(Tổ Quốc) - Từ ngày 1/5, Hà Nội bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND của HĐND thành phố Hà Nội. Theo đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn.
Dân mong giá tăng chất lượng cũng phải tăng
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các bệnh nhân đã biết đến việc tăng giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi hỏi về việc tăng giá dịch vụ y tế có ảnh hưởng quá nhiều đến người bệnh hay không, chúng tôi lại nhận được khá nhiều câu trả lời trong đó chủ yếu là băn khoăn từ phía những người không có bảo hiểm y tế.
Tăng giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng nhiều đến người có bảo hiểm y tế.
Bà Nguyễn Thị Vân (Quận Long Biên, Hà Nội) do lao động quá sức, mệt mỏi được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm khám. Các bác sĩ nhận định bà phải nằm theo dõi thêm vài ngày thì mới có thể hồi phục được. Tuy nhiên, do không có bảo hiểm y tế nên bà chỉ xin bác sĩ kê đơn thuốc rồi về nhà nằm nghỉ vì gia đình không thể chi trả nổi chi phí điều trị lên đến cả chục triệu đồng.
Là một bệnh nhân thường hay đến khám tại Bệnh viện Xanh Pôn, ông Hà Huy Thái (Quận Hoàn Kiếm) bày tỏ quan điểm, đời sống của người dân thành phố ngày càng cao hơn thì việc tăng giá dịch vụ y tế cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, việc tăng giá dịch vụ thì cũng phải đi đôi với chất lượng khám chữa bệnh chứ không thể tăng giá mà chất lượng vẫn như cũ được.
May mắn hơn ông Thái và bà Vân, anh Nguyễn Viết Sơn (Quận Hà Đông) nhờ có bảo hiểm y tế mà đỡ được phần nào gánh nặng trong vụ tai nạn giao thông vừa qua. Anh Sơn chia sẻ: "Cũng may cho tôi là có bảo hiểm y tế mà đợt nằm viện vừa rồi giảm được rất nhiều chi phí. Giờ có tăng giá dịch vụ y tế thì cũng không lo lắm vì lỡ có ốm đau, bệnh tật phải nằm viện thì cũng được phía bảo hiệm họ chi trả cho gần hết".
Điều chỉnh giá sẽ tác động đến ý thức tham gia bảo hiểm y tế của người dân
Theo quyết định mà Sở Y tế vừa ban hành, danh mục, giá các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc quỹ bảo hiểm y tế chi trả gồm 10 dịch vụ khám chữa bệnh, 6 dịch vụ ngày giường, 1.937 các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm áp dụng cho các hạng bệnh viện. Giá dịch vụ tối đa gồm chi phí trực tiếp và tiền lương để đảm bảo cho việc khám bệnh, chăm sóc, điều trị cho người bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.
Trong số gần 2.000 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá lần này ở Hà Nội, có một số giảm, phần lớn tăng. Cụ thể, giá giường nằm điều trị tính theo ngày hồi sức tích cực của bệnh viện hạng I (như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang...), từ 632.000 đồng tăng lên 678.000 đồng. Giá ngày giường hồi sức cấp cứu từ 336.000 đồng tăng lên 411.000 đồng.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, việc tăng giá các dịch vụ y tế là do mức lương cơ sở hiện đã điều chỉnh lên 1,39 triệu đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng vừa ban hành Thông tư 37 kèm theo mức tối đa của khoảng 1.937 dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước.
Mức giá mới áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước thuộc thành phố Hà Nội, gồm bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thành phố, trung tâm chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh, trạm y tế xã/phường/thị trấn.
Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chỉ tác động đến người chưa tham gia bảo hiểm y tế. Bởi, gần 87% dân số Hà Nội hiện nay đã tham gia bảo hiểm y tế, số còn lại có mức sống ổn định, thuộc nhóm tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. "Việc tăng giá dịch vụ y tế lần này phù hợp với quy định chung, nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, việc điều chỉnh giá sẽ tác động đến ý thức tham gia bảo hiểm y tế của người dân" – ông Hiền nói.