(Tổ Quốc) -Từ 19-21/10, tại Hà Nội, hàng trăm thí sinh Việt Nam và quốc tế ở mọi lứa tuổi đã lần lượt đến nhà hát Star Galaxy để trình diễn trực tiếp trước Hội đồng nghệ thuật Dàn nhạc giao hưởng Mặt Trời (SSO).
Giấc mơ được sống bằng nghề, đam mê, sáng tạo
Những ngày qua, bên ngoài khán phòng, có những mái đầu đã hai thứ tóc, những khuôn mặt trẻ măng, có người đã dày dặn kinh nghiệm trên trường quốc tế, cũng nhiều nghệ sỹ trẻ vẫn đang bằng mọi cách nuôi ước mơ âm nhạc đã cùng tới dự thi vào dàn nhạc.
Không mang tính ganh đua, các nghệ sĩ cùng hồ hởi trao đổi, tập luyện chờ đến phần biểu diễn của mình.
Các thí sinh cùng nhau "ôn bài" trước giờ thi |
Với họ, buổi tuyển chọn hôm nay không chỉ là cơ hội lớn, là “giấc mơ đã nhiều năm mong chờ” mà còn là một sân chơi thú vị, để họ được sống với nghề.
Chị Hồng Nhung, giáo viên âm nhạc tại Singapore đã vội đáp chuyến bay về nước để kịp tham dự buổi tuyển chọn.
“Tôi nhìn thấy cơ hội phát triển sự nghiệp của các nghệ sĩ nhạc cổ điển Việt Nam đang ngày càng rộng mở. Với Sun Symphony Orchestra, tôi hi vọng Việt Nam có một dàn giao hưởng chuyên nghiệp thực sự”- chị Nhung chia sẻ.
Hiroyuki Kawamoto—nghệ sỹ timpany rất trẻ đến từ Nhật Bản đã từng học nhạc ở Anh và Đức, từng biểu diễn nhiều nước châu Âu và Nhật Bản, cũng đã trực tiếp tới dự tuyển. Anh tràn đầy hy vọng: “Tôi đến đây, mong muốn mình được cùng với các nghệ sỹ khác tham gia tạo dựng nên những hành trình đầu tiên của dàn nhạc vô cùng mới mẻ này”.
Trong cái sự khó của nhạc giao hưởng không chỉ ở Việt Nam, SSO được kỳ vọng rất nhiều.
Hiroyuki Kawamoto—nghệ sỹ timpany người Nhật. |
Chị Mỹ Hương- một giảng viên của Nhạc viên Hà Nội, tâm sự: “Tôi rất vui mừng nếu SSO có thể đảm bảo cho các nhạc công được yên tâm chơi nhạc mà không phải lo cơm áo gạo tiền. Như tôi, là giảng viên, mức lương hiện tại cộng với một khoản hỗ trợ từ Dàn nhạc của nhạc viện thì nói thực là cũng khó khăn để có thể bám trụ với nghề. SSO là một cơ hội để các nghệ sỹ như chúng tôi có thể yên tâm sống tốt và cống hiến cho đam mê”.
Được biết, Hội đồng nghệ thuật gồm 5 giám khảo quốc tế: ông Olivier Fabrice Ochanine - Giám đốc âm nhạc, nhạc trưởng của SSO; Nghệ sỹ violin quốc tế người Nga Stepan Yakovich- giảng viên tại Nhạc viện Moscow; nghệ sĩ kèn oboa Rachel Walker tới từ dàn nhạc giao hưởng quốc gia Singapore Symphony Orchestra; nghệ sỹ kèn cor Javier Bonet, dàn nhạc giao hưởng quốc gia Tây Ban Nha; bè trưởng Timpani Vadim Simongauz- dàn nhạc giao hưởng Auckland Philharmonia Orchestra.
Tuyển chọn chuyên nghiệp
Được phát động từ tháng 9, không chỉ các nghệ sĩ trong nước, SSO đã nhận được hơn 150 bài dự thi từ các nghệ sỹ nước ngoài gửi về dự thi. Chưa có cuộc tuyển chọn nghệ sỹ nhạc cổ điển nào ở Việt Nam lại thu hút sự chú ý của nghệ sỹ và những người yêu nhạc đến thế.
“Đây là hình thức tuyển chọn chuyên nghiệp mà các dàn nhạc của thế giới đều áp dụng như là một tiêu chuẩn bắt buộc từ châu Âu, châu Á hay cả những dàn nhạc trẻ. Nghệ sỹ tham dự tuyển chọn đa dạng. Ban giám khảo thì rõ ràng rất uy tín rồi”- PGS, TS Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội nhạc sỹ Việt Nam nhận xét.
Giám khảo Stepan Yakovich. |
Còn Giáo sư âm nhạc Vũ Hướng, thành viên Hội đồng tư vấn cho hay, trước đây các cuộc tuyển chọn đều chỉ có các nghệ sĩ trong nước. Cuộc tuyển chọn này sẽ chấm được những người có năng lực thực sự vào dàn nhạc, và khi đó, chắc chắn chất lượng của dàn nhạc được nâng cao.
Chia sẻ với chúng tôi, giám khảo Vadim Simongauz nói: “Được trở thành người cầm cân nảy mực cho cuộc tuyển chọn này là một đặc ân mà dàn nhạc dành cho tôi. 30 năm kinh nghiệm chơi nhạc cổ điển trên khắp thế giới tôi nghĩ rằng thật là tuyệt khi được tham gia vào thời điểm thành lập một dàn nhạc giao hưởng mới, ở Việt Nam, với những tiêu chuẩn quốc tế”.
Còn giám khảo Stepan Yakovich thì cho biết: “Đây là một dự án thú vị bởi tính chất quốc tế của nó. Bản thân tôi, việc được chứng kiến sự ra đời của một dàn nhạc như thế này là vô cùng hạnh phúc”./.
Thái Tùng