(Tổ Quốc) - Sau 2 năm học chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các cụm từ như: ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tin học hóa quá trình xử lý dữ liệu, dạy học trực tuyến, chuyển đổi số trong giáo dục không còn là điều gì mới mẻ. Có được kết quả này một phần là do ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GDĐT) đã thực hiện nhiều đề án, kế hoạch nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn Thành phố suốt những năm qua.
Giáo dục và Đào tạo thích ứng và thay đổi
Nhận thức được chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, ngay từ năm học 2016-2017, Sở GDĐT Hà Nội đã bắt đầu áp dụng tuyển sinh trực tuyến đối với các cấp học. Trong công tác quản lý giáo dục, từ năm học 2016-2017, Hà Nội áp dụng quy chế quản lý và sử dụng sổ điểm điện tử, quản lý kết quả học tập cho toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố. Đến nay, 100% số cơ sở giáo dục phổ thông đã triển khai sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm, học bạ. Hệ thống sổ liên lạc điện tử được triển khai hiệu quả, cập nhật hằng ngày để chuyển thông tin của học sinh đến phụ huynh thông qua kết nối điện thoại thông minh.
Năm học 2019-2020, Hà Nội áp dụng chương trình sách điện tử các môn các môn âm nhạc, thủ công, tin học, tiếng Anh; thí điểm chương trình trường học điện tử cho ba bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại 3 quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Long Biên. Hà Nội cũng triển khai hệ thống "Trường học kết nối" trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thông qua hệ thống này các học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tham gia các hoạt động chuyên môn về xây dựng các chuyên đề dạy học tích hợp, liên môn; Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Trong thời gian toàn xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (cuối năm 2019-2021), Hà Nội từng bước thực hiện dạy học trực tuyến, dạy học trực tuyến kết hợp với học qua hệ thống Hanoi Study, dạy học trên truyền hình…
Cũng trong thời gian này, việc kiểm tra, khảo sát chất lượng học tập của học sinh được Hà Nội triển khai. Tháng 5-6/2020, Sở GDĐT Hà Nội tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng học sinh cho 74.000 học sinh lớp 12 và 104.000 học sinh THCS bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Kết quả, trên 99,5% số học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công.
Các hình thức học tập trực tuyến đã thu hút học sinh các cấp tham gia, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học của GDĐT Thủ đô, đồng thời tạo ra động lực cho giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến mới.
Năm học 2021-2022, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn thành phố có 2.835 trường, 70.199 lớp, hơn 2,2 triệu học sinh; 138.090 giáo viên; 72.796 phòng học; 120 trường đại học, cao đẳng thuộc các Bộ, ngành trên địa bàn thành phố, với gần 1 triệu sinh viên, học viên.
Thành phố có 298 đơn vị đang có hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 192.590 học viên. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng CNTT, hạ tầng mạng... phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại.
Trường học tích cực thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục
Với lợi thế là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để áp dụng các thành tựu của KHKT và CNTT vào chuyển đổi số trong giáo dục. Là địa phương tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT Hà Nội cũng đạt được nhiều kết quả khả quan trong quá trình chuyển đổi số với mô hình xây dựng trường học trực tuyến như các trường học trên địa bàn quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm, huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng…
Tại quận Ba Đình, đầu năm học 2021-2022, Phòng GDĐT đã nghiệm thu đề tài "Xây dựng mô hình trường học trực tuyến mẫu" tại trường THCS Nguyễn Trãi. Từ đề tài này đã triển khai tới 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn Quận, hỗ trợ cho việc quản trị nhà trường trở nên khoa học, thuận lợi, dễ dàng hơn so với trước đó.
Thành công của mô hình này chính là hình thành một trường học trực tuyến mô phỏng trường học trực tiếp, trên đó triển khai đồng thời các hoạt động quản lý, tổ chức, giảng dạy, học tập… Các cán bộ quản lý, giáo viên có khả năng sử dụng các tiện ích của Google như: Mail, Chat, Meet, Google Classrooom… để hỗ trợ cho quá trình tổ chức các hoạt động dạy học. Tham gia chương trình, các học sinh được học tập với mô hình phòng học gần giống với lớp học thực tế với các tiết học, bài giảng, bài kiểm tra trực tuyến… việc kiểm tra, đánh giá cũng được thực hiện trên mô hình này. Bên cạnh chương trình học, các học sinh cũng được chính giáo viên tạo cơ hội giao lưu, học hỏi với các bạn học trên toàn thế giới, từ đó biết cách tiếp cận với các kiến thức hay và bổ ích, khai thác thông tin trên mạng Internet một cách thiết thực, hiệu quả.
Tại quận Hoàn Kiếm, với những nền tảng về cơ sở hạ tầng và kĩ năng tin học có được từ các năm học trước, ngành GDĐT Hoàn Kiếm tiếp tục đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong giáo dục. Năm học 2021-2022, thích ứng với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội, ngành GDĐT quận Hoàn Kiếm đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép vừa dạy học vừa phòng chống dịch. Các trường tích cực xây dựng và khai thác kho học liệu điện tử với những bài giảng hay, kinh nghiệm quý của từng nhà trường đến toàn cấp học. Bên cạnh đó, ngành GDĐT tích cực đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, gắn với việc đổi mới dạy học và công tác quản lý giáo dục. Kết quả là 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn và trên chuẩn; 93% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo quy định.
Trong năm học mới này, Hoàn Kiếm tiếp tục tăng cường giải pháp ứng dụng CNTT trong dạy học; thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường, thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa các trường trong quận; tiếp tục xây dựng mô hình trường học điện tử, trường học thông minh; phát triển và nâng cao chất lượng kho học liệu điện tử. Tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GDĐT kết nối với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và cơ sở dữ liệu chung của Thành phố.
Tại huyện Đan Phượng, trong năm học 2021-2022, các trường trên địa bàn huyện đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị hạ tầng công nghệ để từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của nhà trường. Hiện 100% các trường kết nối Internet; 100% trường tiểu học, THCS, 9/18 trường mầm non có phòng tin học; 93,3% phòng học được trang bị thiết bị CNTT hỗ trợ giảng dạy như máy vi tính, máy chiếu, màn hình LED...
Các nhà trường trên địa bàn huyện cũng đã triển khai, thực hiện các phần mềm của Sở GDĐT Hà Nội và UBND huyện Đan Phượng; 80% sổ sách trong các nhà trường đã được số hóa; các trường cũng xây dựng kho học liệu điện tử phục vụ cho quá trình dạy và học ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh… Việc ứng dụng công nghệ số đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Tại huyện Hoài Đức, Phòng GDĐT huyện chỉ đạo và hướng dẫn các trường học triển khai và ứng dụng tốt CNTT trong công tác quản lý và dạy học. Các nhà trường sử dụng, khai thác mạng Internet vào các hoạt động một cách hiệu quả, chất lượng. Các hoạt động như dạy học trực tuyến, tuyên truyền giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh, tổ chức cơ quan trực tuyến, kiểm tra định kỳ cuối năm học; họp cha mẹ học sinh... được ngành GDĐT đẩy mạnh triển khai trong các trường học trên địa bàn.
Các trường học trên địa bàn huyện cũng đã xây dựng kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng CNTT nhằm phục vụ thiết thực trong mọi hoạt động, 100% nhà trường đã có trang web riêng. Các giáo viên đã tích cực áp dụng CNTT vào giảng dạy. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo đục, tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, triển khai ứng dụng CNTT nhiều hơn nữa trong các hoạt động giáo dục của trường. Một số trường học trên địa bàn đã xây dựng được thư viện học liệu điện tử để giáo viên, học sinh khai thác như: bài giảng điện tử, tranh ảnh, clip minh họa bài học… hỗ trợ cho việc giảng dạy và học tập trong và sau thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh. Cũng trong năm học này, huyện sẽ tiếp tục ứng dụng CNTT vào trong công tác tuyển sinh đầu cấp, trẻ mầm non 5 tuổi, tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội.
Bình luận