(Tổ Quốc) - Vài năm trở lại đây, người Hà Nội lại có mối quan tâm tới xe đạp hơn so với giai đoạn trước. Có lẽ họ đã nhận ra sự phát triển quá nhanh của xe máy đã khiến nhu cầu "sống chậm" của nhiều người dần mất đi.
Xe đạp và nét đẹp Hà Nội
Xe đạp ở Hà Nội dù có lúc thăng, lúc trầm nhưng phương tiện này chưa bao giờ mất đi, nó vẫn là một dòng chảy liền mạch trong tiềm thức cũng như đời sống của người dân Thủ đô. Đó là sự hiện diện của những chiếc xe đạp cũ chầm chậm chở những mùa hoa rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Có đôi khi người ta bị cuốn theo dòng chảy của công việc và thời gian nhìn những chiếc xe chở hoa trên phố mới nhận ra đã sang mùa, đã có hoa này nở, để ai đó bỗng thấy lòng dịu lại và mơ xa xôi về những mùa cũ đã đi qua. Có nhiều người từng nói, những chiếc xe chở hoa ở Hà Nội thật bình dị, rất gần gũi, quen thuộc và dường như là một phần không thể thiếu của Hà Nội. Nếu một ngày, vì lý do nào đó những chiếc xe đạp chở hoa không còn xuất hiện ở phố phường thì Hà Nội sẽ như mất đi phần nào sự trầm lắng, giản dị.
Cũng ở một dòng chảy lặng lẽ khác của những chiếc xe đạp cũ kỹ là dòng người lao động với bộ quần áo bạc màu từ ngoại thành đổ về nội đô. Họ thường đi từ sáng sớm và về lúc chiều muộn. Cứ hết ngày hết tháng hết năm dòng người này vẫn cần mẫn âm thầm di chuyển trên những chiếc xe đạp "nồi đồng cối đá" mà nếu không quan sát thì khó mà biết được. Nhìn thấy họ để thấy vẫn còn đó những mảnh đời lam lũ quanh ta, cần phải trân trọng hơn những gì đang có. Và những giọt mồ hôi dù có ướt đẫm vai áo nhưng nét mặt rạng ngời, hối hả đạp nhanh về với tổ ấm của mình thấy yêu hơn nét đẹp bình dị, giản đơn của người lao động.
Trên những con đường Hà Nội, nhiều người còn có thể bắt gặp một vẻ đẹp khác của xe đạp bên các cô, các chị công nhân vệ sinh môi trường. Thay vì phải khó nhọc đẩy những xe rác rất nặng gia cố chất chồng lên hoặc đi bộ từng dãy phố để quét lá rụng thì mấy năm gần đây họ được trang bị bằng đạp xe, có thùng rác đằng sau để đựng lá rụng. Có những người yêu mùa lá rụng Hà Nội, mỗi khi một cơn gió ào qua, lá trên cây rụng xuống, lá dưới mặt đường như bị hất tung lên như một đàn cá vàng lao lên mặt đường. Có những lá cứ chơi vơi, lơ lửng mãi như luyến tiếc điều gì rồi mới chịu nằm yên dưới đường tạo nên một khung cảnh nên thơ cho Hà Nội. Thế nhưng họ không biết đằng sau mỗi mùa lá rụng như thế là sự vất vả của công nhân vệ sinh môi trường. Cùng với chiếc xe đạp nhẹ nhàng bên thùng rác nho nhỏ phía sau của các chị, hẳn nhiều người sẽ thấy đỡ áy náy vì mùa lá rụng ở Hà Nội hơn. Cuộc sống bình dị nhẹ nhàng cứ thế trôi đi, như lá xanh hết vòng đời thì rớt xuống, như mỗi người nhỏ bé trong xã hội đều làm việc của mình, đóng góp thầm lặng mà làm nên cuộc sống.
Sống chậm bằng xe đạp
Ở ngoại thành tỉ lệ người đi xe đạp luôn nhiều hơn ở nội thành. Xe đạp ở ngoại thành vẫn là phương tiện của các bà, các mẹ đi chợ, của các em học sinh cấp 1, cấp 2. Thế nhưng, điều đáng mừng là vài năm trở lại đây, người Hà Nội lại có mối quan tâm tới xe đạp hơn so với giai đoạn trước. Có lẽ họ đã nhận ra sự phát triển quá nhanh của xe máy đã khiến nhu cầu "sống chậm" của nhiều người bị mất đi. Vì thế xe đạp lại có đời sống riêng của mình trong lòng một Hà Nội hiện đại của hôm nay. Đó là những chiếc xe đạp cổ được sưu tầm, tìm kiếm, phục hồi cho thú chơi của người Hà Nội. Những người có cùng niềm đam mê xe đạp cổ lại cùng nhau hình thành các nhóm, các câu lạc bộ để cùng chia sẻ, tìm về các giá trị xưa cũ và đương đại. Xe đạp đối với những người yêu mến không chỉ có giá trị vật chất mà còn có giá trị tinh thần chứa đựng đầy ắp ký ức một thời.
Bên cạnh xe đạp cổ thì xe đạp thể thao cũng được nhiều người sử dụng. Từ người già, trung niên, thanh niên cũng lựa chọn xe đạp để đồng hành trong việc bảo vệ sức khỏe. Xe đạp thể thao có rất nhiều loại, từ cao cấp, tới bình dân với đủ kích cỡ, màu sắc xuất hiện mỗi lúc sáng sớm hoặc chiều tối làm cho Hà Nội bình yên hơn, đỡ ồn ào hơn và đẹp hơn. Đại dịch Covid-19 đã và đang hoành hành khắp nhiều nơi, nhiều nước. Một lần nữa vấn đề bảo vệ sức khỏe của riêng mỗi người, bảo vệ môi trường môi trường sống chung lại được nhiều người đặt ra và suy nghĩ nhiều hơn. Nếu không tự bảo vệ sức khỏe và môi trường thì nguy cơ về dịch bệnh, thiên tai luôn có cơ hội bùng phát. Bởi vậy sống chậm hơn, trân quý sức khỏe và môi trường sống cần phải được thực hiện ngay bằng những việc hàng ngày mà ai cũng có thể làm được bắt đầu từ chiếc xe đạp nhỏ bé.
Hiện nay Hà Nội có một con đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp dài 4km cạnh sông Tô Lịch đoạn qua đường Láng. Nhưng dường như hiệu quả của con đường chưa được như kỳ vọng bởi nhiều yếu tố, như xe máy lấn chiếm, môi trường xung quanh chưa phù hợp... Vì vậy nhiều người kỳ vọng Hà Nội sẽ có nhiều con đường dành riêng cho xe đạp phù hợp hơn. Nếu có được những con đường này, chắc chắn người yêu xe đạp cũng như tình yêu xe đạp cũng sẽ nhân lên, trở thành nét đẹp văn hóa của một đô thị văn minh như Hà Nội.
Ở một số nước phát triển, bên cạnh nhiều phương tiện hiện đại vượt bậc của ô tô, tàu tốc hành, tàu ngầm... thì xe đạp chưa bao giờ mất đi vị thế vốn có. Xe đạp còn trở thành một trong những phương tiện tham gia du lịch, phục vụ giao thông công cộng. Tôi cũng mơ ước Hà Nội có những điểm xe đạp công cộng để người dân dễ dàng thuê hoặc mượn để đi cho quãng đường không quá dài. Hoặc xa hơn là có phố đi xe đạp. Thậm chí với những công sở nên khuyến khích nhân viên thay bằng đi xe máy thì hãy đi làm bằng xe đạp nếu quãng đường từ nhà đến nơi làm việc dưới 5 cây số. Như vậy họ sẽ vừa cải thiện được sức khỏe, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiền xăng cũng như chi phí đầu tư ban đầu, bởi để mua xe máy chi phí thường cao hơn xe đạp - chị Lê Thị Kiều (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Thỉnh thoảng đọc tin tức về những chỉ số ô nhiễm môi trường của Hà Nội thấy rất chạnh lòng. Tôi mong muốn môi trường sống của Thủ đô ngày một xanh, sạch hơn. Và một trong những giải pháp có thể làm được ngay là khuyến khích, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân đi xe đạp nhiều hơn - bác Phạm Thị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ.
Thời nào cũng có câu chuyện của thời đó, khi được hỏi những người từng sống ở Hà Nội thời bao cấp có muốn quay trở lại thời xe đạp thịnh vượng ít khói bụi và ồn ã không, thì họ đều lắc đầu. Đời sống xã hội ngày một phát triển, Hà Nội cũng phải bắt kịp với sự phát triển đó. Nhưng một sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế, môi trường luôn là niềm mong mỏi của những người đã và đang sống cũng như yêu mến mảnh đất nghìn năm văn hiến. Bởi đó là cơ sở để tạo cho Hà Nội những giá trị vật chất và tinh thần đi cùng năm tháng.