• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Hàng tỉ đồng thu của sinh viên, 231 cái tát và những cơn bão lòng!

Giáo dục 24/11/2018 16:29

(Tổ Quốc) - Hàng tỉ đồng thu mỗi đợt thi chứng chỉ tiếng Anh để làm cơ sở cho việc xét tốt nghiệp đối với sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cô giáo chủ nhiệm bắt học sinh tát bạn 230 cái là những thông tin không hề vui của ngành Giáo dục trong những ngày này.

Thanh tra Bộ GDĐT vào cuộc để xác minh vụ việc: Sinh viên đóng tiền để 'chống trượt' kỳ thi lấy chứng chỉ tiếng Anh ở Đại học Công nghiệp

Theo một quy định của Bộ GDĐT, sinh viên muốn ra trường phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc 3 tương đương 450 điểm TOEIC. Đây cũng được xem như là một quy định rất khó đối với các sinh viên vì để đạt được trình độ này, sinh viên phải trải qua một quá trình học ngoại ngữ tương đối nghiêm túc thì mới thể đạt được trình độ theo quy định. Có lẽ nắm được tâm lý cũng như thấy được những 'khó khăn' của sinh viên từ quy định này mà một số giảng viên của Đại học Công nghiệp Hà Nội đã 'giúp đỡ' sinh viên trong trường bằng cách tổ chức ôn tập và thi lấy chứng chỉ tiếng Anh đáp ứng trình độ theo yêu cầu trong quy định của Bộ GDĐT.

Sự việc không có gì là đáng nói nếu không có thêm những bằng chứng cho thấy việc giúp đỡ sinh viên của các giảng viên trong trường hoàn toàn vì mục đích trục lợi. Để có được chứng chỉ tiếng Anh này của trường, các sinh viên đã phải đóng một khoản tiền không nhỏ, tổng cộng là 2,18 triệu đồng (gồm tiền ôn thi 1,9 triệu đồng và lệ phí thi 280.000 đồng) cho trường, rồi đến lịch thi thì… diễn rồi nhận kết quả thi đạt. Những sinh viên không đóng tiền học ôn thi 1,9 triệu đồng thì dù có giỏi đến đâu chăng nữa cũng "auto trượt", đó là 'thực tế' đã được báo Lao động thông tin trong nhiều bài báo suốt thời gian qua.

Hàng tỉ đồng thu của sinh viên, 231 cái tát và những cơn bão lòng! - Ảnh 2.

Sinh viên đóng tiền chống trượt tại Đại học Công nghiệp Hà Nội (ảnh: Lao động)

Trước phản ánh của báo chí, sáng 24/11, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết, Bộ GDĐT đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh vụ việc, từ ngày 23/11, Bộ GDĐT đã bắt đầu thanh tra trường Đại học Công nghiệp Hà Nội về những thông tin sinh viên trường này đóng 1,9 triệu đồng mỗi người để 'chống trượt' môn tiếng Anh. Ông này cũng cho biết thêm, "Bộ đã thành lập đoàn thanh tra để xác minh từ ngày 23/11. Trong quá trình làm việc, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công thương khi cần thiết", tờ VTC news đưa tin.

Câu hỏi đặt ra là: Nếu có việc sinh viên đóng tiền để chống trượt thi lấy chứng chỉ tiếng Anh thì liệu các chứng chỉ đó có được công nhận? Nếu vụ việc được xác minh là có xảy ra việc giảng viên trong trường thu tiền để giúp sinh viên chống thi trượt thì các giảng viên này sẽ xử lý ra sao? Ban Giám hiệu trường Đại học Công nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào đối với những việc làm này? Và chứng chỉ tiếng Anh của những cựu sinh viên đã đóng tiền thi tiếng Anh của các khóa trước (đã tốt nghiệp) có bị ảnh hưởng gì không khi vụ việc được sáng tỏ?...

"Cơn bão 231 cái tát" khiến một học sinh lớp 6 ở Quảng Bình phải nhập viện

Cũng trong những ngày này, trong khi Bộ GDĐT và Sở GDĐT các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; Trung Bộ và Nam Tây Nguyên đang lo ứng phó với cơn bão số 9, bảo vệ an toàn cho các học sinh thân yêu thì trên mạng có một cơn bão khác cũng ập đến, 231 cái tát chính là cơn bão này!

Hàng tỉ đồng thu của sinh viên, 231 cái tát và những cơn bão lòng! - Ảnh 3.

Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (ảnh: GDVN)

Trước đó, sự việc xảy ra vào chiều ngày 19/11 tại lớp 6.2 trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khi một học sinh trong lớp nói với giáo viên chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy là bạn H.L.N. cùng lớp đã có những lời nói nhằm tới tên của mẹ học sinh này, ngay lập tức, cô Thủy ra lệnh cho các học sinh trong lớp mỗi bạn phải tát N. 10 cái thật đau để trừng phạt. Nhiều học sinh cùng lớp thương bạn nhưng vẫn phải thực hiện theo lời cô giáo này. Sau khi các bạn tát xong, vì ấm ức mà N. có nói đổng một câu và N. bị cô Thủy tát thêm một cái, tổng cộng N. đã phải chịu 231 cái tát trong chiều hôm đó.

Đến chiều tối khi đi học về, H.L.N. có biểu hiện sốt, không ăn uống được gì nên gia đình đã đưa học sinh này tới bệnh viện. Cho biết về tình hình bệnh nhân H.L.N., bác sĩ Lê Văn Hương Phó trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Dinh Mười nhận định, "Tình trạng bệnh nhân khi vào viện có kêu đau vùng má, há miệng có hạn chế, tại vùng má hai bên bị sưng. Có thể trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý nên sẽ vừa điều trị vừa động viên thêm để tâm lý hồi phục".

Sau khi sự việc xảy ra, Ban Giám hiệu nhà trường cùng Hội đồng kỷ luật nhà trường đã tổ chức cuộc họp và xem xét hình thức kỷ luật cô Nguyễn Thị Phương Thủy, đồng thời báo cáo sự việc lên Phòng GDĐT huyện Quảng Ninh. Bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng cho biết, cách hành xử của cô Thủy là hoàn toàn sai trái, phản giáo dục và sẽ có phương án kỷ luật đích đáng.

Không biết khi cô giáo Thủy bắt các học sinh cùng lớp tát bạn có ẩn ức, phái chịu áp lực hay bức xúc gì khiến cô này bộc phát có yêu cầu "phản giáo dục" như vậy nhưng hành vi này là không thể chấp nhận trong trường học, và những cô giáo như thế này cần phải có những hình thức kỷ luật thích đáng mà tối thiểu là kỷ luật không cho làm việc tiếp trong ngành Giáo dục, bởi trước đó cô giáo này cũng từng bị nhà trường kiểm điểm, phải chuyển trường vì thường xuyên đánh học sinh và nghĩ ra nhiều cách để trừng phạt học sinh.

Quỳnh Nga (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ