(Tổ Quốc) - Nhiều sáng kiến được đưa ra để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình 06/CTr-TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 06/Ctr-TU).
Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” có vai trò to lớn trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội khi xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị...
Phát triển từ nền tảng văn hóa
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình 06-CTr/TU đề ra 18 chỉ tiêu cụ thể thuộc 7 nhóm nội dung chuyên đề. Theo Thành ủy Hà Nội, đến quý I-2023 đã cơ bản hoàn thành, tiêu biểu như các nhóm chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; phát triển thể thao; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm…
Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 17 nghị quyết chuyên đề, trong đó điểm nổi bật, tạo nên sự đột phá, bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, con người chính là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó xác định mục tiêu mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.
2 năm qua (2021, 2022), thành phố Hà Nội đã chủ động tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm và chỉ đạo, giải quyết tốt các nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đột xuất, phát sinh trong Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy. Trong đó đã kế thừa và phát huy hiệu quả tinh thần đổi mới, vận dụng sáng tạo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng từ các nhiệm kỳ.
Bên cạnh việc tiếp tục xác định một chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã quyết định ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hướng đến việc định vị thương hiệu mới, mục tiêu mới cho thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, với nền tảng là văn hóa và sáng tạo.
Sau thời gian triển khai, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học, sự kiện văn hóa có chất lượng, sức lan tỏa cao như: hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội”; hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”…
Hà Nội tiếp tục ghi nhận những thành tựu trong giáo dục - đào tạo với việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chất lượng giáo dục được đẩy mạnh ở các cấp học, bậc học; khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, với 264 học sinh đoạt giải tại các kỳ thi quốc gia; giành 144 huy chương, giải thưởng quốc tế.
Ở lĩnh vực du lịch, thành phố vinh dự được đề cử và nhận giải thưởng: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới năm 2022 - World’s Leading City Break Destination 2022 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới trao tặng. Trong khi đó, ở nội dung giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, Hà Nội đã tổ chức và tham gia 50 sự kiện quy mô quốc tế tại thành phố cũng như nhiều tỉnh, thành khác…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề thực hiện Chương trình 06-CTr/TU đến nay vẫn còn 9 nội dung đang tiếp tục triển khai.
Khích lệ sáng tạo
Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai Chương trình, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Nhận thấy sự cần thiết về tái thiết không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo, trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Chương trình 06/CTr-TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đã linh hoạt, sáng tạo trong việc mở ra các không gian văn hóa gắn kết hài hòa với các hoạt động cộng đồng, đem lại nhiều kết quả tích cực. Có thể kể đến Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận - một trong những không gian đi bộ đầu tiên trên địa bàn Hà Nội; Phố sách trên phố 19-2, nơi nhanh chóng trở thành điểm hẹn của những người yêu sách, qua đó lan tỏa tình yêu sách cũng như thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; không gian bích họa tại phố Phùng Hưng với 19 bức họa khổ lớn kể câu chuyện văn hóa Hà Nội nối dài từ quá khứ tới hiện tại...
Một dự án khác là không gian nghệ thuật Phúc Tân ra đời năm 2020, cải tạo một khu vực bừa bộn rác trở thành nơi tận hưởng nghệ thuật và tìm lại lịch sử thành phố qua nghệ thuật…, qua đó mang đến những giá trị mới, tốt đẹp hơn cho cộng đồng, khích lệ sự tham gia chủ động, tích cực của người dân trong việc “cùng tham gia, cùng thụ hưởng”.
Từ những cách làm trên, để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Chương trình 06/CTr-TU đề ra trong thời gian tới, Hoàn Kiếm xác định tiếp tục rà soát hạ tầng phục vụ cho công nghiệp văn hóa, tái thiết đô thị thông qua các không gian sáng tạo, không gian văn hóa công cộng; khuyến khích tính sáng tạo trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, góp phần nâng cao tính ứng dụng của sản phẩm trong đời sống đương đại; tập trung nguồn lực cho bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản vật thể và phi vật thể ở khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và ngoài đê sông Hồng…
Bí thư Thành đoàn Hà Nội Chu Hồng Minh cho rằng, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử là nhiệm vụ cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm lan tỏa tình yêu, niềm tự hào cùng ý thức, trách nhiệm, tiếp nối giá trị di sản của các bậc tiền nhân trong thời đại mới. Với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ, nhiệm vụ này sẽ trở nên thuận lợi và mang lại kết quả ưu việt hơn rất nhiều, nhất là ở việc rút ngắn “khoảng cách” giữa điểm đến di sản với các thế hệ.
Chính vì vậy, ngay sau khi Ban Chỉ đạo Chương trình 06/Ctr-TU của Thành ủy ban hành Đề án mã hóa dữ liệu “địa chỉ đỏ” trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã rất tích cực tổ chức thực hiện nội dung này, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về đề án; triển khai nhiều mô hình, công trình thanh niên, hoạt động sáng tạo, như: Đội hình tuyên truyền văn hóa lịch sử, Đội hình hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội..., đến phối hợp với các đơn vị triển khai cải tạo, chỉnh trang, điểm quét mã QR tại các công trình tiêu biểu; chỉ đạo, hướng dẫn các cấp bộ Đoàn thực hiện mã hóa dữ liệu di tích lịch sử, di tích cách mạng kháng chiến trên địa bàn, thu về sự hưởng ứng tích cực của nhiều đơn vị, tiêu biểu như các quận đoàn: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thị đoàn Sơn Tây hay huyện đoàn: Thanh Trì, Phúc Thọ…
Trong thời gian tới, Thành đoàn Hà Nội sẽ đưa vào vận hành “Bản đồ số” tích hợp hệ thống tư liệu và mã QR của các “địa chỉ đỏ” đã được triển khai ở các địa phương, đơn vị, tạo ra một nền tảng truy cập thông tin tương tác đa chiều, đáp ứng cả phần nghe và phần nhìn, phục vụ nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu thông tin đa dạng và sâu sắc hơn về di sản. Đoàn Thanh niên thành phố kỳ vọng đây sẽ là mô hình không chỉ tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, mà còn thể hiện tính tiên phong đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh; thể hiện vai trò của thanh niên tham gia “phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”./.