(Tổ Quốc) - Đến nay, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tạo thuận lợi cho người dân tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hầu hết người dân nông thôn Hà Nội tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, với rất nhiều thành tựu đã đạt được qua 10 năm thực hiện Chương Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02 - CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, Hà Nội tiếp tục đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tìm khâu đột phá để đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày báo cáo tại hội nghị kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội , sáng ngày 21/9 - Ảnh Hà Nội mới.
Từ năm 2010 đến 2018, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp Hà Nội đạt 3,34%/năm; sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển dịch rõ nét.
Năm 2018, cơ cấu sản xuất ngành trồng trọt của toàn thành phố chiếm 41,24%, giảm 2,18% so với năm 2010; chăn nuôi chiếm 46,34%, tăng 0,38% so với năm 2010; thủy sản chiếm 8,02%, tăng 1,03% so với năm 2010; lâm nghiệp chiếm 0,28%, tăng 0,06% so với năm 2010; dịch vụ chiếm 4,12%, tăng 0,7% so với năm 2010.
Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 ước đạt 259 triệu đồng/ha, vượt trước 2 năm mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 126 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010 (133 triệu đồng/ha/năm).
Về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra là có 80% số xã hoàn thành đến 2020); có 3 xã Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có 10 xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 43 xã đạt và cơ bản đạt từ 15-18 tiêu chí, 8 xã đạt và cơ bản đạt từ 11-14 tiêu chí.
Tính đến thời điểm này, thành phố thực hiện dồn điền, đổi thửa được 79.454,3/75.980,1ha (đạt 104,6%), tạo thuận lợi cho người dân tổ chức sản xuất, giảm ngày công, tiết kiệm chi phí sản xuất. Hầu hết người dân nông thôn Hà Nội tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố.
Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% các huyện, các xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 60 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1%...
Thành phố dự kiến tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2015 là 89.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn lồng ghép của thành phố là 25.000 tỷ đồng; ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp 20.000 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện là 30.000 tỷ đồng, cấp xã 2.000 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách là 12.000 tỷ đồng./.