Hà Nội: Tìm giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài để trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn
(Tổ Quốc) - Hà Nội có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư, trở thành một trong những khu vực trọng tâm phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Tuy nhiên Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn
Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp cùng các cơ quan liên quan đã tổ chức chuỗi sự kiện "Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024", trong đó đang chú ý có buổi Tọa đàm ''Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội''. Vấn đề đặt ra là với vị trí chiến lược, tiềm năng phát triển vượt trội, sự hỗ trợ từ chính quyền Thành phố và sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp FDI đã và đang tạo nên làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội. Tuy nhiên, Hà Nội cũng phải đối mặt nhiều thách thức không nhỏ.
Nhận định công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay, theo ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc HPA, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Và Hà Nội- với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù- đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
Thời gian qua, TP. Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, để các nhà đầu tư thành công và phát triển bền vững. Mới đây nhất, Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 vừa được Quốc hội thông qua đã xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.
6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã thu hút 1,165 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó đăng ký cấp mới 120 dự án với số vốn 1,036 tỷ USD; bổ sung tăng vốn đầu tư 78 dự án, với 55 triệu USD; 104 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 74 triệu USD.
Để thu hút công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, theo đánh giá của GS. TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Hà Nội có nhiều lợi thế, là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam; nhiều trường Đại học hàng đầu, đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng. Vì vậy, Hà Nội cần nâng cao hơn nữa việc sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành Trung ương, các Viện khoa học, trường Đại học trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn để góp phần tăng FDI cho Thủ đô.
Để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, GS. TSKH. Nguyễn Mại kiến nghị, Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư không chỉ tập trung vào công nghiệp bán dẫn mà còn khuyến khích các công nghệ tương lai như AI, Blockchain, Fintech, dịch vụ hiện đại, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với công nghiệp bán dẫn.
GS. TSKH Nguyễn Mại cũng đề cập đến vấn đề khắc phục các điểm nghẽn. Theo đó, ngoài vấn đề năng lượng, còn có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của đô thị. Không chỉ có giao thông, quan trọng là cần tập trung vào việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, đảm bảo quá trình này theo hướng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số. Đồng thời tiếp cận tư duy và hành động đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền Thủ đô với các bộ, ngành trung ương, viện khoa học và trường đại học.
Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn phân bố không đồng đều, không quốc gia, khu vực nào có toàn bộ dây chuyền sản xuất. Việt Nam tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu với tư cách nhà sản xuất lắp ráp và kiểm định mới nổi. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thiết bị bán dẫn đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 3,8% kim ngạch xuất khẩu thế giới, top 3 châu Á về xuất khẩu chất bán dẫn sang Mỹ. Cơ hội để chuyển sang công nghiệp bán dẫn là cơ hội lớn nhất nhưng cũng là thách thức lớn. Để thành công trong ngành công nghiệp bán dẫn, cần có các giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển ở lĩnh vực này.
"Quan trọng hơn cả, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước cần mở rộng các chương trình tăng cường nội lực, năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia", ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Thời gian qua, Hà Nội là nơi tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tới thăm Việt Nam như Nvidia, Apple, SpaceX… Hơn nữa, Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách để đầu tư vốn vào các doanh nghiệp công nghệ cao. Các dự án phù hợp có thể nhận được ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, ưu tiên và thủ tục hải quan… Tuy nhiên, công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội đang gặp những thách thức. Hà Nội hiện mới chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội chỉ chiếm 8%. Nguyên nhân là do việc tiếp cận tư duy, hành động đổi mới sáng tạo vẫn còn diễn ra tương đối chậm. Thêm vào đó là chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền thủ đô với các bộ, ngành trung ương với các viện khoa học, trường đại học.
Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng, đồng thời có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi; cần lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước, nhất là nơi có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và bán dẫn nói riêng.
Còn TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA đề xuất nên xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với quy mô thành phố thông minh. Cụ thể, thủ đô cần có các đề án quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội có nội dung thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.
Cùng với đó, để trở thành thành phố thông minh Hà Nội nên xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Đồng thời, tất cả các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp – thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa.
Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, TP. Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp số theo phương châm "Chính quyền đồng hành-Doanh nghiệp hiến kế-Kinh tế phát triển". Thành phố sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh ghiên cứu khoa học công nghệ, tạo lập thị trường. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, vi mạch bán dẫn,...).
Đồng thời, thúc đẩy phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực; ưu tiên trong việc lựa chọn thử nghiệm, đầu tư, thuê, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, tổ chức các hoạt động, sự kiện kết nối; hợp tác nghiên cứu, đào tạo về công nghệ số với các trường đại học, cao đẳng, các trường tiểu học và phổ thông thuộc Thành phố; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, phát triển mô hình Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin đổi mới sáng tạo TP. Hà Nội…
Từ ngày 29 đến 31/7, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội 2024 đã thu hút sự tham gia của khoảng 60 gian hàng trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội 2024.
Với quy mô gần 2.500 m2 với khoảng 60 gian hàng trong Triển lãm, các đơn vị thuộc hệ sinh thái bán dẫn, công nghệ cao trưng bày sản phẩm, giải pháp công nghệ, kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương, hợp tác kinh doanh. Thông qua Triển lãm, UBND thành phố Hà Nội mong muốn quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiêu biểu, kết nối doanh nghiệp trong hệ sinh thái bán dẫn của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Từ đó đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, trao đổi học tập kinh nghiệm và tìm kiếm, mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh thời gian tới.
Bình luận