• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển dựa vào văn hóa, tài nguyên trí tuệ

Thời sự 27/01/2021 12:04

(Tổ Quốc) - Tại phiên thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng sáng nay, (27/1), Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đã trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.

Hà Nội xây dựng chiến lược phát triển dựa vào văn hóa, tài nguyên trí tuệ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Phong Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tham luận tại Đại hội

Nhiều di sản văn hóa của Hà Nội đã trở thành biểu tượng

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân Thủ đô đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật. Kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước tăng trưởng khá, GDP tăng 7,39%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 5.420 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, cao hơn bình quân chung cả nước.

Nhận định tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã, đang và sẽ có những tác động tiêu cực lớn trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tuy nhiên có thể thấy, với những thuận lợi và cơ hội lớn hiện nay, ông Nguyễn Văn Phong cho rằng, Đảng bộ Hà Nội nhận thức sâu sắc và tự tin có đủ năng lực, điều kiện thực hiện trách nhiệm "phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện..." như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố.

Với khát vọng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển, Thành phố đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa, GRDP đầu người đạt 8300 - 8500 USD; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% trong nền kinh tế, cao hơn mục tiêu chung của cả nước (20%).

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "Xanh - Thông minh - Hiện đại" có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Ông Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội là địa phương sở hữu một kho tàng phong phú các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (cả quốc tế và quốc gia) có giá trị với gần 6.000 di tích lịch sử (trong số hơn 40.000 di tích của cả nước), 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và 1.350 làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa của Hà Nội đã trở thành hình ảnh, biểu tượng đại diện cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long... Nhiều di sản trên địa bàn Hà Nội đã trở thành địa chỉ đỏ, quy tụ niềm tin, tình cảm, ý chí của dân tộc như: Lăng Bác Hồ, Quảng trường Ba Đình, hệ thống các Bảo tàng, nhà truyền thống...

Dựa vào khoa học công nghệ, văn hóa, tài nguyên trí tuệ để xây dựng chiến lược phát triển

Để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, Thành phố xác định phải dựa vào khoa học, công nghệ, vào văn hóa, vào tài nguyên trí tuệ để xây dựng các chiến lược phát triển Thủ đô. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo cùng với văn hóa, con người là nhân tố quan trọng bậc nhất để phát triển nhanh và bền vững Thủ đô. Thành phố xác định trong thời gian tới sẽ tập trung thực hiện tốt 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng 10 Chương trình công tác toàn khóa với nội dung bao trùm tất cả các lĩnh vực: xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trong đó có những chương trình đã tiếp thu những quan điểm mới của Đại hội XIII như: Chương trình phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Thủ đô; Chương trình phát triển đô thị, chỉnh trang đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị…

"Với các điều kiện và lợi thế, Hà Nội hội tụ đầy đủ các điều kiện để Xây dựng và phát triển Thủ đô văn minh hiện đại, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước" - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

 

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ