(Tổ Quốc) - Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường) HĐND TP Hải Phòng khóa XV nhiệm kỳ 2016 – 2021 vừa thông qua việc triển khai lập đề án quy hoạch 150 ha bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng thuộc huyện Thủy Nguyên. Theo đó, sẽ xây dựng, tôn tạo khu di tích này thành di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp Quốc gia.
Theo đó, TP Hải Phòng sẽ đầu tư hơn 430 tỉ đồng xây dựng và tôn tạo khu bãi cọc Cao Quỳ để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử của công trình này.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng Lê Văn Thành cho rằng, việc phát hiện, khai quật bãi cọc tại thôn Cao Quỳ xã Liên Khê và thôn 11 xã Lại Xuân huyện Thủy Nguyên khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13. HĐND thành phố thông qua các nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để các cấp chính quyền thành phố triển khai việc bảo vệ, khảo cổ, lập quy hoạch nhằm bảo tồn, đầu tư xây dựng quần thể các di tích Bạch Đằng trở thành quần thể Di tích lịch sử văn hóa – danh thắng cấp quốc gia đặc biệt, tiến tới trở thành Di sản văn hóa thế giới.
Sau khi hoàn thành, công trình sẽ là một địa chỉ quan trọng để giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. UBND TP Hải Phòng khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật, khởi công công trình này vào dịp 13/5 kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng và quyết tâm khánh thành vào cuối năm 2020, chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy.
Trước đó, vào cuối năm 2019, TP Hải Phòng phối hợp các nhà khoa học lịch sử và khảo cổ phát hiện bãi cọc gỗ tại thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Theo kết quả khai quật và đánh giá, bãi cọc là chứng tích lịch sử quan trọng liên quan đến chiến trận vang dội trong chiến đấu chống quân xâm lược của cha ông ta trên sông Bạch Đằng năm 1288.
GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, bãi cọc gỗ Cao Quỳ là một phát hiện cực kỳ quan trọng giúp chúng ta có thêm những nhận thức mới về chiến thắng Bạch Đằng năm 1.288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Nguyên Mông. Từ đó sẽ mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới trên phương diện khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Với phát hiện mới này giới nghiên cứu sẽ phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử. Từ trước có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay Hải Phòng. Bây giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế dân hai bên bờ sông, hai địa phương đều có đóng góp. Xét về cấu trúc địa chất, việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn vì ở đây có núi non phù hợp với phục binh, bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi quân ta dụ địch vào để đánh.
"Trước đây chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra với một điểm "neo" là bãi cọc được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh), và các nghiên cứu đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua bãi cọc ở Quảng Yên đã cho thấy ông cha ta không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế "hỏa công" tiêu diệt các thuyền địch. Việc phát hiện bãi cọc ở Cao Quỳ cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc tìm thấy ở Quảng Yên. Vì thế có lẽ chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ" - GS.TSKH Vũ Minh Giang nói.
Sau đó, tiếp tục phát hiện bãi cọc tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên càng khẳng định vị trí đặc biệt quan trọng của vùng đất, con người Hải Phòng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ thứ 10, thế kỷ thứ 13…
Để phát huy giá trị của các di tích này, TP Hải Phòng xác định, việc khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan đến di tích lịch sử là một việc quan trọng và cần thiết cả phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng. Trong tương lai, cụm di tích này có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới… Đây sẽ là một địa chỉ quan trọng để giáo dục tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.