• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hà Tĩnh: Thảo luận, góp ý Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thời sự 05/07/2024 19:56

(Tổ Quốc) - Sáng 5/7, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Sở VHTTDL tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về chính sách, pháp luật phát triển văn hóa.

Hà Tĩnh: Thảo luận, góp ý Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Mở đầu hội nghị, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo kết quả kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Theo đại biểu, sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật khác; giám sát tối cao; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, KT-XH, ngân sách Nhà nước; xem xét báo cáo tổng hợp, giải quyết kiến nghị của cử tri và một số nội dung quan trọng khác.

Hội nghị cũng đã được nghe báo cáo tóm tắt dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu và cử tri đã thảo luận, góp ý các nội dung như: phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật; các thuật ngữ, câu từ được dùng trong luật; chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa...

Đại biểu cũng nêu rõ, sau 23 năm Luật Di sản văn hóa được ban hành và 15 năm được sửa đổi, bổ sung, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của nước ta ngày càng hiệu quả với những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng - nơi có di sản hoặc nắm, giữ di sản, thu hút du lịch, tạo động lực phát triển KT-XH.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, Luật Di sản văn hóa hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập như: một số quy định của luật còn mang tính nguyên tắc chung, có sự chồng chéo, thiếu tính khả thi; một số vấn đề phát sinh thực tiễn chưa được quy định trong luật. Do đó, việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Đối với Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, các đại biểu cho rằng, việc đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 ở thời điểm hiện nay hết sức cần thiết, đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng.

Đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý các nội dung: sự cần thiết đầu tư chương trình; địa điểm, phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện chương trình; tổng vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn của chương trình…

Đại biểu kiến nghị cần xây dựng chương trình với những khung chính sách sát đúng thực tế, cụ thể nhằm tăng tính hiệu quả của chương trình; quan tâm nhiều hơn nữa về con người làm văn hoá, nhất là lực lượng làm trong lĩnh vực văn hoá.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của đại biểu. Đồng thời, nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa cần tập trung thực hiện như: tham mưu cho tỉnh các phương án để khai thác, bảo vệ các di sản văn hóa; quan tâm xây dựng các các tour du lịch...

Đối với nguồn nhân lực phục vụ cho ngành văn hóa, phải tham mưu các giải pháp để lựa chọn, đào tạo cán bộ các cấp đủ năng lực, chuyên môn và trách nhiệm; tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Nguyễn Du; tạo thuận lợi trong hoạt động chuyên môn, bổ sung nhân lực chất lượng cao công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống; quan tâm phát triển các loại hình câu lạc bộ, phát huy công năng các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố...

Đối với nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, đề nghị ngành bám sát Nghị quyết số 18 - NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới để tham mưu kịp thời.

Đối với việc quản lý các khu di tích, gần đây tỉnh có chủ trương giao một số khu di tích cho địa phương quản lý, đề nghị Sở VHTTDL soát xét, đề xuất để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên cơ sở đổi mới trong quản lý, quảng bá. Về kinh phí mua sách bổ sung cho thư viện, đề nghị ngành văn hóa tham mưu để HĐND tỉnh cân đối phù hợp hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, ngoài sự quan tâm của tỉnh, ngành văn hóa cần tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của Bộ VHTTDL trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Được biết, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được trình Quốc hội lần đầu vào Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024./.

Bảo Trân

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ