(Tổ Quốc) - Gầm cầu thang dưới chung cư Ấn Quang (Q.10) chỉ vỏn vẹn 5m2. Thế nhưng, 23 năm nay, nó là chốn nương thân của 2 mẹ con bà Trần Thị Mẹt.
- 2 mẹ con dì sinh hoạt như thế nào?
- Nấu nướng, ngủ nghỉ, tắm rửa chung một chỗ! Điện thì 70.000 đồng/tháng, nước dì mua nhà hàng xóm, xách bình mang về hết 150.000 đồng/tháng. Chỗ tắm rửa chỉ vài ô gạch nên con tắm thì dì sẽ dội giùm, bởi không khéo nước sẽ tràn ra sàn gây ẩm. Nhưng nhiều nhất dì cho dùng 3 bình thôi!
- Bất tiện thế dì đã bao giờ tính chuyển đi chưa?
- Con trai dì nó nói mãi nhưng chỗ này dì đã sống hơn 20 năm, là nơi buôn bán, kiếm kế sinh nhai, đi chỗ khác sinh sống kiểu gì hả con?
Bà Trần Thị Mẹt tiếp chuyện với chúng tôi ở ngay trước chiếc cửa sắt dưới gầm cầu thang, bởi bên trong căn phòng sẽ không đủ cho cả tôi và bạn phóng viên ảnh có thể dễ dàng len lỏi vào. Cuộc đời thì khổ đấy, nhưng người phụ nữ 67 tuổi này vẫn cảm thấy vui. Vì đối với bà, ít nhất ông trời đã cho bà một đứa con trai rất yêu mẹ.
Cận cảnh cuộc sống trong căn "phòng trọ" dưới gầm cầu thang chung cư cũ của 2 mẹ con người miền Tây
Bà Mẹt và con trai đã sống dưới gầm cầu thang chung cư Ấn Quang 23 năm.
23 năm sống dưới gầm cầu thang chung cư
Năm 1999, sau khi chồng đột ngột qua đời, bà Mẹt khăn gói bồng cậu con trai 3 tuổi từ Bến Tre lên Sài Gòn mưu sinh. Được người quen giới thiệu cho gầm cầu thang ở chung cư Ấn Quang với giá 120.000 đồng/tháng, bà Mẹt lập tức đồng ý. Ấy thế, bà không ngờ đến nay đã kéo dài hơn 20 năm.
"Hồi đó, Hiền nó mới 3 tuổi, dì bán hàng ăn trước trường tiểu học còn phải ẵm trên tay mà giờ đã 26. Người ta cứ nói dì hoài rằng chỗ này ẩm ướt, như hang chuột nên thằng bé dễ bệnh. Nhưng dì đã sống quen lại nghèo nên chẳng biết đi đâu" - bà Mẹt tâm sự.
Bà và con trai phải mua nước nhà hàng xóm để có nước sinh hoạt trong nhà.
Mọi thứ chỉ gói gọn trong gầm cầu thang nên bà Mẹt phải sắp xếp mọi thứ thật hợp lý.
Gầm cầu thang vỏn vẹn 5m2, chỗ cao nhất vừa qua 1m5 khiến bà Mẹt và con không bao giờ có thể đứng thẳng người. Để sắp xếp mọi thứ trong nhà hợp lý, bà Mẹt phải tận dụng tất cả mọi ngóc ngách: Chỗ tắm rửa vài ô gạch, lối ra vào cũng là nơi để chiếc bếp gas mini nấu nướng, nền nhà vừa ngủ nghỉ vừa ăn cơm. Ngoài ra, để rửa chén và phơi quần áo cho gia đình, bà còn tận dụng khoảng sân trước cầu thang.
Bà Mẹt cho biết, ban đầu chủ nhà chưa cho thuê mặt bằng phía trước cầu thang, gió vẫn lùa vào trong giúp nhà bà thông thoáng. Thế nhưng, từ ngày hàng quán mọc lên bịt kín toàn bộ lối thông khiến nó luôn ngột ngạt và ẩm thấp.
"Mùa nắng thì rất nóng, mùa mưa thì rất ẩm! Nhà không có tủ lạnh, thức ăn dễ hỏng nên dì nấu hàng ngày, đơn giản hết mức có thể. Chỉ có mỗi việc phòng nằm dưới gầm nên người đi cầu thang chỉ cần mạnh chân là gây ồn, cả đêm dì khó ngủ".
Lối ra vào được dựng bếp gas để nấu ăn.
"Mong ước con trai có thể lấy vợ, sống ở một nơi tốt hơn"
Sau cái ngày trải qua cơn đột quỵ, sức khoẻ bà Mẹt yếu hẳn đi. Đôi chân sưng to khiến bà không di chuyển chậm chạp.
Hiền học hết lớp 9 thì cũng nghỉ giữa chừng để phụ mẹ. Cậu đăng ký chạy xe ôm công nghệ, ban đêm lại đi phục vụ nhà hàng. Thế nhưng, bao nhiêu tiền bạc hai mẹ con chắt chiu cũng chẳng đủ đầy vào tiền thuốc thang cho bà Mẹt.
"Nó vay ngân hàng mua được chiếc xe 10 triệu bảo sẽ chạy xe chữa bệnh cho mẹ. Giờ mỗi ngày tôi đều phải uống một đống thuốc lớn nên làm khổ con nhiều lắm".
Bà Mẹt mang rất nhiều bệnh nền nên mỗi ngày uống rất nhiều thuốc.
Hơn năm trước, bà Mẹt bị nhồi máu cơ tim, Hiền chở mẹ vào bệnh viện 115, bác sĩ yêu cầu phẫu thuật gấp, chi phí hơn 100 triệu. Nghe vậy, 2 mẹ con đành trốn viện ra về. Đã gần hơn năm nay, bà Mẹt cứ để vậy mà sống."Có hôm đi khám, Hiền hỏi bác sĩ: Bố con đột quỵ, mẹ con đột quỵ, mai mốt con có thế không, mà mình chỉ biết khóc."
Thương mẹ nhiều lần Hiền lên tiếng đề nghị được chuyển sang một phòng trọ khang trang hơn. Thế nhưng, là chỗ gắn bó hơn 23 năm nên bà Mẹt vẫn đắn đo mãi.
3 tháng TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, Hiền thất nghiệp, học sinh không còn đến trường khiến bà Mẹt cũng mất kế sinh nhai, 2 mẹ con bà tằn tiện từng chút một để đủ chi phí sinh hoạt.
"Khi dì mất, cuộc sống của con trai có lẽ sẽ dễ dàng hơn" - bà nói.
Trần Văn Hiền (26 tuổi) rất nhiều lần mong muốn mẹ chuyển sang nơi khác tốt hơn, nhưng bà Mẹt từ chối vì nó gần nơi bà buôn bán tại trường tiểu học Nhật Tảo.
"Hàng xóm biết nên thường xuyên cho gạo, rau củ, chính quyền cũng hỗ trợ 3 triệu đồng, nhưng số tiền đó đến nay chẳng đủ đầy.
Rất nhiều lần còn 1 công 3 đất ruộng ở quê, con muốn bán cho dì chữa bệnh nhưng dì chưa chịu. Bởi cái đó là để khi nào dì mất, có cái thiêu, rồi thằng Hiền còn lấy vợ. Không có dì, đời nó sẽ dễ dàng hơn, nó không phải lo tiền thuốc thang, nó còn trẻ nên vẫn sẽ sống tốt" - bà Mẹt mỉm cười.
Chia sẻ về hoàn cảnh của bà Trần Thị Mẹt, Trưởng Ban quản trị Chung cư Ấn Quang - cô Trần Lệ Thu nói: "Gia đình bà Mẹt đã thuê gầm cầu thang sinh sống từ rất lâu, hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Riêng bà bán hàng ăn cho học sinh trường tiểu học Nhật Tảo nhưng thường xuyên bệnh tật nên phải nghỉ, con trai thì là lao động tự do. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả 2 đều thất nghiệp. Ban quản trị chung cư đã nhiều lần tham gia hỗ trợ thực phẩm và chi phí sinh hoạt để san sẻ với 2 mẹ con..."