• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Các làng nghề là nguồn lực lớn để phát huy giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa

Thời sự 14/11/2023 16:58

(Tổ Quốc) - Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay trên địa bàn có 1.300 làng nghề và làng có nghề. Đây là nguồn lực lớn để vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.

Ngày 14/11, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị đánh giá công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2021-2025.

Có cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục dạy nghề tự chủ kinh phí

Theo Sở LĐTB&XH TP. Hà Nội, trên địa bàn hiện có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chia theo loại hình đơn vị, với 69 trường cao đẳng, 83 trường trung cấp, 48 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 134 doanh nghiệp, loại hình khác.

Trong giai đoạn 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Tthực hiện tuyển sinh đào tạo 474.393/445.000 lượt người và trung bình mỗi năm các cơ sở này thực hiện tuyển sinh, đào tạo 237.000 lượt người (đạt 103,04% chỉ tiêu đề ra và đạt 106,61% so với kế hoạch đề ra giai đoạn 2021 – 2022).

Hà Nội: Các làng nghề là nguồn lực lớn để phát huy giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị

Trong 10 tháng năm 2023, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP tuyển sinh đạt 220.800 người (đạt 96% kế hoạch tuyển sinh năm 2023, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100%.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 3.000 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng như: Tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; 1.705 doanh nghiệp tuyển dụng 397.901 học sinh, sinh viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp; 1.301 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo đối với 328.063 học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố triển khai hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này. Giai đoạn 2021 đến nay đã triển khai tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp cho gần 30.000 lượt lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong đó, đào tạo từ nguồn ngân sách Thành phố cho gần 2.000 lao động; đào tạo từ nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp có liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho hơn 18.000 lượt lao động.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những thuận lợi cũng như khó khăn, kiến nghị cho công tác tuyển sinh, đào tạo và phân luồng học sinh tham gia học cấp giáo dục nghề nghiệp; vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng phát triển trường chất lượng cao, nghề trọng điểm...

Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội Nguyễn Đức Dũng cho biết, hiện nay thiết bị đào tạo của trường quá cũ, lạc hậu và thiếu; cơ sở vật chất không đồng bộ; phải thuê đất để hoạt động… Từ đó, đề nghị Thành phố sớm có kế hoạch trang bị đồng bộ thiết bị đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu người học, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và theo kịp với xu hướng phát triển chung của thị trường lao động.

Đại biểu cũng đề nghị có cơ chế đặc thù cho các cơ sở giáo dục dạy nghề tự chủ kinh phí hoạt động thường xuyên trên địa bàn không phải thuê đất, mà được sử dụng đất như những đơn vị sự nghiệp công lập chưa (hoặc không) tự chủ…

Hà Nội: Các làng nghề là nguồn lực lớn để phát huy giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trịnh Thị Thu Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nêu ý kiến đề xuất tại Hội nghị

Còn TS. Trịnh Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho biết, do tuyển sinh cao đẳng chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nên số lượng các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường cao đẳng giảm theo từng năm. Ngân sách dành cho công tác tuyển sinh ngày càng hạn hẹp vì các trường tự chủ, học phí đến năm thứ 4 không được tăng.

Nhà trường thiếu các phần mềm, nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin đào tạo chuyên môn, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chủ trương đa dạng hóa hình thức đào tạo…

Từ đó, TS. Thu Hà đề nghị Thành phố quan tâm tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về học nghề, hướng nghiệp hiệu quả có sự tham gia trực tiếp của các trường nghề tại trường THPT. Đồng thời bố trí kinh phí cho các trường đầu tư xây dựng số hóa trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Có cơ chế vinh danh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp khi tham gia hỗ trợ, hợp tác với các trường. Các sở, ngành cung cấp, xây dựng định hướng giúp các trường làm tốt công tác đào tạo…

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội Phạm Thị Hường nêu, cơ sở vật chất của trường được xây dựng từ lâu, không được sửa chữa thường xuyên nên hiện tại đã xuống cấp. Vì vậy, đề nghị Thành phố phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi xây dựng cơ sở 2 của trường để triển khai kịp tiến độ theo phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng; tháo gỡ khó khăn về thủ tục để mua sắm trang thiết bị đối với nghề Cơ điện tử; tiếp tục bố trí kinh phí đầu tư bổ sung đối với 6 nghề trọng điểm của trường...

Sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong chia sẻ với những khó khăn mà các trường đang gặp phải, trong đó có tự chủ tài chính, công tác tuyển sinh… Tuy có khó khăn, công tác đào tạo nghề trên địa bàn vẫn có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục thời gian qua của TP mới chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông, trường Đại học Thủ đô, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Trong khi đó, giáo dục nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô dù được đầu tư nhưng chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Hà Nội: Các làng nghề là nguồn lực lớn để phát huy giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận hội nghị

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao các nhà trường trong chú trọng công tác thực hành chứ không "đào tạo chay", về sự phối hợp hiệu quả giữa các nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo nghề gắn với thị trường theo xu hướng chung của thế giới hiện nay.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các đơn vị liên quan phải phân luồng học sinh từ sớm, vì thế hệ thống trường nghề có vai trò quan trọng trong đào tạo nghề, bổ cập kiến thức nghề và đào tạo nghề ngắn hạn phục vụ nhu cầu của xã hội.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay trên địa bàn có 1.300 làng nghề và làng có nghề. Đây là nguồn lực lớn để vừa phát triển kinh tế-xã hội vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, các trường nghề cần có vai trò quan trọng hơn trong việc vừa đào tạo nghề vừa góp phần bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống của Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Phong cũng đề nghị UBND Thành phố sớm có quy hoạch mạng lưới các trường nghề theo đúng định hướng của TP giai đoạn 2030-2045. Trong đó, sớm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà trường khi thực hiện tự chủ tài chính; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo nghề chất lượng cao; xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ giảng viên tại các trường nghề.

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ