• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội sẽ phát triển các trục không gian văn hoá dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng

Thời sự 08/11/2022 15:33

(Tổ Quốc) - Hà Nội sẽ phát triển các trục không gian văn hoá dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô.

Sáng 8/11, tại Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có bài giảng với chuyên đề "Tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thành phố giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới - Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn" tại lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030.

Tham dự lớp học có 96 học viên là cán bộ chủ chốt các cơ quan TP. Hà Nội được phê duyệt quy hoạch nguồn BCH Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2025-2030.

Nà Nội sẽ phát triển các trục không gian văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh giảng bài tại lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, thời gian qua, với tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo, tranh thủ thuận lợi, thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức cùng những giải pháp sáng tạo, quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Trong đó, kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng xanh, bền vững; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh tăng cao. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khá cao và cao hơn mức tăng của cả nước; 9 tháng năm 2022 đạt 9,69%, cao nhất trong những năm gần đây.

Năm 2021, quy mô GRDP năm 2021 đạt 1,067 triệu tỷ đồng, chiếm 65,4% quy mô GRDP vùng đồng bằng sông Hồng và 17,7% giá trị tổng sản phẩm (GDP) bình quân cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 128,2 triệu đồng, gấp 1,4 lần bình quân cả nước. Năng suất lao động đạt 252,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,29 lần bình quân cả nước (110,4 triệu đồng/người). Tốc độ tăng năng suất trung bình giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,79%.

Vốn đầu tư nước ngoài lũy kế giai đoạn 2016-2020 đã thu hút mới 3.113 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 26,5 tỷ USD (gấp 4,2 lần giai đoạn 2011-2015). Năm 2019 đạt 8,67 tỷ USD, cao nhất sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập. Năm 2021 đạt 1,524 tỷ USD. Chín tháng đầu năm 2022 thu hút đạt 1,02 tỷ USD (tăng 18%).

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán, cơ cấu thu chuyển dịch tích cực, bền vững, đảm bảo cân đối thu, chi góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô. Lũy kế giai đoạn 2016-2020 đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng (gấp 1,64 lần giai đoạn 2011-2015), tăng trung bình 11,1%/năm. Năm 2021, tổng thu đạt 267.232 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán Trung ương giao. Trong 9 tháng năm 2022, thu ngân sách thực hiện trên 243.910 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ rõ, Hà Nội sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, trước mắt là tập trung vào triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 của Thành ủy.

Trong đó, có 96 nhiệm vụ được phân theo hướng rõ các nội dung chương trình, đề án, dự án, rõ thời gian và cơ quan chủ trì thực hiện. Đồng thời, Thành phố tập trung thực hiện tốt 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội đã xác định.

Nhằm phát huy giá trị văn hóa, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, Hà Nội sẽ phát triển các trục không gian văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng, trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa nhằm tổ chức các không gian lễ hội văn hóa, các sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô.

Nà Nội sẽ phát triển các trục không gian văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam Sông Hồng - Ảnh 2.

Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030.

Hà Nội cũng ưu tiên các nguồn lực thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực cơ bản. Trong đó, về phát triển kinh tế, tập trung phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, đất đai, khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên theo cơ chế thị trường để thúc đẩy kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững. Quản lý, kiểm soát hiệu quả giá đất và nhà ở, bảo đảm phát triển thị trường bất động sản lành mạnh. Khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài sản công, hạ tầng đô thị…

Thành phố cũng sẽ tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN cùng với phát triển mạnh các dịch vụ số; Hoàn thành số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung về dân cư, đất đai, tài sản công… Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan của hệ thống chính trị .

Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế; tăng cường xã hội hóa đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Quyết liệt thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần xếp hạng PCI, bãi bỏ các rào cản, tập trung vào việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, vốn đầu tư... Qua đó, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp phát triển theo quy định của pháp luật; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và nâng cao hiệu quả quản lý kết cấu hạ tầng; khuyến khích sử dụng vốn từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ