• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 3): Tôi cố nén cảm xúc để không khóc khi ôm đàn đứng hát ở nơi các em đang đứng gác

Thời sự 05/06/2022 08:01

(Tổ Quốc) - Chắc chắn rằng, không ai trong đoàn công tác của chúng tôi có thể quên được những giây phút quây quần cùng các chiến sĩ trong Nhà Văn hóa đa năng ở các đảo nổi, hay ngồi trên những bãi cát trắng, dưới tán cây bàng vuông trên các đảo chìm, xung quanh là tiếng sóng biển vỗ rì rào để cùng nhau đồng thanh hát vang những lời hát của bài Nối vòng tay lớn: "Rừng núi dang tay nối lại biển xa, ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà, mặt đất bao la anh em ta về, gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng, bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…".

"Tự hào khi đứng giữa biển trời bao la của Tổ quốc hát về người anh hùng dân tộc"

Âm nhạc luôn là một món ăn tinh thần giúp cho mỗi con người có thêm động lực để vượt qua những áp lực, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Lại càng ấm áp, đầy cảm xúc hơn khi món ăn tinh thần đó được bổ sung thêm những gia vị của sự sẻ chia, sự cảm thông, của những con người đang chảy trong mình một dòng máu Việt dành cho nhau.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 3): Tôi cố nén cảm xúc để không khóc khi ôm đàn đứng hát ở nơi các em đang đứng gác - Ảnh 1.

Những giây phút không thể quên của Đoàn công tác số 7 và các chiến sĩ hải quân.

Dường như, mỗi đoàn công tác đến thăm quân và dân các quần đảo Trường Sa hàng năm đều có sự tham gia của những nghệ sĩ, những người đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Đoàn công tác số 7 lần này của chúng tôi cũng vậy, lời ca, tiếng hát là món quà không thể thiếu trong hành trang đến thăm các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Đây là lần thứ 3, Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình được trở lại thăm các quần đảo Trường Sa. Ông Bạch Công Thị - Trưởng đoàn Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: "Đoàn của chúng tôi tham gia chuyến đi lần này có 12 thành viên, trong đó 4 người đã đi lần thứ 2, còn lại đều là đầu tiên được đến biểu diễn tại các quần đảo Trường Sa".

Đối với cá nhân mình, đây là lần thứ 2 ông Bạch Công Thị quay trở lại thăm các đảo. "Tôi đến thăm các đảo Trường Sa lần đầu vào năm 2016, vì là lần đầu nên chuyến đi đó còn quá nhiều bỡ ngỡ, tôi vẫn chưa kịp cảm nhận hết và còn biết bao sự tiếc nuối khi trở về đất liền. Trước chuyến đi lần này, cảm xúc của tôi rất hồi hộp như đang được quay trở lại một nơi thân thương, quen thuộc. Vì vậy mà trong nhiều tháng qua, tôi và anh chị em nghệ sĩ đã tập luyện, chuẩn bị các tiết mục rất kỹ lưỡng để làm sao khi biểu diễn tại các quần đảo mang lại nhiều cảm xúc nhất đến các chiến sĩ".

Bên cạnh với các tiết mục tham gia cùng tập thể, ca sĩ Vũ Thùy Liên (Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình) đã ấp ủ được thể hiện một tác phẩm thực sự ý nghĩa khiến mình không thể quên trong kỷ niệm của chuyến đi đặc biệt này. Đồng thời, cũng vừa truyền được cảm hứng, tiếp thêm tinh thần, động lực cho các chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Suy nghĩ, trăn trở suốt bao nhiêu ngày, cuối cùng, Thùy Liên quyết định chọn bài hát "Từ làng Sen" để hát tặng các chiến sĩ. "Chuyến đi lần này được tổ chức vào đúng dịp 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chính vì vậy, khi đứng giữa biển trời bao la của Tổ quốc, được hát về người anh hùng của dân tộc đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập của dân tộc, niềm tự hào, lòng biết ơn lại trào dâng trong tôi hơn bao giờ hết. Và hơn thế nữa, thông qua bài hát này, tôi mong muốn truyền một cảm hứng về tinh thần, một ý chí lớn lao để các chiến sĩ thêm dũng cảm, kiên cường khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bình yên cho vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - Thùy Liên chia sẻ.

Tôi cố nén cảm xúc để không khóc khi ôm đàn đứng hát ở nơi các em đang đứng gác

Còn đối với MC, ca sĩ Bùi Thị Lan (Đoàn nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình), dù đã lần thứ hai trở lại thăm các quần đảo Trường Sa nhưng cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Với mong muốn mang những tình cảm ấm áp, niềm tin từ đất liền gửi gắm cho các chiến sĩ hải đảo, Bùi Thị Lan cho biết, dù hải trình rất dài và có lúc say sóng rất mệt nhưng chị luôn cố gắng vượt qua để đặt chân lên tất cả các điểm đến của đoàn công tác.

Hải trình thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1-12 (Bài 3): Tôi cố nén cảm xúc để không khóc khi ôm đàn đứng hát ở nơi các em đang đứng gác - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (Quỹ học bổng Vừ A Dính) ôm đàn ghi ta hát cùng chiến sĩ, các thành viên đoàn công tác tại Đảo Đá Thị.

"Những giây phút quây quần cùng các chiến sĩ trong Nhà Văn hóa đa năng ở các đảo nổi, hay ngồi trên những bãi cát trắng, dưới tán cây bàng vuông trên các đảo chìm, xung quanh là tiếng sóng biển vỗ rì rào để cùng nhau đồng thanh hát vang những lời hát của bài Nối vòng tay lớn, có lẽ đó sẽ là những kỷ niệm luôn khắc sâu trong tim mà tôi sẽ không bao giờ có thể quên được" - Bùi Thị Lan chia sẻ.

Tham gia Đoàn công tác số 7 thăm các quần đảo Trường Sa và Nhà già DK1-12, với "tài lẻ" văn nghệ của mình, chị Nguyễn Thị Thúy Phượng (Quỹ học bổng Vừ A Dính) đã mang đến cho các chiến sĩ hải quân những món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa. Mỗi lần đặt chân đến các đảo, điểm đầu tiên mà chị tìm đến đó là nơi các anh lính hải quân đang đứng gác.

Chị Thúy Phượng chia sẻ: "Trường Sa trong tôi luôn đong đầy những cảm xúc, nên dù là lần thứ hai đặt chân đến nhưng nó vẫn luôn dạt dào. Nhìn những chiến sĩ tuổi còn mười tám, đôi mươi, bằng với tuổi con cháu mình đã xung phong nhận những nhiệm vụ gian khó, nhọc nhằn, tôi rất thương các em. Đến đảo nào cũng vậy, tôi đều ôm đàn đến chốt mà các em đang canh gác để hát cho các em nghe. Có những lúc phải cố nén cảm xúc để nước mắt không tuôn trào, sợ các em nhìn thấy sẽ yếu lòng".

Bài 4: "35 năm sinh sống ở nước ngoài, tôi không nghĩ một ngày mình được đặt chân đến Trường Sa"

(Còn nữa)

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ