(Tổ Quốc) - Yêu cầu làm rõ việc mất cắp nhiều di vật, hiện vật trong các di tích ở huyện Thanh Oai; Công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng; Hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020... là những thông tin văn hóa nổi bật tại tại Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên.
- 20.04.2020 Gần 21 nghìn bức tranh gửi về cuộc thi "Ngày hội sắc màu"
- 20.04.2020 Tổ chức Cuộc thi sáng tác tranh cổ động trực tuyến tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công...
- 20.04.2020 Văn hóa đọc đang được dịp khơi dậy và lan tỏa mạnh trong cộng đồng
- 20.04.2020 Gần 50 đơn vị xuất bản và phát hành tham gia Hội sách trực tuyến 2020
Hà Nội: Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa có Công văn đề nghị UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xác minh, làm rõ tình trạng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích thời gian qua, để tổng hợp báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Được biết, thời gian gần đây, tại nhiều di tích trên địa bàn huyện, gồm: Chùa Bối Khê (thôn Song Khê), đình Đại Định (thôn Đại Định, xã Tam Hưng); chùa Dư Dụ (xã Thanh Thùy) và chùa Từ Châu (xã Liên Châu) xảy ra hiện tượng kẻ gian đột nhập lấy cắp một số cổ vật, hiện vật có giá trị.
Cụ thể, ngày 13/3, chùa Bối Khê bị kẻ gian phá cửa, lấy pho tượng Thích Ca Đản Sinh bằng đồng màu đen đặt tại ngôi Tam Bảo. Ngày 16/3, đình Đại Định bị kẻ gian đột nhập, lấy đi hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái, 2 đỉnh đồng, 2 cây nến đồng, 1 bình sứ cổ. Ngày 29/3, tại chùa Dư Dụ, kẻ gian cắt khóa lấy trộm 1 chuông đồng, 2 bát bình hương đặt tại ngôi Tam bảo. Ngày 11/4, tại chùa Từ Châu, kẻ gian lấy trộm 1 chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m.
Trước tình hình kẻ gian trộm cắp cổ vật, hiện vật, đồ thờ tự tại các di tích trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, UBND huyện Thanh Oai đã chỉ đạo UBND các xã: Tam Hưng, Thanh Thùy, Liên Châu tiến hành xác minh, lấy lời khai của người trình báo, người có liên quan, rà soát nhân chứng, rà soát đối tượng khả nghi trên địa bàn và lập hồ sơ báo cáo Công an huyện chỉ đạo đội nghiệp vụ điều tra, xác minh và thực hiện các bước theo quy định của pháp luật.
UBND huyện Thanh Oai cũng đã có văn bản gửi UBND các xã, thị trấn, ban quản lý di tích yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn gìn giữ cổ vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn huyện.
Để khắc phục tình trạng mất cắp cổ vật, đồ thờ tự, sắc phong, hiện vật tại di tích, UBND huyện Thanh Oai yêu cầu UBND các xã, thị trấn, ban quản lý di tích xã, thị trấn rà soát, kiểm tra, thống kê hiện trạng đồ thờ, hiện vật, sắc phong trong di tích theo danh mục quản lý tại di tích. Đồng thời, hướng dẫn ban quản lý di tích cơ sở chủ động kiểm tra hệ thống cửa, khóa và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, an ninh xã để bảo đảm an toàn, phòng chống trộm cắp di vật, hiện vật, hòm công đức trong các di tích...
Nam Định: Theo Sở VHTTDL Nam Định, trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nề nếp với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh người có công với dân, với nước, tạo khí thế vui tươi, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh, hàng năm có hơn 100 lễ hội được tổ chức, trong đó Di sản "Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" mà tỉnh Nam Định đại diện cho các địa phương xây dựng hồ sơ đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản); Lễ hội Đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định); Lễ hội chùa Keo Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường); Lễ hội đền thờ Đức thánh tổ Nguyễn Minh Không (xã Yên Xá, huyện Ý Yên); Lễ hội đền, chùa Linh Quang (xã Phương Định, huyện Trực Ninh); Lễ hội chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bên cạnh các hoạt động lễ hội truyền thống, hội chợ Viềng Xuân diễn ra tại Quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản); Chùa Đại Bi (thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực) và Lễ Khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước về tham dự.
Bên cạnh công tác quản lý và tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, các địa phương trong tỉnh còn chú trọng, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa và duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong những năm qua nhiều di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Nam Định đã được trùng tu, tôn tạo bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa và bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa sau khi được trùng tu, tôn tạo đã trở thành các sản phẩm văn hóa, nguồn tài nguyên du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương....
Đây chính là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Nam Định triển khai và thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội" nói riêng và các văn bản của Trương ương, của tỉnh Nam Định nói chung trong quản lý và tổ chức lễ hội, góp phần thực hiện nếp sống văn minh; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Hưng Yên: Hưởng ứng ngày sách Việt Nam lần thứ 7 năm 2020 (21-4), Bộ CHQS tỉnh tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ cơ quan đọc và nghiên cứu sách tại thư viện Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh.
Đây là hoạt động nhằm phát động phong trào đọc sách đến với toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh. Với sự chỉ đạo sâu sát của thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh về tuyên truyền, quảng bá, nhân rộng phong trào đọc sách sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách và nhận thức rõ tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội.
Thư viện Bộ CHQS tỉnh có diện tích 150m2, với gần 10 nghìn đầu sách, báo, tạp chí, ấn phẩm, tài liệu…phục vụ cho nhu cầu đọc sách cũng như việc nghiên cứu, học tập, tìm kiếm của cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, bao gồm các loại sách về chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; lịch sử thế giới, trong nước, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, Quân khu 3 và lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương; sách truyện ký, hồi ký; sách học tập, tham khảo, nghiên cứu…
Thông qua việc tổ chức tuyên truyền "Ngày Sách Việt Nam 21/4' nhằm thúc đẩy văn hóa đọc, khơi dậy lòng yêu sách, khuyến khích đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa trong LLVT tỉnh. Đồng thời tạo môi trường thân thiện, lành mạnh để cán bộ, đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.