• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Nhiều di tích chủ động phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại

Văn hoá 31/07/2020 10:51

(Tổ Quốc) - Nhiều di tích chủ động phòng, chống dịch Covid-19; Ra mắt điểm sinh hoạt văn hóa công nhân; Minh họa truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt là những thông tin văn hóa nổi bật tại Thủ đô Hà Nội.

Hà Nội: Nhiều di tích chủ động phòng, chống dịch Covid-19 bùng phát trở lại - Ảnh 1.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò tạm thời không phục vụ du khách có biểu hiện của bệnh hô hấp. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô

Nhiều di tích chủ động phòng, chống dịch Covid-19

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tái bùng phát trong cộng đồng ở một số tỉnh, thành trên cả nước, các di tích trên địa bàn TP Hà Nội đã chủ động tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch trở lại, bảo đảm an toàn cho khách tham quan và cán bộ, công nhân viên.

Theo đó, tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ngay tại cổng chính, Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn duy trì máy đo thân nhiệt và nước rửa tay diệt khuẩn phục vụ du khách tham quan. Tại đây, du khách được nhân viên hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Đặc biệt du khách được khuyến cáo luôn đeo khẩu trang khi vào thăm di tích.

Ngoài ra, tất cả các khu vực của di tích được vệ sinh và phun khử khuẩn thường xuyên để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách tham quan. Khu vực nhà vệ sinh liên tục được khử trùng bằng các loại thuốc sát khuẩn. Nhân viên nhà vệ sinh hàng ngày đều pha dung dịch sát khuẩn, tăng cường lau sàn nhà, lau sạch sẽ từ các nắm cửa ra vào, đến các hệ thống vòi, bồn rửa tay, gương soi, cửa sổ… đảm bảo nhà vệ sinh của di tích luôn sạch sẽ và thông thoáng.

Công tác truyền thông cũng được chú trọng nhằm tuyên truyền kịp thời tới du khách để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Pano phòng chống dịch bệnh được đặt tại các vị trí thuận lợi để du khách tìm hiểu thông tin.

Trong khi đó, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Ban quản lý di tích cũng chủ động thực hiện các công tác phòng chống dịch bệnh như: Thực hiện đo thân nhiệt và rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn đối với 100% khách tham quan hoặc đến liên hệ công tác trước khi vào di tích. 100% khách tham quan hoặc đến liên hệ công tác thực hiện khai báo thông tin cá nhân trước khi vào di tích. 100% cán bộ nhân viên đơn vị thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, phục vụ khách tham quan phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Đồng thời, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng thực hiện khử khuẩn các phòng trưng bày, lau dọn vệ sinh các bề mặt tiếp xúc bằng dung dịch Cloramin B để đảm bảo an toàn cho khách tham quan tối đa nhất.

Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã ra thông báo, trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay, để đảm bảo an toàn cho khách tham quan và cán bộ nhân viên đơn vị, Ban Quản lý xin phép không phục vụ các cá nhân có biểu hiện ốm sốt, có các triệu chứng của bệnh hô hấp và các bệnh lây nhiễm khác…

Trước đợt bùng phát trở lại của dịch Covid -19, mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, sử dụng dung dịch sát khuẩn; giữ khoảng cách 2m; tổ chức đo thân nhiệt tại nơi công cộng.

Tạm dừng tổ chức các Hội chợ, Hội nghị xúc tiến cung cầu, lễ hội, quán Bar… trên địa bàn thành phố theo đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 tại Thông báo số 262/TB-VPCP, ngày 29/7/2020.

Ra mắt điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Liên đoàn Lao động thị xã Sơn Tây vừa tổ chức lễ ra mắt điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty cổ phần K.I.P Việt Nam, chào mừng Đại hội Đảng bộ thị xã Sơn Tây lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020 – 2025 và kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 – 28/7/2020).

Công ty cổ phần K.I.P Việt Nam có trụ sở tại phố Hữu Nghị – phường Xuân Khanh, thị xã Sơn Tây. Hiện công ty có 387 lao động đang làm việc. Với mong muốn nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được Công ty cổ phần K.I.P Việt Nam đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó LĐLĐ TP Hà Nội hỗ trợ 50 triệu đồng.

Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân gồm các hạng mục như: Sân tập luyện thi đấu cầu lông, bóng chuyền; hội trường đa năng được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất như âm thanh, ánh sáng, bàn ghế, điều hòa, tủ sách.

Đây là địa điểm để cán bộ, công nhân Công ty cổ phần K.I.P Việt Nam tập luyện thể thao, giao lưu văn nghệ, vui chơi giải trí sau giờ làm việc, đồng thời là nơi Công đoàn công ty tổ chức các hoạt động tập thể dành cho công nhân, người lao động, tuyên truyền, tư vấn, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, người lao động.

Minh họa truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt

Viện Pháp tại Hà Nội – L'Espace sẽ tổ chức Hội thảo Minh họa 'Truyện Kiều' dưới cách nhìn minh triết Việt". Đây là hoạt động đặc biệt được tổ chức nhân kỉ niệm 200 năm ngày mất của danh nhân văn hóa thế giới – đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1765 – 1820).

Hội thảo có sự tham gia của các diễn giả: nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, nhà nghiên cứu Lê Nghị và họa sĩ – nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn. Hội thảo nhằm tiếp cận thông tin để giải đáp những thắc mắc và đưa những giả thuyết mới về những góc khuất trong lịch sử "Truyện Kiều", qua đó, mỗi người tự suy ngẫm về lịch sử và văn hóa dân tộc Việt.

Tại hội thảo, các diễn giả và các đại biểu sẽ cùng thảo luận về nhiều vấn đề quanh Truyện Kiều. Cụ thể, kiệt tác "Truyện Kiều" với 411 câu thơ sử dụng các con số. Đâu là ý nghĩa biểu đạt ước lệ của các con số đó?

Các diễn giả cũng khảo sát, phản biện và kiến nghị về quan điểm của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh khi bàn về việc "Nguyễn Du đã mượn cốt truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) để viết "Truyện Kiều""; luận bàn từ phát biểu của giáo sư Dương Quảng Hàm về danh tác "Đoạn trường tân thanh" trong Việt Nam văn học sử yếu (1943).

Ngoài ra, hội thảo còn tiếp cận các di lục Hán văn để thấy rõ Thanh Tâm Tài Tử và "Kim Vân Kiều truyện" (A953) là tác giả và tác phẩm của người Việt như nội dung văn bản "Thanh Tâm Tài Tử Cổ Kim Minh Lương Đề Tập Biên" của vua Minh Mạng; so sánh nội dung của cuốn A953 Thanh Tâm Tài Tử và cuốn "Kim Vân Kiều truyện" của Lý Chí Trung. Các diễn giả sẽ cùng người tham dự khảo sát, phản biện, kiến nghị về những chú giải lệch lạc về "Truyện Kiều" trong sách giáo khoa và các ấn bản.

Hội thảo còn có sự tham gia của nghệ sĩ đàn nguyệt Tạ Xuân Quỳnh, vũ công Phan Văn Chức, hỗ trợ cố vấn, biên tập nội dung nhà nghiên cứu Lại Quảng Nam và nhà Hán Nôm Lâm Thanh Sơn.

Hội thảo sẽ diễn ra vào 9h sáng thứ 7 ngày 1/8/2020 tại 24 Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ