiều vào TripAdvisor, kênh bán hàng cũng không đa dạng trong khi chi phí, hoa hồng cao.

Việc xây dựng thương hiệu và đặt dịch vụ trực tiếp sẽ giúp tăng doanh thu trực tiếp cho doanh nghiệp du lịch và địa phương. Mô hình này, theo ông Nguyễn Long An, có thể áp dụng tại nhiều doanh nghiệp du lịch tại các địa phương với chi phí là những quy đổi thành sản phẩm du lịch cho các thành viên của mạng xã hội chuyên về du lịch Bayo.vn.

“Chúng tôi sẽ trang bị miễn phí quyền sử dụng cho mỗi doanh nghiệp một công cụ số hóa sản phẩm để bán hàng trực tiếp. Từ đó sẽ tư vấn xây dựng kênh bán online trực tiếp; tự động hóa việc bán online, phát triển kênh bán kỹ thuật số hiện đại…”- ông Nguyễn Long An đưa ra giải pháp.

Song Đào

NỔI BẬT TRANG CHỦ