• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội: Quyết tâm bảo đảm nguồn lực để thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia

Giáo dục 18/10/2023 21:01

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường học công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia luôn được Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố Hà Nội cũng như các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tại Phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của Thành phố Hà Nội do Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức ngày 17/10, trước những vấn đề về thực trạng trường học tại Hà Nội mà đại biểu tham gia phiên họp đề nghị giải đáp như, về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia tại Hà Nội đến năm 2025 đạt từ 80-85%; tới nay, 8 quận nội thành Hà Nội còn thiếu 49 trường học, hiện có 463 trường học các cấp vượt chỉ tiêu về sĩ số, nhất là ở khối tiểu học và THCS; 28/30 quận, huyện đều có trường tiểu học vượt 35 học sinh/lớp. Quận Hai Bà Trưng theo diện tích cần có 6-10 trường THPT công lập nhưng hiện tại mới có 3 trường; quận Hoàn Kiếm theo diện tích cần có 4-7 trường THPT công lập nhưng mới có 2 trường… việc thiếu trường lớp gây áp lực cho ngành giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (GDĐT) Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40-50.000 học sinh nên đòi hỏi lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.

Hà Nội cũng đang nỗ lực để thực hiện nâng trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia, trong năm 2022 đã công nhận được trên 145 trường, năm 2023, có 130 trường cần công nhận mới đạt chuẩn quốc gia, đến thời điểm này mới công nhận 16 trường… Để đến năm 2025 đạt từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2023-2025, toàn Hà Nội phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường. Về chỉ tiêu học sinh tiểu học là 35 học sinh/lớp, cấp THPT là 45 học sinh/lớp, Giám đốc Sở GDĐT cho biết tiêu chí này đúng là khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

Ông Trần Thế Cương cũng cho hay, "trong kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, Hà Nội có 116.000 học sinh thi vào lớp 10, chúng tôi cộng lại tất cả các trường là 138.600 chỗ đến từ 118 trường công lập, 106 trường tư thục, 50 trường đào tạo nghề, 29 trung tâm giáo dục thường xuyên", từ đó, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội nhận định, "chỗ học vẫn dư, chỉ có điều là thừa thiếu cục bộ, ở một số quận nội thành cốt lõi học sinh rất đông, còn ngược lại ở một số huyện ngoại thành, có nơi học sinh lại không đủ trong 1 lớp".

Hà Nội: Quyết tâm bảo đảm nguồn lực để thực hiện chỉ tiêu đến năm 2025 từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia - Ảnh 1.

Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025 đạt từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, trong những năm gần đây, Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của Thành phố. Tuy nhiên, với đặc điểm quy mô trường, lớp, học sinh lớn nhất cả nước, hàng năm tăng khoảng 50-60.000 học sinh tương đương cần thêm 30-40 trường học, đòi hỏi Thành phố phải tập trung mọi nguồn lực để đáp ứng được trường học cho học sinh.

Với chỉ tiêu đến 2025 có 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, đến nay Thành phố đã thực hiện được 72,7% trường đạt chuẩn. Nội dung này Thành phố đã có nhiều kế hoạch triển khai; các quận, huyện đã rà soát cho giai đoạn 2023-2025 và đăng ký về tính khả thi, quyết tâm bảo đảm nguồn lực để thực hiện chỉ tiêu này.

Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà nhấn mạnh, sau phiên giải trình, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thành ủy và tập trung chỉ đạo thực hiện ngay các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, Thành phố sẽ rà soát các quy hoạch hiện có liên quan đến giáo dục để cập nhật thống nhất, đề xuất điều chỉnh bổ sung những nội dung của Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 về Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và cập nhật vào đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng sẽ chỉ đạo rà soát, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư thực hiện xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia đảm bảo hiệu quả đầu tư. Huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư xây dựng trường học nhằm giảm áp lực cho hệ thống trường công lập, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em nhân dân trên địa bàn. Theo dõi, giám sát, đôn đốc tình hình tiến độ thực hiện dự án đối với xã hội hóa giáo dục của các chủ đầu tư, xử lý nghiêm đối với các đơn vị chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư.

Tại phiên họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, không khí phiên họp diễn ra sôi nổi, nghiêm túc, thực chất, xây dựng và hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, qua phiên giải trình có thể thấy, trong những năm qua, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó đặc biệt là việc đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường học công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia luôn được Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố cũng như các cấp, các ngành quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp và công nhận đạt chuẩn đối với các trường mầm non, trường phổ thông công lập trên địa bàn Thành phố còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc, tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

Để khắc phục tình trạng này, Thường trực HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố tập trung rà soát tổng thể, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, trong đó phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, lộ trình, giải pháp thực hiện. Hoàn thành kế hoạch trong tháng 11/2023, báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp thứ 14 vào đầu tháng 12/2023.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã rà soát, cập nhật, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng trường học, đặc biệt là trường công lập đảm bảo đạt chuẩn quốc gia. Rà soát, thu hồi quyết định và bằng công nhận trường chuẩn quốc gia đối với các trường không giữ được các tiêu chuẩn đã công nhận, xác định tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia một cách khách quan, thực chất. Bổ sung chỉ tiêu công nhận lại trường công lập đạt chuẩn quốc gia vào kế hoạch hằng năm.

Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng trường học công lập theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND của HĐND Thành phố, đặc biệt là các dự án xây mới để sớm khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp. Kịp thời chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn; ưu tiên cân đối, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các quận, huyện còn nhiều khó khăn, tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp so với bình quân chung của Thành phố.

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư. Yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương, nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trường học trên địa bàn Thành phố. Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiên quyết thu hồi để giao UBND quận, huyện, thị xã lập dự án xây dựng trường học công lập.

Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội đô, dành quỹ đất để xây dựng hạ tầng xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng các trường học phục vụ nhu cầu học tập của Nhân dân.

Các vướng mắc, khó khăn UBND Thành phố tập trung chỉ đạo tháo gỡ hiệu quả, lưu ý những việc khó khăn vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất để tháo gỡ có hiệu quả…

Phương Anh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ