(Tổ Quốc) - Hơn một năm nay, người dân xóm 3, thôn Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đang phải “chịu trận” bởi một xưởng sản xuất đồ gỗ hoạt động không phép. Theo người dân nơi đây, có những ngày xưởng gỗ này hoạt động 24/24h cùng với đó là tiếng máy cắt xẻ, cùng lượng bụi gỗ, mùn cưa, mùi sơn… khiến cho môi trường sống bị ảnh hưởng.
Hoạt động sản xuất bên trong xưởng gỗ không phép này
Sống trong chịu đựng
Theo phản ánh của những người dân xóm 3, thôn Hiệp Thượng, xã Hiệp Sơn, xưởng gỗ dân dụng trên là của hộ gia đình ông Tô Mạnh Tường trong làng. Xưởng gỗ này được mở và đi vào hoạt động sản xuất vào khoảng giữa thời điểm năm 2017. Từ khi xưởng gỗ này đi vào hoạt động sản xuất, cuộc sống của những người dân xóm 3 bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là những hộ gia đình sát vách. Bởi xưởng gỗ này không có khu vực sản xuất cách ly khép kín, dẫn đến việc xả thải trực tiếp ra không khí và nguồn nước những chất độc hại, bốc mùi rất khó chịu (bụi gỗ, sơn) và đặc biệt là tiếng ồn.
Bà Nguyễn Thị Nga (50 tuổi), sinh sống sát vách cho biết, cuộc sống của gia đình bà bị đảo lộn hoàn toàn kể từ khi xưởng gỗ nhà ông Tường đi vào hoạt động. "Nhiều hôm, xưởng gỗ hoạt động gần như cả ngày, từ sáng tới tận khuya. Không chỉ có tiếng máy cưa, máy cắt mà thợ thuyền làm bên xưởng còn mở nhạc to, cười nói liên tục…gia đình tôi có cháu nhỏ (hơn 2 tuổi), cháu quấy khóc liên tục vì không ngủ được yên giấc."
Người dân xóm 3 cũng cho biết, không chỉ cuộc sống sinh hoạt của các hộ gia đình trong xóm mà việc học tập của các cháu học sinh tại trường tiểu học gần đó cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Mỗi khi xưởng gỗ hoạt động là khói bụi, tiếng ồn, đặc biệt là lúc thợ phun sơn…đều bay vào tận các phòng học. Thầy cô trong trường cũng đã nhiều lần có ý kiến với gia đình ông Tường, nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến gì.
Theo người dân ở đây cho biết, nhiều hôm xưởng gỗ này hoạt động gần như 24/24. Tiếng ồn lớn phát ra rất khó chịu. Xuất phát từ suy nghĩ "tình làng, nghĩa xóm", nên người dân cũng đã nhiều lần ý kiến với chủ xưởng gỗ này để hy vọng mọi thứ được cải thiện, nhưng dường như "nước đổ lá khoai".
"Việc xưởng gỗ hoạt động với tiếng ồn cả ngày lẫn đêm, rồi bụi gỗ, bụi sơn từ đó bay ra rất độc hại với con người, đặc biệt là các cháu học sinh, rồi người già. Chúng tôi không có quyền cấm gia đình ông Tường dừng hoạt động sản xuất, nhưng đề nghị cơ quan chức năng phải xem xét trường hợp này để quản lý. Cơ sở sản xuất ở giữa khu dân cư đông đúc thì phải đảm bảo những tiêu chuẩn theo quy định để không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến cuộc sống của những người dân xung quanh", một người dân xóm 3 búc xúc nói.
Ô nhiễm tiếng ồn được xem là một trong những mối nguy hiểm lớn đối với sức khỏe của con người, không thua gì các loại ô nhiễm khác. Noise (ồn) trong tiếng Anh có nguồn gốc Latinh là NOXIA, nghĩa là tổn thương hoặc đau đớn. Ô nhiễm tiếng ồn tạo sự căng thẳng: Căng thẳng kéo dài dễ dẫn đến những chứng bệnh thần kinh như trầm cảm hay lo lắng vô cớ, tăng thêm nguy cơ dễ mắc các bệnh ở tim, hệ tuần hoàn.
Đã xử phạt nhưng đâu lại vào đấy
Mặc dù bị xử phạt, nhưng chủ xưởng gỗ này vẫn chưa chịu chấp hành theo những yêu cầu của cơ quan chức năng để đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, sức khỏe của người dân
Bức xúc vì phải sống trong cảnh chịu đựng với ô nhiễm môi trường (khói bụi, tiếng ồn), nhiều hộ dân xóm 3 đã làm đơn kiến nghị gửi cơ quan chức năng của địa phương.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Chương, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thượng cho biết, xưởng gỗ của gia đình ông chưa được cấp phép hoạt động. Trước khi người dân có đơn kiến nghị về việc xưởng gỗ của hộ gia đình ông Tô Mạnh Tường hoạt động 24/24 giờ, xã đã mời ông Tường và các hộ dân lên làm việc và thống nhất thỏa thuận đôi bên. Ông Tường cũng chấp hành giảm thời gian sản xuất từ 5 giờ đến 21 giờ.
Tuy nhiên, theo phán ánh của người dân thì ông Tô Mạnh Tường chỉ chấp hành một thời gian ngắn (vài hôm), rồi sau lại hoạt động bình thường như cũ.
Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Đảo - Trưởng phòng TN&MT huyện Kinh Môn. Ông Nguyễn Văn Đảo cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng đã phối hợp với UBND xã Hiệp Sơn đã nhiều lần mời ông Tô Mạnh Tường lên làm việc nhưng ông này đều vắng mặt. Ngày 6/12/2018, Phòng phối hợp với UBND xã Hiệp Sơn tiến hành kiểm tra đột xuất xưởng gỗ này.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Tô Mạnh Tường cho biết xưởng hoạt động từ tháng 7/2017 trên diện tích thuê khoảng 80m2 để chế biến gỗ. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy xưởng đang hoạt động trên diện tích khoảng 90m2 được xây tường bao cao khoảng 1,2m, hai mặt quây thêm tôn. Riêng mặt tiếp giáp với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thăng chỉ dựng khung nhôm. Đặc biệt là xưởng gỗ này đã xây lấn chiếm trên diện tích quy hoạch mương thoát nước của thôn, rộng 2m được lợp mái tôn nền bê tông.
Cũng tại buổi kiểm tra này, khi được hỏi về các thủ tục phép lý về môi trường…, chủ xưởng gỗ này không xuất trình được.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đảo, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu chủ xưởng gỗ là ông Tô Mạnh Tường phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và các biện pháp quản lý, giảm thiểu chất thải, tiếng ồn phát sinh trong quá trình sản xuất; đồng thời đề nghị UBND xã Hiệp Sơn kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận tại biên bản làm việc này của ông Tô Mạnh Tường, báo cáo về huyện. Đối với phần diện tích xây dựng trái phép yêu cầu ông Tô Mạnh Tường phải thực hiện tháo dỡ, đồng thời ký cam kết thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường.
Ngày 13/12/2018 vừa qua, UBND xã Hiệp Sơn đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ gia đình ông Tô Mạnh Tường. Số tiền xử phạt 4.250.000đ cho các hành vi vi phạm như: sản xuất đồ mộc dân dụng không có hệ thống xử lý khí thải, bụi thải đạt quy chuẩn kỹ thuật; không có kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định…
Tuy nhiên, trên thực tế, một số người dân xóm 3 cho biết, dù bị xử phạt như vậy nhưng đến nay xưởng gỗ của hộ gia đình ông Tô Mạnh Tường vẫn chưa thực hiện theo các yêu cầu của cơ quan chức năng để đảm bảo về vấn đề môi trường, cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Kinh Môn, cần có biện pháp để xử lý nghiêm tình trạng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường sống an toàn cho người dân trong khu vực.
Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nêu rõ, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn từ 5dBA đến 40dBA sẽ bị phạt từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng; với mức vi phạm nặng hơn, cơ sở vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động 3-12 tháng.