(Tổ Quốc) - Xứ Đông là tên gọi dân gian để chỉ tiểu vùng văn hóa nằm ở mạn phía đông của vùng đồng bằng sông Hồng, chủ yếu bao gồm tỉnh Hải Dương, một phần của Hải Phòng. Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa xứ Đông nảy sinh, tiếp biến và phát huy nhiều giá trị vật thể, phi vật thể, tạo thành một tiểu vùng văn hóa không trộn lẫn trong tổng thể văn hóa Việt Nam, từ truyền thống đến hiện đại.
- 25.01.2019 Hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư Khu du lịch sinh biển Hải Dương
- 25.12.2018 Có một địa điểm du lịch ở Hải Dương mà khách thập phương rủ nhau về để được “Nam dược trị nam nhân”
- 30.11.2018 Hải Dương phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
- 04.10.2017 Hải Dương tìm giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh
Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương
Tiềm năng và thế mạnh
Về tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch của Xứ Đông (Hải Dương) là rất lớn, bởi từ xa xưa, mảnh đất này đã là nơi hình thành và sản sinh ra nhiều những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Côn Sơn – Kiếp Bạc, một quần thể di tích độc đáo, quan trọng bậc nhất của xứ Đông; Văn miếu Mao Điền, Chùa Giáng, Đền Bia – gắn với cuộc đời của đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh… Không gian văn hóa trong các lễ hội ở vùng xứ Đông mang đậm yếu tố lịch sử, tín ngưỡng và tôn giáo của vùng châu thổ sông Hồng. Tiêu biểu phải kể tới lễ hội Côn Sơn, Kiếp Bạc (Chí Linh), Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng ), Đền Cao (Kinh Môn), Đền Tranh (Ninh Giang)… Cùng với những lễ hội dân gian, xứ Ðông còn nổi tiếng là một trong những cái nôi của nghệ thuật hát chèo, hát ca trù, hát chầu văn, múa rối nước.
Văn miếu Mao Điền
Về vị trí địa lý, Hải Dương nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh). Từ bao đời, Hải Dương là "phên dậu phía Đông" của kinh thành Thăng Long. Mảnh đất này cũng gắn bó với tên tuổi của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi,… với trên 2.207 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 144 di tích được xếp hạng quốc gia, 04 khu di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt (khu di tích và danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc đã được Chính phủ đưa vào danh mục xây dựng thành khu du lịch quốc gia). Trên địa bàn tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, hang động kỳ thú như núi Côn Sơn, núi Phượng Hoàng, núi An Phụ, núi Dương Nham, động Kính Chủ, sông Lục Đầu,… và những vùng sinh thái hấp dẫn như sông Hương, Đảo Cò Chi Lăng Nam, Bến Tắm…
Ngoài ra, Hải Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống danh tiếng như: chạm khắc gỗ Đông Giao (Cẩm Giàng), gốm Chu Đậu (Nam Sách), kim hoàn Châu Khê (Bình Giang), Khắc ván in Hùng Lục, Liễu Tràng (Gia Lộc), thêu Xuân Nẻo (Tứ Kỳ), dệt chiếu Tiên Kiều (Thanh Hà)… và nhiều món đặc sản nổi tiếng khắp trong, ngoài nước như bánh đậu xanh, bánh khảo, bánh cuốn (TP Hải Dương), bánh gai (Ninh Giang), vải thiều (Thanh Hà)…
Có thể thấy, xứ Đông (Hải Dương) có đầy đủ tiềm năng cùng thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch đang được ưa chuộng hiện nay như du lịch tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề …
Phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của Hải Dương trong thời gian tới
Mặc dù tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch của xứ Đông (Hải Dương) là rất lớn, vậy nhưng trên thực tế những năm vừa qua, ngành du lịch của địa phương chưa phát triển xứng với những gì mình đang có.
Chùa Giám Hải Dương
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hải Dương đã nhận thức rõ được điều này và cũng đang rất trăn trở, tính toán để làm sao phát triển du lịch của địa phương xứng tầm với những tiềm năng và lợi thế của mình.
Về điều này, bà Nguyễn Thị Việt Nga – Giám đốc Sở VHTTDL Hải Dương cho biết: "Hải Dương có tiềm năng dồi dào, phong phú để phát triển du lịch, nhưng nhiều năm qua chưa phát triển để xứng tầm với tiềm năng ấy. Điều này có cả yếu tố chủ quan và khách quan. Hiện tại, hạ tầng phục vụ cho du lịch của Hải Dương còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu để phát triển. Mà muốn làm được điều này thì không chỉ dựa vào ngân sách mà còn phải đẩy mạnh, kêu gọi xã hội hóa. Cùng với hạ tầng du lịch thì nguồn nhân lực để phát triển du lịch của Hải Dương hiện nay cũng đang còn rất thiếu và yếu, những người được đào tạo căn bản về du lịch còn hiếm. Công tác truyền thông, quảng bá và xúc tiến về du lịch của Hải Dương trong thời gian qua chưa thực sự được chú trọng, vì thế chưa tạo ra được hiệu quả. Khách du lịch trong và ngoài nước có rất ít thông tin về sản phẩm du lịch, điểm đến của Hải Dương…".
Được biết, thời gian qua Sở VHTTDL tỉnh Hải Dương cũng đã chủ động và tích cực tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều văn bản quan trọng để khai thác và phát huy những tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh, cụ thể: Năm 2011, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đây là căn cứ vô cùng quan trọng, kim chỉ nam cho phát triển du lịch của tỉnh.
Từ quy hoạch tổng thể này, Sở VHTTDL triển khai tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch nhằm cụ thể hóa những chủ trương, định hướng của quy hoạch như: Đề án phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2011-2015, 2016-2020; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch đã được Chính phủ phê duyệt; Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện thanh Miện; Điều chỉnh Quy hoạch Đảo Cò Chi Lăng Nam, Quy hoạch phát triển du lịch sông Hương, huyện Thanh Hà; đề tài xây dựng 04 sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Hải Dương, cùng với đó chúng tôi xây dựng Chương trình xúc tiến du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020.
Hiện tại, Sở VHTTDL đang tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh 02 văn bản rất quan trọng đó là Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Sở VHTTDL Hải Dương
Hiện tại, Sở VHTTDL đang tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh 02 văn bản rất quan trọng đó là Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và Cơ chế thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Về những kế hoạch phát triển của ngành du lịch Hải Dương trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho hay lãnh đạo tỉnh Hải Dương rất coi trọng phát triển du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo quyết liệt về công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch, quy hoạch hạ tầng du lịch…
Thời gian tới, Hải Dương sẽ thay đổi chiến lược truyền thông, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; tăng cường liên kết, phối hợp với các tỉnh thành bạn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để xây dựng các tour, tuyến phục vụ cho khách du lịch. Đặc biệt là hoàn thiện và tham mưu cho HĐND tỉnh thông qua những nội dung quy định về mức độ ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
"Ngành du lịch Hải Dương sẽ tập trung để làm nổi bật loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp với tâm linh. Điều này phù hợp với xu thế phát triển của ngành du lịch nói chung, đồng thời cũng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phải làm gì để giữ chân được du khách, đó là bài toán đang đặt ra cho ngành du lịch Hải Dương và sẽ phải thực hiện trong năm 2019 này và những năm tiếp theo…", bà Nguyễn Thị Việt Nga chia sẻ./.