• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, Hải Phòng

Văn hoá 21/12/2019 22:52

(Tổ Quốc) - Sáng 21/12, tại thành phố Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên.

Báo cáo kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, Hải Phòng - Ảnh 1.

Bái cọc được phát hiện. Ảnh: Báo CAND

Đầu tháng 10 vừa qua, người dân địa phương trong lúc đào đất tại cánh tại vùng đê bao sông Đá Bạc, thuộc thôn Cao Quỳ, xã Liên Khê đã bất ngờ phát hiện 2 thân gỗ chôn sâu dưới lòng đất. Bảo tàng Hải Phòng sau đó đã xuống hiện trường khảo sát, kiểm tra, lấy mẫu cọc gửi Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) giám định niên đại.

Đến đầu tháng 11, đoàn khảo sát của Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục xuống hiện trường và phát hiện 9 đầu cọc. Kết quả giám định C14 cho niên đại 1270-1430 AD. Theo đó Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng khai quật di tích cánh đồng Cao Quỳ.

Trong quá trình khai quật, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng tiếp tục khảo sát các di tích, dòng sông cổ, bến cổ thuộc xã Liên Khê. Được biết cách đây khoảng 30 năm, khi canh tác trên cánh đồng Cao Quỳ, nhiều người dân cũng đã phát hiện được hàng chục cọc gỗ, có đường kính khoảng từ 35-50cm. Cùng với đó, kết quả nghiên cứu các di tích của xã Liên Khê, như đền Thụ Khê, chùa Mai Động, chùa Thiểm Khê đã được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 1993, liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3. Những di tích này còn ghi đậm dấu ấn vào năm 1288, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã về đây khảo sát trận địa, tập luyện binh mã cho trận chiến chống quân Nguyên Mông.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát và khai quật khảo cổ trên địa bàn xã Liên Khê vừa qua cho thấy, trên diện tích 950m2, với 3 hố khai quật đã phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố không thẳng hàng, theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26 - 46cm và trên thân có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo. Nghiên cứu địa tầng cũng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám, có thể được chôn/đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng loang lổ.

Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3, năm 1288, để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, buộc đạo quân này đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng. Từ đó, rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân địch xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Nguyên Mông với quốc gia Đại Việt.

Tại buổi công bố kết quả khai quật di tích bãi cọc Cao Quỳ, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng nhau thảo luận chứng minh giá lịch sử liên quan đến trận đánh thời nhà Trần, sau đó đưa ra phương án bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tổ chức công bố, thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, truyền thông, trên các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế về phát hiện và kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ. Đồng thời, triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố và xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc.

Lan Phạm (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ